Nghệ thuật múa dân gian của người S'tiêng Bù Lơ
Người S'tiêng có lịch sử sinh sống lâu đời tại tỉnh Bình Phước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 96 ngàn người S'tiêng, được chia thành 2 nhánh Bù Lơ và Bù Đek. Trong tiến trình phát triển, người S'tiêng đã sáng tạo nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, mang tính chất riêng biệt, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần. Trong đó, tiêu biểu là âm nhạc cồng, chiêng, hát dân ca, thổi kèn bầu, tù và… đặc biệt là nghệ thuật múa dân gian.
Đắm say những điệu múa
Người S’tiêng nhánh Bù Đek có múa Bà Bóng (tiếng S’tiêng gọi là Tà Râm), múa cùng với lễ Bà Bóng - một lễ lớn của người S’tiêng nhánh Bù Đek. Nghệ nhân múa Bà Bóng chủ yếu là phụ nữ và được tiến hành trên nền nhạc cồng chiêng, lục lạc, trống; động tác múa chủ yếu là sự chuyển động của đôi tay, chân, đôi lúc nhảy cả hai chân lên khỏi mặt đất. Trong khi đó, múa dân gian của người S’tiêng nhánh Bù Lơ lại khoáng đạt hơn, động tác dứt khoát, nhanh, nhưng không kém phần mềm mại, uyển chuyển.
Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng đang thực hiện công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian của người S’tiêng nhánh Bù Lơ. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về truyền thống, văn hóa, lịch sử của người S’tiêng và thưởng thức chương trình nghệ thuật múa dân gian đặc sắc. Chương trình nghệ thuật gồm các tiết mục: múa “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Ánh mắt S’tiêng”, diễn xướng cồng chiêng, hát dân ca kết hợp múa tay, múa khiên…
Anh Điểu Cóc, nhân viên của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, Đội trưởng Đội múa dân gian (đội múa do khu bảo tồn thành lập và quản lý) cho biết: “Mỗi lần múa phục vụ du khách tham quan, chúng tôi như được sống trong lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Đội gồm 16 người, 8 nữ sẽ mặc bộ váy truyền thống nhiều màu sắc, mang trên vai những chiếc gùi xinh xắn; còn 8 chàng trai thì cởi trần đóng khố truyền thống. Chúng tôi rất thích múa. Múa bên cạnh đống lửa lồ ô rất nóng, mồ hôi ướt đẫm, nhưng thấy du khách hào hứng thì chúng tôi quên đi mệt nhọc, cứ thế cùng nhau say sưa múa theo điệu nhạc”.
Khi ánh lửa bập bùng cháy, nhạc của bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vang lên, thì Thị Bre - một cô gái trẻ trung, có đôi mắt nâu nhạt, hàng mi cong vút, đôi má ửng hồng, bước ra uyển chuyển, động tác nhẹ như mây; các chàng trai, cô gái theo sau và bắt đầu hòa quyện vào âm nhạc rồi say sưa múa. Trong các điệu múa, cô gái S’tiêng đều nhón gót, chuyển trọng lực vào 10 đầu ngón chân, động tác mạnh mẽ nhưng cũng rất thanh thoát, từng đôi tay dẻo của các cô gái kết hợp với ánh mắt long lanh, nụ cười tươi tắn mê hoặc, làm đắm say du khách dự xem. Còn các chàng trai S’tiêng với thân hình rắn chắc, khỏe khoắn nhưng cũng không kém phần mềm mại trong các động tác giã gạo, đấu vật, hay săn bắt… Tất cả đan xen làm cho điệu múa vô cùng sống động.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Phi Long, người truyền dạy nghệ thuật múa cho Đội múa dân gian sóc Bom Bo cho biết: “Múa của người S’tiêng nhánh Bù Lơ cũng khá đơn giản. Các động tác múa đều mô phỏng đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ như động tác săn bắt, hái lượm, đấu vật; mô phỏng động tác của loài chim, thú mà trong quá trình đi nương, rẫy họ quan sát và học được… Đặc trưng trong múa dân gian của người S’tiêng Bù Lơ là động tác múa cổ tay của các cô gái, động tác mạnh mẽ, dứt khoát của các chàng trai và múa phải kết hợp với cồng chiêng. Muốn các động tác múa này trở nên sống động hơn, tạo được ấn tượng và thu hút khách du lịch thì phải có sự kết hợp với âm nhạc, với các động tác hình thể và hình vẽ trên khuôn mặt, trên cơ thể của nam giới để nâng tầm nghệ thuật. Múa truyền thống nhưng vẫn có tính hiện đại”.
Bảo tồn và phát triển
Người S’tiêng Bù Lơ thường múa dưới ánh lửa bập bùng, kết hợp tiếng cồng, chiêng ngân vang. Tiếng chiêng hòa trong ánh lửa bập bùng tạo nên một không gian vô cùng huyền bí; các chàng trai, cô gái S’tiêng múa cổ tay theo tiếng chiêng, đi vòng quanh đống lửa… Nhiều du khách lần đầu tiên xem biểu diễn, vô cùng thích thú, nhiều người đã hòa vào đoàn múa, cùng nhún nhảy theo điệu cồng, chiêng. Khi múa với âm nhạc hiện đại thì động tác của các chàng trai mạnh mẽ, dứt khoát; động tác của các cô gái nhanh nhẹn, thanh thoát hơn.
“Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước, âm nhạc của đồng bào S’tiêng nói chung và các điệu múa dân gian nói riêng đang bị mai một. Nghệ nhân hiểu rõ nghệ thuật múa dân gian, nghệ thuật cổ truyền ngày càng nhiều tuổi mà không có người kế thừa, những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ dần mất đi. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát triển các nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật múa dân gian của người S’tiêng là vấn đề cấp thiết hiện nay. Qua thời gian nghiên cứu, tôi sưu tầm được rất nhiều tài liệu về nghệ thuật truyền thống của người S’tiêng, nhưng tài liệu về nghệ thuật múa dân gian thì rất ít. Điệu múa của người S’tiêng thường gắn liền với tiếng cồng, chiêng, có sự thống nhất về múa kết hợp với cồng, chiêng nhưng lại rất đa dạng, phong phú về hình thức và tùy theo cộng đồng, khu vực sinh sống...”.
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm
Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sài Gòn
Thực tế, cuộc sống của người S’tiêng cũng như các dân tộc thiểu số khác đã có nhiều thay đổi, đời sống văn hóa tinh thần, vật chất và hiểu biết của người dân đã có bước tiến mới. Song hiện nay số người thích múa, biết múa không nhiều, môn nghệ thuật này thực sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa dân gian của người S’tiêng, thời gian qua Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã thành lập và duy trì thường xuyên đội múa và đội cồng, chiêng. Nòng cốt là những chàng trai, cô gái, các nghệ nhân là người S’tiêng tại địa phương. Năm 2022, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Âm nhạc của người S’tiêng Bình Phước - khảo cứu, bảo tồn và phát triển”. Đây cũng là tiền đề để nghệ thuật múa dân gian của người S’tiêng được lưu giữ và phát huy, góp phần tạo thành nền móng vững chắc lưu giữ nét văn hóa độc đáo riêng của người S’tiêng trên mảnh đất Bù Đăng và Bình Phước nói chung.