Nghệ thuật kết nối những người con xa quê
Nghệ thuật chèo, dân ca quan họ từ lâu đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Có lẽ vì thế nên dù ở đâu, làm gì, họ vẫn luôn mang trong mình ý thức về việc gìn giữ và phát huy những làn điệu chèo, dân ca và các loại nhạc cụ dân tộc.
Mặc dù không không được đào tạo bài bản nhưng những người con đất Bắc đã tập hợp nhau lại, thành lập từng nhóm, CLB để cùng nhau sinh hoạt; tạo điểm đến để mọi người được thể hiện năng khiếu và trải mình với từng giai điệu âm nhạc dân tộc.
* Nơi điệu chèo... thăng hoa
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Thọ nhưng vì cuộc sống mưu sinh ông Trần Văn Sáu đã theo gia đình vào TP.Biên Hòa lập nghiệp. Mê ca hát từ nhỏ, đặc biệt là mê những làn điệu chèo của xứ Kinh Bắc nên khi xa quê, ông vẫn luôn ấp ủ thành lập CLB chèo trên vùng đất mới. Từ khi nghỉ hưu, ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết gây dựng nên Hội chèo quê trên đất Biên Hòa để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.
Năm 2007, Hội chèo quê chính thức thành lập và đi vào hoạt động tại P.Trảng Dài với tiêu chí bất cứ ai biết hát chèo, đam mê các làn điệu dân ca thì sẽ được kết nạp vào hội. Ðến nay, Hội chèo quê đã có 14 thành viên. “Hầu hết các thành viên trong hội là những người đã ngoài 50 tuổi, thậm chí có những thành viên ngoài 70. Hội chèo quê luyện tập đều đặn 2 buổi/tuần vào sáng thứ năm và chủ nhật. Tại đây, mọi người quây quần trên chiếc chiếu chèo, cùng hòa nhịp với tiếng đàn, tiếng sáo và những lời ca” - ông Sáu cho biết.
Các thành viên Hội chèo quê phần lớn chưa qua trường lớp nghệ thuật nào nhưng họ đến với chèo bằng tất cả tình yêu và niềm mê say. Ông Hà Văn Báu - người đã gắn bó với Hội chèo quê từ khi mới thành lập chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã mê hát chèo nên khi Hội chèo quê ra đời, tôi lại được thỏa sức mang lời ca tiếng hát đến với mọi người. Bản thân tôi, ngoài việc luyện tập những làn điệu dân ca có sẵn, tôi còn dành thời gian để sáng tác thêm nhiều làn điệu mới như: Ðào liễu, Luyện năm cung, Trước cẩm hội văn... Hiện Hội chèo quê đã có thêm hàng trăm bài hát mới được ghi chép và lưu giữ cẩn thận, góp phần làm phong phú thêm vốn chèo của quê hương”.
Không chỉ sáng tác và biểu diễn những làn điệu ca ngợi quê hương, đất nước và con người, các thành viên Hội chèo quê còn dàn dựng và biểu diễn thêm nhiều tích chèo cổ. Các điệu chèo được mang đi biểu diễn tại những liên hoan văn nghệ quần chúng của TP.Biên Hòa, của tỉnh... đã đoạt nhiều giải cao. Là người thường xuyên đoạt giải nhất trong các phần thi đơn ca của Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Ðồng Nai, ông Lương Trọng Khánh cho rằng, chèo là nghệ thuật tổng hợp, rất phong phú về làn điệu. Ngoài năng khiếu ca hát, “nghệ sĩ” phải có kỹ thuật diễn, thế chân, thế tay để tạo sự thống nhất, đồng thời làm nổi bật lên tính cách của nhân vật chèo.
Là một “nhạc công” tìm đến Hội chèo quê để sinh hoạt, họa sĩ Võ Tùng Niên (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Ðồng Nai) mong tìm được niềm vui tuổi già. “Hầu hết những người tham gia hội chèo đều đã nghỉ hưu, quỹ thời gian nhiều nên xem ca hát như là nguồn vui sống, đam mê của tuổi già. Ðây không chỉ là sân chơi vui, khỏe, bổ ích mà còn góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc” - họa sĩ Tùng Niên cho hay.
* Gìn giữ làn quan họ giữa trời Nam
Xuất phát từ tình yêu nghệ thuật truyền thống, những người con xứ Kinh Bắc đã tập hợp nhau lại, thành lập CLB Những người yêu quan họ Bắc Ninh xã An Viễn, H.Trảng Bom. CLB thành lập từ năm 2004, mới đầu chỉ có hơn 5 thành viên, đến nay có hơn 10 người sinh hoạt thường xuyên.
Ông Vũ Duy Trang, Chủ nhiệm CLB cho hay: “Những ngày đầu thành lập, CLB gặp nhiều khó khăn khi số lượng thành viên quá ít lại không có người hướng dẫn. Các thành viên tự tìm bài hát, tự truyền dạy cho nhau. Dần dần, số người đăng ký tham gia CLB tăng lên, không chỉ người lớn tuổi mà còn có đoàn viên, thanh niên. Khi sinh hoạt, mỗi người tự mua sắm trang phục, nhạc cụ và cả đạo cụ cho riêng mình, trong đó, nam thì mặc áo tứ thân, khăn xếp còn nữ thì mặc áo the, đội nón quai thao...”.
Vào những ngày cuối tuần, các thành viên tập họp đông đủ để cùng nhau tập luyện. Khi địa phương có các sự kiện hay hoạt động, CLB tích cực tham gia, đưa lời ca, tiếng hát giới thiệu đến với mọi người. Chị Nguyễn Thị Thọ (quê gốc Bắc Ninh) tham gia CLB từ những ngày đầu mới thành lập chia sẻ: “Việc tập luyện hát quan họ của CLB hoàn toàn thực hiện “chay”, ít khi có nhạc phụ họa, nhiều khi tập xong một bài mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ai nấy đều cố gắng, cốt yếu để gìn giữ làn điệu dân ca của quê hương trên vùng đất mới này”.
Với những người con đất Bắc yêu chèo, quan họ trên vùng đất Biên Hòa - Ðồng Nai, họ luôn có trăn trở là làm sao để các loại hình nghệ thuật truyền thống không bị mai một. “Tâm nguyện lớn nhất hiện nay của chúng tôi là ngày càng có nhiều người trẻ ở địa phương cùng tham gia học quan họ, biểu diễn quan họ. Việc truyền dạy cho người trẻ là cách hiệu quả nhất để góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca của dân tộc” - bà Lý Thị Hồng Huyên, thành viên CLB Những người yêu quan họ Bắc Ninh xã An Viễn (H.Trảng Bom) bộc bạch.