Nghệ thuật hàn lâm Việt Nam: Thay đổi để gần công chúng

Thời gian gần đây, nghệ thuật hàn lâm nước ta có những chuyển biến tích cực, khi nhiều tác phẩm nhạc kịch, ballet, chương trình hòa nhạc giao hưởng, thính phòng liên tục 'cháy vé'. Kết quả này là nhờ nỗ lực của giới nghề trong việc đầu tư công sức, nguồn lực nhằm kiến tạo, thay đổi, đưa nghệ thuật hàn lâm gần hơn với công chúng, góp phần nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật cho khán giả Việt Nam.

Những bước đi táo bạo

Vở ballet “Kiều” do Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ra mắt tại thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 6-2020, đã tạo được sức hút với công chúng. Đây là lần đầu tiên “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện bằng nghệ thuật ballet. Tác phẩm do biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn, là sự hòa hợp giữa nghệ thuật ballet cổ điển chuẩn mực của phương Tây với nghệ thuật múa truyền thống Việt Nam, giữa âm nhạc bán cổ điển và âm nhạc dân gian Việt Nam.

Tổng đạo diễn Nguyễn Tuyết Minh cho biết, đã ấp ủ thực hiện tác phẩm nhiều năm, trong sự thôi thúc muốn đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng. Ngay đêm đầu công diễn, tác phẩm đã “cháy vé”. Hai đêm tái diễn ngày 23 và 24-7 sắp tới cũng không còn suất vé nào. Đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 14-8 chỉ còn rất ít vé.

Các nghệ sĩ đang nỗ lực thực hiện những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm kinh điển thế giới dành cho khán giả Việt Nam. Trong ảnh: Vở vũ kịch Hồ thiên nga do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn. Ảnh: Thành Đạt

Trước đó, năm 2019, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với vở ballet “Hồ thiên nga” đã tạo nên “cơn địa chấn” trong đời sống nghệ thuật, với 7 đêm diễn “cháy vé”. Đưa tác phẩm kinh điển của thế giới trở lại sân khấu Việt sau 35 năm vắng bóng với các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là một quyết định táo bạo, bởi nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí. Theo Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, khán giả Việt Nam yêu thích, mong muốn và xứng đáng được thụ hưởng những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Dự kiến, vở ballet “Hồ thiên nga” sẽ trở lại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong tháng 8-2020 và có tour lưu diễn xuyên Việt trong năm nay.

Gần đây, các tác phẩm quy tụ nghệ sĩ nghệ thuật hàn lâm hàng đầu nước ta không chỉ diễn ở các thành phố lớn, mà đến nhiều địa phương khác, như các vở nhạc kịch “Cô Sao”, “Lá đỏ” đã phục vụ nhân dân các tỉnh: Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị... Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với hệ thống chương trình hòa nhạc đặt vé trước, đã tạo được thói quen nghe nhạc hàn lâm cho công chúng Thủ đô. Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời đã bắt đầu bán được lượng vé như mong đợi tại các chương trình lớn, đồng thời duy trì chuỗi hòa nhạc giáo dục miễn phí dành cho các tài năng âm nhạc và khán giả trẻ.

Háo hức đón xem vở ballet “Kiều” sắp tới, chị Trần Lê Diệu Linh (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Sau khi thưởng thức vở ballet “Hồ thiên nga”, tôi luôn muốn xem nhiều tác phẩm nghệ thuật hàn lâm giá trị như thế. Các nghệ sĩ của Việt Nam rất giỏi, đã mang đến nhiều cảm xúc đẹp cho khán giả”.

Đồng lòng kiến tạo, thay đổi

Nghệ thuật hàn lâm như giao hưởng, thính phòng, ballet, nhạc kịch… lâu nay vốn được coi là kén người xem. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, tuy chưa phổ biến trên sân khấu và truyền hình như các loại hình khác, nhưng nghệ thuật hàn lâm là cốt lõi của nghệ thuật, có khả năng hội nhập quốc tế và đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho công chúng, nên cần duy trì, phổ biến mạnh hơn.

Thời gian gần đây, nhiều chương trình hòa nhạc giao hưởng, thính phòng được đưa đến khán giả. Trong ảnh: Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình hòa nhạc We return - Chúng tôi đã trở lại.

Tuy nhiên, không đơn giản để thực hiện được tác phẩm nghệ thuật hàn lâm chuẩn mực, đáp ứng nhu cầu của khán giả Việt Nam. Để vở ballet “Hồ thiên nga” ra mắt công chúng, 60 nghệ sĩ ballet, 60 nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng đã mất 6 tháng nỗ lực trên sàn tập. Nghệ sĩ ballet Thu Huệ, diễn viên chính trong tác phẩm này chia sẻ, mỗi ngày chị dành 12 giờ trực tiếp tập và nhiều giờ suy nghĩ về vai diễn. Còn vở “Kiều”, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh cho biết, các nghệ sĩ không có sàn tập riêng, phải thuê địa điểm không chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến việc tập luyện.

Thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật hàn lâm. Song, các nghệ sĩ ballet, opera, nhạc giao hưởng… vẫn miệt mài tập luyện tại nhà để duy trì phong độ, sẵn sàng cống hiến khi sân khấu mở cửa trở lại. Vì thế, khi dịch bệnh được khống chế ở nước ta, các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã triển khai dàn dựng ngay vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và vở ballet “Romeo và Juliet”. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng xây dựng chương trình biểu diễn mới dựa vào những nghệ sĩ tài năng đang ở trong nước…

Theo Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, để nghệ thuật ở Việt Nam phát triển, những người trong nghề phải đồng lòng kiến tạo, thay đổi, đưa nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực đến công chúng. Những tác phẩm quen thuộc, kinh điển hoặc có yếu tố Việt Nam được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật hàn lâm dễ đến gần khán giả.

Thực tế cho thấy, khó khăn đối với hầu hết các đơn vị nghệ thuật hàn lâm nước ta hiện nay là chưa có sân khấu biểu diễn riêng. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Bộ sẽ tạo điều kiện để các đơn vị biểu diễn tại những địa điểm phù hợp như Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh. Về lâu dài, Bộ sẽ lập phương án để xây dựng sân khấu cho từng đơn vị.

Với nhiệt huyết, đam mê của những người làm nghề, sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước, sẽ có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật hàn lâm chất lượng được giới thiệu với công chúng.

Yên Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/972527/nghe-thuat-han-lam-viet-nam-thay-doi-de-gan-cong-chung