Nghệ thuật chọn khu vực, mục tiêu, đối tượng tiến công

Từ ngày 17-7 đến 25-8-1974, Bộ tư lệnh (BTL) Quân khu 5 mở Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức trên địa bàn Quảng Đà-Quảng Nam. Trong chiến dịch này, ta sử dụng Sư đoàn 2, Trung đoàn 66, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 304), Trung đoàn Thiết giáp 574, Trung đoàn Pháo phòng không 573, Trung đoàn Công binh 270, một bộ phận Trung đoàn Pháo binh 572 và 9 tiểu đoàn bộ đội địa phương cùng dân quân, du kích trên địa bàn. BTL Quân khu 5 trực tiếp tổ chức, chỉ huy; Tư lệnh chiến dịch là đồng chí Chu Huy Mân; đồng chí Nguyễn Chánh là Phó tư lệnh. Đây là chiến dịch tiêu biểu về nghệ thuật chọn khu vực tác chiến, xác định mục tiêu, đối tượng tiến công của bộ đội ta.

Ngày 17-7, Sư đoàn 2 nổ súng tiến công Nông Sơn-Trung Phước, mở màn chiến dịch. Đây là cụm cứ điểm tiền tiêu của địch, nằm sâu trong vùng giải phóng của ta, gồm 10 vị trí trên khu vực dài 4km, rộng 3km, trong đó Nông Sơn là cứ điểm then chốt, do Tiểu đoàn 78 biệt động quân, 1 đại đội bảo an, 10 trung đội dân vệ địch đóng giữ. Để tiêu diệt cứ điểm then chốt Nông Sơn, ta đã sử dụng lực lượng đánh địch tại các vị trí xung quanh, gồm Khương Quế, ngã ba Trung Phước, Khương Nam, Khương Bình, Đồi Tranh, Sơn Phúc, Sơn Thọ..., đồng thời chiếm Ninh Hòa làm bàn đạp triển khai lực lượng. Sau khi diệt xong các vị trí xung quanh, 8 giờ ngày 18-7, pháo binh ta bắn phá cứ điểm Nông Sơn, phá hủy 38 lô cốt ngoại vi rồi chuyển làn, để Tiểu đoàn Bộ binh 8 (Trung đoàn 31, Sư đoàn 2) từ hai hướng tiến công tiêu diệt các mục tiêu còn lại, đến 17 giờ 30 phút làm chủ căn cứ. Thừa thắng, ta tiêu diệt cứ điểm Cà Tang, điểm cao 235, giải phóng toàn bộ khu vực Nông Sơn-Trung Phước sau đó phối hợp với Sư đoàn 2 tập kích hỏa lực vào sân bay Đà Nẵng, cùng đặc công đánh chìm 1 tàu quân sự địch ở cảng Đà Nẵng...

