Nghệ thuật - Thay đổi để thích ứng

Sân khấu nhiều tháng không đỏ đèn, các rạp chiếu phim không còn cảnh tấp nập xếp hàng ra mắt phim mới, bảo tàng vắng khách, các triển lãm gần như không thể mở cửa… Trong hoàn cảnh khó khăn, nghệ thuật đã có nhiều bước chuyển mình để dần thích ứng.

Cảnh trong vở ca kịch xiếc Cây gậy thần

Cảnh trong vở ca kịch xiếc Cây gậy thần

Hiện thực giấc mơ ballet Kiều

Ballet Kiều là vở diễn Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam mong muốn dàn dựng và công diễn. Hơn 10 năm trước, từng có dự án ballet Kiều được ấp ủ thực hiện, nhưng khi ra mắt, vì nhiều lý do nên tác phẩm được dựng ở hình thức thanh xướng kịch.

NSND Ứng Duy Thịnh, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn, chia sẻ: Ê kíp thực hiện vở múa ballet Kiều đã làm nên vở diễn mang bản sắc Việt, là sáng tạo của người Việt dựa trên những quy chuẩn của loại hình nghệ thuật ballet danh tiếng trên thế giới. Ballet Kiều ra đời vì những người thực hiện có chung tình yêu với các tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam, thậm chí là yêu cách nghĩ, cách cảm mộc mạc của người Việt nên Kiều phiên bản múa ballet giản dị, mộc mạc nhưng chất chứa nhiều xúc cảm. Các yếu tố vũ đạo, âm nhạc, phục trang, hình ảnh sân khấu, đặc biệt cách xử lý về thủ pháp lớp lang khá hợp lý, tạo được hiệu quả cảm xúc về vẻ đẹp của Kiều - vẻ đẹp không thể hiện ở nội dung câu chuyện mà qua cảm nhận nội tâm của từng nhân vật, mang cảm giác âm hưởng đương đại, phù hợp tâm lý thưởng thức của khán giả.

Tại TPHCM, vở ballet Kiều công diễn đã gây được ấn tượng mạnh với người yêu nghệ thuật và sau đó liên tiếp 10 buổi diễn tại Hà Nội và TPHCM luôn trong tình trạng “cháy vé”. Điều này cũng không quá bất ngờ bởi với ballet Kiều, khán giả Việt cảm nhận được sự gần gũi bởi họ có nhiều thứ để thưởng thức, từ những đường nét cơ thể, phong cách múa, trang phục mang đậm văn hóa kinh Bắc, thanh âm của lẩy Kiều, ca trù, hát xẩm được phối khí với dàn nhạc giao hưởng, song tấu giữa cello và đàn nhị… đến cách tư duy và chiều sâu tâm hồn văn hóa Á Đông. Ra mắt trong lúc dịch Covid-19 hoành hành song ballet Kiều là một minh chứng rõ ràng cho việc thay đổi để lại gần với khán giả.

Phép thử thành công với Cây gậy thần

Cùng chung mong muốn làm được những điều mới mẻ, hấp dẫn trên sân khấu, vở diễn Cây gậy thần - mối “lương duyên” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam đã đem lại cho khán giả nhiều trải nghiệm mới mẻ. Một vở ca kịch xiếc chứng tỏ cải lương có thể biến hóa không giới hạn, còn xiếc cũng được làm mới hơn ở trong một vở diễn có câu chuyện.

Không còn là vở cải lương bi lụy và ca hát miên man trong suốt gần 2 giờ, Cây gậy thần là sự tổng hòa và tiết chế lẫn nhau giữa cải lương và xiếc. Diễn viên xiếc bên cạnh rèn kỹ xảo xiếc còn phải chú ý kỹ năng sân khấu biểu diễn. Diễn viên cải lương ngược lại cũng bay lượn trên cao nhẹ như không mà vẫn không quên trọng trách chính là diễn và ca cải lương.

Ngay giai đoạn Covid-19 bùng phát lần đầu tiên, hai NSND Triệu Trung Kiên và Tống Toàn Thắng ngồi lại với nhau bàn kế hoạch “góp gạo thổi cơm chung”. Họ dám nghĩ dám làm khi tính tới dự án dài hơi xiếc kết hợp cải lương để dựng huyền sử Việt, mở đầu bằng dự án ca kịch xiếc Cây gậy thần về Chử Đồng Tử, một trong bốn vị Thánh (Tứ bất tử) trong văn hóa dân gian. Tất nhiên, khi ý tưởng được đưa ra, không ít người đã tỏ ý nghi ngờ bởi sự kết hợp “lạ lùng” này, song cải lương kết hợp xiếc hóa ra lại là lựa chọn táo bạo và khôn ngoan. Hình thức ước lệ ở sân khấu nay được biểu hiện sinh động hơn nhờ kỹ xảo xiếc và ảo thuật.

NSND Lưu Phúc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chia sẻ: Tiết mục dây đu bay thông thường không thể gây thích thú và được tán thưởng nhiều đến vậy. Khán giả thót tim, hồi hộp theo dõi hai diễn viên vào vai Chử Đồng Tử và Tiên Dung bay vút từ mặt đất lên cao. Một số cảnh diễn đạt được hiệu ứng đặc biệt nhờ có xiếc: tình yêu nảy nở giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung được lồng trong màn đu dây đôi của nghệ sĩ xiếc, cảnh Chử Đồng Tử đánh tan thủy quái trên chiếc thuyền lơ lửng. Diễn viên cải lương học cưỡi ngựa, đu bay… và các bài bản cổ của cải lương vốn quá quen thuộc dễ gây nhàm chán, nay được phối lại trẻ trung hơn nhờ jazz. Sự thể nghiệm bước đầu không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của lớp khán giả mê cải lương, vọng cổ nhưng lại là lối đi cho tương lai.

Trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống đìu hiu, thêm cú “đánh bồi” của dịch Covid-19, nghệ sĩ và nhà hát không thể ngồi im chờ đợi mà phải vắt óc để đổi mới hòng kéo khán giả tới rạp. Dám đổi mới, tự chuyển mình, đó là tín hiệu tích cực để sân khấu hồi sinh.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nghe-thuat-thay-doi-de-thich-ung-705592.html