Nghệ thuật múa Khmer được bảo tồn và phát triển

Các điệu múa là một trong những di sản văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer. Múa là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống đồng bào Khmer các dịp lễ, tết.

Múa Khmer được chia thành hai loại hình là múa cung đình và múa dân gian. Theo nghệ sĩ ưu tú Kim Ly Mét - Trưởng Đoàn nghệ thuật Khmer Kiên Giang, nghệ thuật múa cung đình nổi bật với điệu múa Apsara, tiên giáng trần, dâng hoa… Múa cung đình thường sử dụng tiết tấu chậm, cử chỉ, điệu bộ mềm mại và khoan thai. Từ ngón tay đến gót chân đều có tiếng nói riêng, động tác sử dụng uyển chuyển. Trang phục sử dụng lấp lánh, mũ đội cao thể hiện sự uy nghi, sang trọng.

Ngoài ra, việc sắp xếp đội hình và di chuyển khi múa thường đan xen, nhịp nhàng cũng là điều làm nên thành công cho điệu múa cung đình. “Trước đây, múa cung đình chỉ phục vụ vua chúa nhưng nay được phổ biến rộng rãi đến người dân thông qua việc đưa lên sân khấu, sử dụng nhiều trong các lễ hội của đồng bào Khmer”, nghệ sĩ ưu tú Kim Ly Mét cho biết.

Đoàn nghệ thuật Khmer Kiên Giang biểu diễn phục vụ người dân.

Đối với đồng bào Khmer, nghệ thuật múa là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo và là nhu cầu tinh thần thiết yếu sau những giờ lao động mệt nhọc. Nghệ thuật múa của đồng bào Khmer ra đời sớm và có nhiều hình thái. Múa cung đình mang tính trang trọng, cổ kính bao nhiêu thì múa dân gian lại thoải mái, lạc quan và hóm hỉnh bấy nhiêu. Điệu múa dân gian được nhiều người biết đến là múa lâm thôn. “Tham gia điệu múa này, từng đôi trai gái vừa múa vừa đi vòng tròn vừa quay lại nhìn nhau tình tứ, thể hiện sự quấn quýt. Khi múa người nữ lượn cánh tay đưa ra trước ngực, còn người nam thì lượn cánh tay rộng để che chở cho người bạn múa của mình”, chị Thị Thắm - thành viên Đoàn nghệ thuật Khmer Kiên Giang cho biết.

Ngoài ra, có thể kể đến lăm leo, múa Saravan, chây dăm... là những điệu múa phổ biến. Các điệu múa này tiết tấu nhanh, vui nhộn nên được người dân biểu diễn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, liên hoan hay bất kỳ nơi đâu chỉ cần có tiếng kèn, trống nổi lên là sẽ thấy ngay những điệu múa này… Trong nghệ thuật múa dân gian của người Khmer còn có các điệu múa như múa xúc tép, múa gáo dừa, múa gặt lúa, múa Yak, múa mở rào trong nghi lễ cưới... “Múa, hát Khmer như những món ăn tinh thần của đồng bào Khmer trong dịp lễ, tết. Thông qua các bài hát, múa giúp gắn kết tình cảm. Thời gian gần đây, múa, hát Khmer được các bạn trẻ yêu thích, đó là tín hiệu mừng cho âm nhạc Khmer”, chị Thị The, ngụ xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất) cho biết.

Tiết mục múa Vòng nàng tiên của đơn vị thị trấn Sóc Sơn (Hòn Đất) đạt giải A liên hoan văn nghệ Khmer huyện Hòn Đất lần thứ 15 năm 2019.

Múa Khmer phát triển mạnh cả về thể loại, chất lượng và nghệ thuật múa không dừng ở những hoạt cảnh, cốt truyện ngắn mà được các biên đạo múa nâng lên thành những cốt truyện dài. “Các cấp, ngành có sự quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị của múa Khmer, từ đó nghệ thuật múa đến gần hơn với đồng bào Khmer, giúp nghệ thuật múa Khmer được bảo tồn và ngày càng phát triển”, nghệ sĩ ưu tú Kim Ly Mét chia sẻ.

Bài và ảnh: DANH THÀNH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/nghe-thuat-mua-khmer-duoc-bao-ton-va-phat-trien-8692.html