Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật cồng chiêng, giữ gìn bản sắc văn hóa người đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Người Cor là một trong số 54 dân tộc ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở huyện Trà Bồng, Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Nam Trà My và huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Người Cor thích múa hát, thích chơi chiêng, cồng, trống. Các điệu dân ca phổ biến của người Cor là Xru, Klu và Agiới.
Nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) có lịch sử lâu đời, mang đậm dấu ấn và sức sống riêng của dân tộc Cor. Đây cũng là một sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Cor.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng có lịch sử lâu đời, được bắt nguồn từ truyền thống sinh hoạt văn hóa cồng chiêng trong các lễ hội tiêu biểu với những bài chiêng và cách thức diễn tấu đã đạt đến trình độ cao về nghệ thuật và kỹ thuật. Đặc điểm sáng tạo nổi bật của nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor là tạo ra các bài chiêng với ý nghĩa thiết thực, linh hoạt, dung hòa như các bài chiêng chào khách, cúng thần, tiễn khách; được diễn tấu kết hợp với múa cà đáo một cách hợp tình, hợp lý theo trình tự nghi thức cúng thần nhưng lại hài hòa được với nhau trong một tổng thể ở lễ hội ăn trâu. Đồng thời, sự sáng tạo của nghệ thuật cồng chiêng còn được thể hiện ở chỗ, người Cor sinh hoạt sử dụng cồng chiêng khi là phương tiện giao tiếp với thần linh như trong lễ hội ăn trâu; khi là phương tiện đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng như trong phần hội của lễ hội mùa. Đó là việc sử dụng 3 bài chiêng chào khách, tiễn khách, cúng thần linh kết hợp múa cà đáo trong lễ hội ăn trâu hay để trình diễn phục vụ người xem trong lễ Tết Ngã rạ.
Tuy không đồ sộ, nhưng nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor vẫn có sự đa dạng, độc đáo riêng, trong đó đấu chiêng là bộ môn nghệ thuật có giá trị đặc sắc (với các giá trị về kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, cách chơi, cách trình diễn, cách phô diễn hình thể mang tính thi đua cao, thể hiện khả năng sáng tạo âm nhạc cồng chiêng của dân tộc Cor). Người Cor dựa vào 2 bài chiêng chào khách, tiễn khách có tiết tấu rộn ràng vui tươi dùng trong lễ hội ăn trâu để phát triển thành bài đấu chiêng có tiết tấu dồn dập, sôi động, hùng tráng cùng với sự ngẫu hứng cao độ của người chơi vừa mang tính giải trí, sáng tạo cao vừa có khả năng gắn kết cộng đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Cao Văn Chư: “Cấu tạo dàn chiêng của người Cor dùng trong lễ hội chỉ có 2 chiêng (gọi là chiêng chồng và chiêng vợ, được chế tác bằng đồng) và một trống (có dạng hình trụ tròn, căng mặt bằng da). Mỗi chiêng chỉ có 1 âm. Muốn thể hiện tiết mục đánh chiêng, múa cà đáo phải có 3 nam và 8 nữ. Nam sử dụng 2 chiêng và 1 trống”.
Mở đầu tiết tấu đấu chiêng, tiếng trống và tiếng chiêng hòa quyện chậm rãi, sau đó tăng dần tốc độ và càng về sau càng thúc giục, dồn dập hơn. Người đánh chiêng luôn thể hiện rõ tài năng ứng tác của mình, biết kết hợp các thể loại nhuần nhuyễn mới tạo được âm thanh lúc trầm hùng, vui nhộn hay khoan thai... Thông qua tiếng chiêng, cách trình diễn đấu chiêng, người Cor bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với thần linh, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...
Nghệ nhân Hồ Văn Biên (60 tuổi), ở thôn 2, xã Trà Sơn (Trà Bồng), cho biết, ông học đấu chiêng từ năm lên 6 tuổi. Hồi trước, cứ đến ngày lễ, ngày Tết ngã rạ, đồng bào Cor lại diễn tấu cồng chiêng. Ấn tượng nhất, theo ông Biên, là trong không gian lễ cúng trước sân nhà có dựng cây nêu đầy màu sắc. Thanh niên đánh trống, đấu chiêng phô diễn hình thể, kết hợp với những điệu múa cà đáo uyển chuyển của những cô thôn nữ người Cor. Dân làng đến xem rất đông, hò reo, cổ vũ làm huyên náo cả một vùng…
Được biết, từ năm 2013, huyện Trà Bồng đã thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Cor. Huyện đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng. Nhờ đó, đến nay hầu hết các xã đều giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào Cor.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/nghe-thuat-cong-chieng-cua-dan-toc-cor-tintuc449569