Bị mất Nông Sơn bất ngờ, ngày 19-7, địch điều Trung đoàn bộ binh 2 (Sư đoàn 3), 1 chi đoàn thiết giáp và 3 pháo đội mở cuộc hành quân "Sóng thần nam" để chiếm lại. Đoán trước được ý đồ của địch, ta đã chuẩn bị sẵn thế trận, sau đó sử dụng các Trung đoàn 1, 31 (Sư đoàn 2) vừa chặn đánh vừa nhử dần địch vào khu vực Song Sử, Khương Quế, điểm cao 238... nhằm làm phân tán lực lượng và chờ cơ hội tập kích. Ngày 24-7, ta bắt đầu tiến công đồng loạt tiểu đoàn địch tại các vị trí, loại khỏi chiến đấu hơn 700 tên địch, sau đó, sáng 25-7, chủ động rút chỉ để lại một số chốt nhỏ ngăn chặn địch. Phối hợp với Sư đoàn 2, LLVT địa phương Quảng Đà tiến công các cứ điểm Trùm Giao, Giáng La, đánh phá đường 100, tập kích hỏa lực vào Ái Nghĩa, Giao Thủy, Vĩnh Điện, Hội An, Bồ Bồ... Địch vội điều Liên đoàn 12 biệt động quân vào thay Trung đoàn 2, chiếm lại các điểm cao, lập tuyến ngăn chặn ở nam An Hòa; đưa các Trung đoàn 54, 56 vào giải tỏa vùng A, B Điện Bàn, Duy Xuyên. BTL chiến dịch chủ trương kết hợp các lực lượng tại đây tiến công Thượng Đức. 5 giờ ngày 29-7, ta nổ súng tiến công, nhanh chóng đánh chiếm các tiền đồn, hình thành thế bao vây, chốt chặn; từ 29 đến 31-7, ta nhiều lần đột phá vào trung tâm quận lỵ, sau đó, 5 giờ ngày 6-8, tiếp tục tổ chức tiến công, dùng cách đánh áp sát không cho địch phân tuyến, kịp thời chuyển hướng đột phá chủ yếu từ tây bắc sang tây nam, tập trung hỏa lực pháo bắn thẳng chi viện cho bộ binh xung phong đánh chiếm từng khu vực. Đến 8 giờ 30 phút, ta làm chủ chi khu quận lỵ Thượng Đức. Phối hợp với đòn tiến công của chủ lực, LLVT địa phương tiến công, đánh chiếm các vị trí địch ở Gia Mốc Xa, Hòn Giang, Hòn Đụn, Hòn Vòng... mở rộng vùng giải phóng tây nam Quế Sơn.

Mất Thượng Đức và bị thiệt hại nặng ở nam An Hòa, địch đưa Trung đoàn 2, được tăng cường Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 57) ở nam An Hòa, đồng thời điều các Lữ đoàn 1 và 3 dù từ Sài Gòn, Thừa Thiên tới Đà Nẵng, chuẩn bị giải tỏa Thượng Đức. BTL chiến dịch chủ trương tiếp tục tiến công, đẩy lui tuyến ngăn chặn của địch. Từ ngày 14 đến 15-8, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 304) đã chặn đánh bại cuộc tiến công của Trung đoàn 2 địch; từ ngày 18 đến 25-8, đơn vị tiếp tục tiến đánh Lữ đoàn dù 1 ở đông và tây bắc Hà Sống, loại khỏi chiến đấu hơn 300 tên địch. Trên hướng nam An Hòa, Quế Sơn, từ ngày 12-8, Sư đoàn 2 đánh bại cuộc phản kích của Trung đoàn 54, giữ vững vùng giải phóng tây Quế Sơn.

Ngày 25-8-1974, chiến dịch kết thúc; ta đã tiêu diệt một bộ phận quân đội Sài Gòn, giải phóng khu vực Nông Sơn-Trung Phước, Thượng Đức, tây nam Quế Sơn, tây bắc Tam Kỳ, góp phần đánh bại âm mưu "bình định", lấn chiếm của địch, tạo điều kiện thuận lợi để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 trên địa bàn Quân khu 5. Nét nổi bật trong nghệ thuật của chiến dịch là đã chọn khu vực tác chiến, mục tiêu, đối tượng tiến công chính xác. Bởi vì, tại đây, địch bố trí nhiều đơn vị lẻ chiếm giữ, nếu ta không chọn khu vực tác chiến trọng yếu, gây bất ngờ thì khó giành thắng lợi. Sau khi chọn địa bàn, khu vực tác chiến, ta đã lựa chọn chính xác các điểm mở đầu, tạo bàn đạp để tấn công, gây bất ngờ cho địch. Một yếu tố quan trọng khác đó là trong chiến dịch này, ta đã luôn giữ vững quyền chủ động kể từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, phân tích, phán đoán chính xác các tình huống, diễn tiến của địch. Đồng thời, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các hướng chiến trường, phối hợp hiệu quả giữa bộ đội chủ lực với LLVT địa phương và nhân dân trên địa bàn chiến dịch.

Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU

Nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng Tham mưu.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-chon-khu-vuc-muc-tieu-doi-tuong-tien-cong-591108