Nghệ thuật cộng đồng và thông điệp bảo vệ môi trường

Nghệ thuật hướng đến cộng đồng, nghệ thuật tái chế đều hướng con người đến việc sử dụng vật liệu gần gũi với tự nhiên, gửi đến những thông điệp nhân văn, vì môi trường bền vững.

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra triển lãm “Phiêu” của họa sĩ - nhà điêu khắc Cao Thanh Thà, với những câu chuyện về hành trình sự sống và việc bảo tồn rùa biển - một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Triển lãm góp phần khẳng định vai trò của nghệ thuật tạo hình trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng với môi trường sống của mình.

Họa sĩ Cao Thanh Thà giới thiệu cho khách tham quan tạo hình chú rùa biển trưởng thành duy nhất tại triển lãm.

Họa sĩ Cao Thanh Thà giới thiệu cho khách tham quan tạo hình chú rùa biển trưởng thành duy nhất tại triển lãm.

Chuyện của rùa biển

Một chú rùa biển khi được chào đời là đã bắt đầu một hành trình dài để ra với biển. Chỉ có 1/1.000 con rùa sống đến tuổi trưởng thành, có thể sống sót để tìm về đúng nơi đã sinh ra rồi đẻ trứng và tạo ra một sự sống mới. Số còn lại hoặc bị ăn thịt trong cuộc đấu tranh sinh tồn với những loài động vật biển khác, hoặc bị đánh bắt, khai thác tận diệt. Tỷ lệ 1/1.000 đã nói lên nguy cơ bị tuyệt chủng của rùa biển, loài được ghi trong sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN. Xuất phát từ những trải nghiệm thực tế khi tham gia chương trình bảo tồn rùa biển, họa sĩ - nhà điêu khắc Cao Thanh Thà đã thực hiện dự án nghệ thuật “Phiêu” với 1.001 chú rùa biển bằng gốm, được giới thiệu tại địa chỉ 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

“Phiêu” gửi đến công chúng câu chuyện phiêu lưu của rùa biển từ khi sinh ra đến khi được hòa mình vào đại dương, bắt đầu những ngày rong chơi trên dòng hải lưu, lênh đênh trên biển cả, với 1.000 chú rùa con, được tạo hình với nhiều dáng vẻ, trạng thái khác nhau. Đó là những chú rùa đang ngơ ngác chui ra từ vỏ trứng, những đàn rùa con thi nhau xuống biển, trôi vào những đợt sóng thủy triều lên xuống, trước khi bắt đầu hành trình bơi hàng ngàn dặm đại dương trong suốt cuộc đời dài của mình... Đó còn là những chú rùa bị dị dạng, tập tễnh đi ra biển, là những chú rùa con di chuyển rất khó khăn bởi rác thải ngập bờ... Và, chỉ duy nhất 1 chú rùa trưởng thành, được họa sĩ Cao Thanh Thà tạo hình khổ lớn. Như một sự tình cờ, khi nung, màu men chảy xuống nên nếu nhìn kỹ, người ta có thể cảm nhận chú rùa trưởng thành đang “ngấn lệ”, với đôi chân bị trầy xước, mai rùa hiện rõ những vết nứt như bị tổn thương.

Triển lãm “Phiêu” của họa sĩ Cao Thanh Thà với 1.001 rùa biển bằng gốm được nặn hoàn toàn bằng tay, gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan bởi sự độc đáo. Chị Dương Thị Thu Huyền (Chương Mỹ, Hà Nội) cho rằng: “Hành trình của mỗi chú rùa quá gian nan. Tôi cảm thấy xúc động khi được biết sau hành trình vượt muôn vàn khó khăn, gặp không ít kẻ thù thì các bạn ấy lại trở về nơi mình sinh ra, sinh sản và bảo tồn nòi giống. Khi trở về, chú ngơ ngác và không biết tương lai đi về đâu. Điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm của mình trong bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Tôi được biết Thà quên ăn quên ngủ với dự án này, để thổi hồn vào những chú rùa nhỏ rồi tự tay lên màu men, bằng tâm huyết như bạn ấy đang sống giữa các chú rùa”.

Để làm nên triển lãm nghệ thuật “Phiêu”, họa sĩ Cao Thanh Thà đã có 12 ngày có nhiều trải nghiệm cùng thiên nhiên hoang dã, hỗ trợ mọi người bảo vệ thiên nhiên, gom trứng về khu ấp tập trung để tỷ lệ ấp thành công cao hơn, thả rùa biển về đại dương... Chị nhớ mãi trong một lần thả rùa con về biển, chú rùa ấy đã ngoi lên mặt nước 3 lần, cảm giác như một lời tiễn biệt. “Hình ảnh đó vô cùng ấn tượng! Sau đó năm nào tôi cũng tham gia những chương trình bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Đây là cuộc phiêu lưu của những chú rùa nhưng cũng là cuộc phiêu lưu của chính tôi” - họa sĩ Cao Thanh Thà nói.

