Nghệ thuật giấy Trúc chỉ và hành trình xây dựng một giá trị Việt

Lấy cảm hứng từ nghề giấy dó thủ công truyền thống, sử dụng hầu hết các nguyên liệu xơ sợi sẵn có với ý niệm phát triển nghệ thuật tính cho giấy, kết hợp và vận dụng các nguyên lý kỹ thuật của nghệ thuật đồ họa và nghề giấy trong nhiều năm, họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cùng các cộng sự đã tạo ra Trúc chỉ với tư cách là một nghệ thuật giấy mới của Việt Nam, tiếp biến các giá trị truyền thống trong bối cảnh đương đại.

Biểu diễn nghệ thuật trong không gian Trúc chỉ.

Biểu diễn nghệ thuật trong không gian Trúc chỉ.

Trúc chỉ được nhà văn, dịch giả Bửu Ý định danh vào tháng 4-2012, với ý niệm “tre”, “trúc” là một trong những biểu tượng của văn hóa và tinh thần Việt. Theo đó, Trúc chỉ được hiểu là tên gọi để chỉ một loại nghệ thuật giấy của người Việt, chứ không chỉ đơn thuần là “giấy tre” như cách hiểu thông thường (tương tự như Hòa chỉ (washi)- giấy của người Nhật; Hàn chỉ (hanji) của người Hàn quốc). Với Trúc chỉ, giấy đã không chỉ đơn thuần là cái “nền” để viết, vẽ hay in ấn mà đã được nâng tầm để trở thành tác phẩm nghệ thuật tự thân, độc lập, tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, đóng vai trò như một thành tố chính cấu thành tác phẩm.

Đặc tính của Trúc chỉ là sự phong phú, linh hoạt trong biểu hiện, kết hợp nhiều loại nguyên liệu xơ sợi; là hệ thống sắc độ, sắc nhị… tinh tế theo thứ lớp dày mỏng mà kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ/trucchigraphy mang lại, nhất là khi tương tác với ánh sáng. Hiệu ứng bề mặt là khi có ánh sáng thuận, những chỗ dày sẽ cho sắc độ sáng, mỏng cho sắc độ tối, trong khi với hiệu ứng xuyên sáng thì ngược lại: những chỗ dày sẽ tối, những chỗ mỏng sẽ sáng. Quy trình chế tác Trúc chỉ gồm hai công đoạn chính. Đầu tiên là quy trình làm giấy như truyền thống, trong đó nguyên liệu thô được ngâm, nấu với vôi, nghiền, giã thành bột giấy, rồi được “seo” thành tấm giấy trên khung “seo”. Sau đó mới là quy trình Trúc chỉ với khâu kỹ thuật quan trọng là đồ họa Trúc chỉ (trucchigraphy). Thuật ngữ này được hình thành từ sự vận dụng các yếu tố: quy trình chế tác giấy thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo áp lực nước (khá phổ biến ở một số nước), và các nguyên lý của nghệ thuật đồ họa/printmaking (in khắc kim loại/ etching - in xuyên, in lưới/seriegraphy…). Ngay trên tấm giấy ướt, họa sĩ sẽ sử dụng một vòi phun tạo áp lực nước để thay đổi cấu trúc xơ sợi, tạo nên độ dày mỏng khác nhau, với những hình ảnh đã được cắt trổ theo phác thảo. Thao tác này được tiến hành nhiều lần, theo nguyên lý của kỹ thuật chế bản in khắc kim loại (etching) và in xuyên (seriegraphy), tạo nên nhiều lớp sắc độ, sắc nhị tinh tế. Bên cạnh đó, họa sĩ còn có thể sử dụng vòi phun áp lực nước như một cây “bút vẽ” đặc biệt để vờn vẽ trực tiếp trên mặt tấm giấy ướt, tạo nên hiệu ứng kỳ ảo đặc trưng. Theo họa sĩ Phan Hải Bằng, việc vận dụng kỹ thuật tạo áp lực nước theo nguyên lý của nghệ thuật đồ họa; với ý niệm tạo tác một tác phẩm nghệ thuật giấy - tự - thân, chính là điểm cốt lõi làm nên sự khác biệt và biểu hiện độc đáo của Trúc chỉ; đồng thời hình thành thuật ngữ: đồ họa Trúc chỉ/trucchigraphy được các nghệ sĩ và giới chuyên môn chấp nhận và sử dụng.

Trúc chỉ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đa dạng và đặc biệt của nghệ thuật ứng dụng ở các loại hình như thiết kế sản phẩm, nội ngoại thất, trang phục, thời trang, trang sức… Trên tinh thần xây dựng giá trị mới bằng cách khai thác năng lượng của truyền thống, kết hợp với tư duy và tâm thức đương đại, Phan Hải Bằng và các cộng sự đã kết hợp nghệ thuật Trúc chỉ với các nghề thủ công truyền thống khác để tạo nên những sản phẩm mới mang dấu ấn của văn hóa Huế như: tranh làng Sình, mây tre đan Bao La, nghề làm nón, thêu, làm lọng, dù, chạm khắc gỗ... vừa để tạo ra sự cập nhật mới lạ cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa kết nối các làng nghề với nhau trong cùng một sản phẩm để tạo nên sức mạnh phát triển mới. Nhiều sản phẩm thiết kế như ví, hộp đựng trang sức, quạt, sổ tay, ô (dù)… hay các thiết kế trang trí như đèn, tranh hộp đèn, câu đối, hoành phi, bàn trà, vách ngăn nội thất… đã từng bước đi vào không gian đời sống thường nhật, không gian tâm linh trên các vùng khác nhau của đất nước và cả nước ngoài. Bên cạnh đó là sự chắp cánh vô cùng hiệu quả của tranh thêu XQ Đà Lạt để sản phẩm Trúc chỉ vươn xa tới các phương trời mới ở trong nước và ngoài nước.

Từ lúc khởi lập đến nay, Trúc chỉ của Phan Hải Bằng đã có một lý lịch nghệ thuật khá dày dặn, với các tác phẩm, công trình tiêu biểu ở trong nước và ngoài nước, nổi bật là tác phẩm Vọng niệm, Thuyền thuộc Dự án Nghệ thuật đường hầm Nhà Quốc hội 2018 và hàng loạt dự án nghệ thuật ở các bảo tàng của Pháp, Đức..., đồng thời đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế trên cả hai lĩnh vực nghệ thuật thị giác và nghệ thuật ứng dụng. Đặc biệt, Trúc chỉ là lựa chọn duy nhất để làm quà tặng cho Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản trong chuyến thăm Huế vào năm 2017. Thành công khi mang nghệ thuật Trúc chỉ đến với công chúng, song Hải Bằng chỉ nhận mình là người kết nối các giá trị đã có với nhau bằng tâm thức của người sáng tạo, với ý niệm và nỗ lực tạo dựng một giá trị mới trên nền tảng truyền thống.

Dự án nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam là thành quả của quá trình nghiên cứu độc lập của họa sĩ Phan Hải Bằng từ năm 2000. Từ những nỗ lực đóng góp không ngừng cho nghệ thuật và văn hóa đậm chất truyền thống Huế, họa sĩ Phan Hải Bằng đã ba lần được nhận Giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam; hai lần nhận Giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học và nghệ thuật Việt Nam; Giải thưởng Việt Nam - Asia Arts Award” và Giải thưởng Phillip Morris Corp…

NGUYỄN CÔNG HẬU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/41070802-nghe-thuat-giay-truc-chi-va-hanh-trinh-xay-dung-mot-gia-tri-viet.html