Nghệ thuật công cộng: Sự đồng điệu giữa nghệ sĩ và công chúng

Với mong muốn hồi sinh các không gian công cộng ở Thủ đô, nhiều dự án nghệ thuật đường phố đã ra đời. Thành công nhiều nhưng thất bại cũng không ít, đã mang đến cho những người thực hiện bài học quý về sự đồng điệu giữa nghệ sĩ và chính người dân của vùng đất ấy.

Tác giả Nguyễn Xuân Lam đưa tranh Hàng Trống vào tác phẩm Phúc Tân Giang, kết hợp tạo hình với tò he - trò chơi dân gian truyền thống của trẻ em Việt Nam.

Chuyện của dự án ở Phúc Tân

Một chiều thứ bảy cuối tháng 4-2020, nhóm nghệ sĩ thực hiện dự án nghệ thuật công cộng ở Phúc Tân (tại khu phố 1 và 2 của phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có cuộc trò chuyện trực tuyến sôi nổi với công chúng. Nhiều câu chuyện được kể về quá trình 10 tháng chuẩn bị và gần 2 tháng thi công để cho ra đời một không gian nghệ thuật với 16 tác phẩm thú vị tại đây. Các nghệ sĩ đã giúp cải biến khu vực ven sông vốn được coi là “mặt sau” của thành phố trở thành một điểm nhấn nghệ thuật. Không hẹn mà gặp, nhiều nghệ sĩ đã cùng chia sẻ câu chuyện mình được người dân sở tại giúp đỡ hoàn thành tác phẩm như thế nào.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển dự án, trước khi bắt tay thực hiện dự án, nhóm nghệ sĩ có hai buổi làm việc với hơn một trăm hộ dân ở khu vực xung quanh dự án để thông tin về dự án và lắng nghe mong muốn của họ. Sau đó, phương án thiết kế tác phẩm được dán tại trụ sở UBND phường Phúc Tân để lấy ý kiến của người dân. Chính vì vậy mà khi thực hiện dự án, các nghệ sĩ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiệt tình của người dân.

Với nghệ sĩ Lê Đăng Ninh, chính cuộc sống nơi đây là nguồn cảm hứng để anh tạo nên Nhà nổi - tác phẩm lấy ý tưởng từ những ngôi nhà nổi ở bãi sông Hồng, được làm từ những vật liệu bỏ đi như thùng phi, xốp để có thể nổi trên mặt nước. “Khi tác phẩm hoàn thiện, nhiều người đã đến xem và họ chia sẻ rằng chỗ này là nhà tôi ngày xưa..., khiến tôi cảm thấy hết sức thú vị”, họa sĩ chia sẻ.

Không chỉ tạo nguồn cảm hứng, người dân còn trở thành những “đồng tác giả” với nghệ sĩ thông qua việc giúp đỡ nghệ sĩ thu gom vật liệu tái chế, góp ý cho tác giả và gìn giữ tác phẩm. Họa sẽ trẻ Nguyễn Hoài Giang kể: “Trong quá trình thực hiện tác phẩm Emoji city, tôi được người dân ở đây giúp đỡ nhiệt tình. Để làm được tác phẩm này, tôi phát động một đợt quyên góp chai nhựa đã qua sử dụng ở nhà văn hóa phường trong vòng 8 - 10 ngày. Sau đó, tôi đến thu gom, phân loại, cắt vụn và làm thành những viên gạch nhựa. Khi mang gạch đến địa điểm thi công, các cô chú ở nhà văn hóa, hội phụ nữ, hàng xóm, trẻ con... lại cùng tôi tham gia sắp xếp tạo thành tác phẩm. Vừa rồi, khi tôi đến thì thấy các cô chú ở đây trồng rất nhiều hoa xung quanh tác phẩm và bảo như thế làm cho nó đẹp hơn”.

Nhiều tác phẩm khác như Thuyền của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông, The Red River’s Dragon của nghệ sĩ Diego Cortiza... cũng nhận được sự hỗ trợ của đông đảo người dân trong quá trình thực hiện.

Bài học chung

Nhóm nghệ sĩ tham gia dự án nghệ thuật ở Phúc Tân.

Việc khảo sát, nghiên cứu cộng đồng luôn là một phần không thể thiếu của bất kỳ dự án nghệ thuật công cộng nào. Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, đây là khâu rất quan trọng bởi khác với các loại hình nghệ thuật khác, mục tiêu của nghệ thuật công cộng là phải làm thế nào để tác phẩm trở thành nơi tương tác thú vị của người dân ở đó. Cộng đồng là nơi tạo ra sức sống cho tác phẩm, bảo vệ và mang đến cho tác phẩm một đời sống mới. Đó là lý do mà họa sẽ trẻ Nguyễn Hoài Giang cảm thấy hạnh phúc khi “một số viên gạch trong tác phẩm bị rơi xuống, chính các cô chú ở xung quanh đã giữ lại và gọi cho tôi”, hay họa sĩ Goerge Burchett - người Australia sinh ra tại Hà Nội, vô cùng thích thú khi thấy trẻ em leo lên tác phẩm Con voi của ông, thậm chí vẽ lên đó...

Các nghệ sĩ đều cho rằng đó là cách tương tác tích cực và cần thiết đối với nghệ thuật công cộng. Các tác phẩm này phải phản ánh được phần nào ký ức của người dân ở đây, và rồi sẽ trở thành một phần ký ức đẹp trong lòng họ.

Trên thực tế, ngay tại Hà Nội, có nhiều dự án nghệ thuật công cộng không thành công bởi không đánh giá đúng vai trò của cộng đồng. Chính vì vậy, PGS.TS, Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia từng khẳng định rằng: “Khi làm nghệ thuật cùng cộng đồng, người nghệ sĩ sẽ phải bước ra khỏi “tháp ngà” nghệ thuật, khỏi “cái tôi” nghệ thuật của mình để tương tác với các bên liên quan: Cộng đồng, cơ quan quản lý, nhà tài trợ... và chứng kiến sự chuyển hóa của tác phẩm trong một quá trình liên tục. Nó là một đối thoại nghệ thuật với hình thức đa dạng để đi đến sự đồng cảm về nghệ thuật, từ đó chính cộng đồng sẽ là người tôn vinh, bảo vệ tác phẩm đó”.

Rõ ràng, chỉ khi nhận thức đúng vai trò của cộng đồng, nghệ thuật công cộng mới có thể thực hiện tốt vai trò của nó trong việc làm đẹp hay giúp hồi sinh các không gian công cộng trong thành phố.

An Định

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/966749/nghe-thuat-cong-cong-su-dong-dieu-giua-nghe-si-va-cong-chung