Câu chuyện của những chú rùa đã thu hút công chúng đến tham quan triển lãm. Đáng lưu ý, có nhiều em nhỏ được tham gia các hoạt động: Tô màu, vẽ tranh về các loài động vật biển, đọc sách tìm hiểu về đặc tính, cách bảo vệ rùa biển... Trong dòng cảm xúc lưu niệm, một bạn trẻ đã viết: “Tình cờ được vẽ men, làm những chú rùa bằng gốm, chờ những chú rùa được nung lên, bóng bẩy, thành hình; được biết câu chuyện của những chú rùa, trên thực tế phải trải qua những khắc nghiệt như thế để trưởng thành và lớn lên...; được hy vọng về bản thân sẽ hoàn thiện hơn mỗi ngày”.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường

“Phiêu” là cuộc dấn thân vào điêu khắc nghệ thuật, là nơi để họa sĩ Cao Thanh Thà chia sẻ về vai trò của nghệ thuật đối với cuộc sống. Những năm trước, cùng với các dự án bảo tồn rùa biển và sáng tác nghệ thuật, chị cũng tham gia nhiều dự án nghệ thuật vì cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt trên khắp các vùng biển Việt Nam. Năm 2018, chị cùng các nghệ sĩ thực hiện dự án sáng tác nghệ thuật từ rác thải và phao xốp tại vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh. Năm 2019 là dự án “Đại dương nổi trên cạn”, với rác thải thu gom được tại khu bảo tồn đảo Hòn Cau, Bình Thuận. Năm 2020, chị tham gia dự án trang trí phố đi bộ tại bến du thuyền Ana Marina, Nha Trang, với chủ đề “Đại dương”.

“Tôi khá ấn tượng với xác san hô trôi nổi trên những bãi biển do bị tẩy trắng. Một số liệu tôi cập nhật gần đây tại Côn Đảo, đó là: Sâu 20m so với mặt nước biển, nhiệt độ đo được là 32oC. Trong khi đó, nhiệt độ lý tưởng để san hô có thể sống được là 25oC. Việc san hô tại vùng biển ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam bị tẩy trắng là dấu hiệu cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu rất đáng báo động. Ra tới Côn Đảo, tôi đã nghĩ mình phải làm một việc gì đó khi nhìn những quả phao trôi nổi trên biển. Chúng đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo trong tôi” - họa sĩ Cao Thanh Thà nhớ về thời gian sáng tác tại Côn Đảo, với những tác phẩm nghệ thuật tái chế của mình.

Dự kiến cuối năm nay, chị sẽ trưng bày lại triển lãm rùa biển cùng với những tác phẩm nghệ thuật tái chế về những loài động vật khác đang có nguy cơ tuyệt chủng, để nhiều người hơn nữa trân trọng môi trường sống của chúng ta, giảm thiểu việc khai thác bừa bãi, buôn bán các loài động vật hoang dã.

Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh.

Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh.

Tuy vậy, để giảm thiểu ô nhiễm rác thải, bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung, động vật biển nói riêng thì cần có sự chung tay của cộng đồng. Các nghệ sĩ đang đóng vai trò tiên phong bằng sự sáng tạo và dấn thân, đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước, tham gia các chương trình nghệ thuật, tạo nên nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa, sắp đặt... với mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người vì môi trường sống bền vững.

Trong những năm gần đây, không ít nghệ sĩ khác như Thu Trần, Lê Ngọc Thuận, Kù Kao Khải... đã có những con đường riêng khi “bén duyên” cùng nghệ thuật tái chế, mang đến những hình hài mới từ những thứ tưởng như đã bỏ đi. Họa sĩ Thu Trần và các nghệ sĩ tình nguyện trong cả nước đã làm nên diện mạo mới cho làng chài Tân Thanh - Quảng Nam với nhiều bức tranh phản ánh chân thực về cuộc sống và con người nơi đây.

Tháng 5 vừa qua, UBND xã Tam Thanh, Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đã tổ chức chương trình “Bồi đắp sản phẩm nghệ thuật tại Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh” với sự tham gia của hơn 100 họa sĩ tình nguyện cùng người dân địa phương vẽ tranh bích họa, làm tác phẩm sắp đặt, vẽ trên thuyền thúng và các vật dụng gắn bó với đời sống lao động của ngư dân...

Những tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ vật liệu thân thuộc như tre, gỗ, nứa, lụa; những chiếc thuyền thúng, mái chèo, chum, vại được mang một hình hài mới, làm sống dậy một vùng biển khơi, làm phong phú hơn sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Tam Kỳ nói chung và xã Tam Thanh nói riêng.

Bảo vệ môi trường sống cần sự chung tay của nhiều cá nhân, tập thể, trong đó không thể thiếu vai trò tiên phong của nghệ sĩ. Bằng những hành động thiết thực, những sản phẩm hiện hữu sẽ mang đến một không gian sống nhân văn, bền vững cho mọi người.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nghe-thuat-cong-dong-va-thong-diep-bao-ve-moi-truong-672475.html