Nghệ thuật thị giác Việt qua con mắt của một học giả Úc

Lịch sử nghệ thuật Việt Nam lần đầu tiên đã được nghiên cứu từ góc độ nghệ thuật thị giác, qua công trình 'Vietnam Visual Arts in History Religion and Culture' (Nghệ thuật Thị giác Việt Nam trong lịch sử tôn giáo và văn hóa, Nxb Thế giới, 2023) của tác giả Úc Kerry Nguyễn-Long.

Vietnam Visual Arts in History Religion and Culture, là ấn bản sửa đổi và bổ sung của công trình Arts of Việt Nam 1009–1945 ra mắt trước đó vào năm 2013. Sau 10 năm, Kerry Nguyễn-Long tiếp thu những kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ mới, cùng với hệ thống hình ảnh minh họa màu lên tới 300 bức, để làm giàu thêm cho những luận điểm đã có của mình và rút ra những kết luận mới.

Bìa sách Vietnam Visual Arts in History Religion and Culture. Nguồn: Nxb Thế giới.

Tại sao nghệ thuật thị giác?

Tiếp cận nghiên cứu lịch sử tôn giáo và văn hóa Việt từ nghệ thuật thị giác là một lựa chọn độc đáo của Kerry Nguyễn-Long.

Nếu xem xét nghệ thuật thị giác trong một hệ thống dày đặc các thuật ngữ chuyên ngành về nghệ thuật, nhất là việc sử dụng chúng trong văn bản nghiên cứu, thì rõ ràng là tần suất của thuật ngữ này ít hơn nhiều, so với các thuật ngữ mang tính chất truyền thống hơn như mỹ thuật (fine art), nghệ thuật dân gian (folk art).

Ngay cả trong sử dụng phổ thông thì nghệ thuật thị giác, cùng với nghệ thuật đương đại (contemporary art) thường được áp dụng cho những loại hình nghệ thuật mới, và cũng mới được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam trong khoảng chục năm đổ lại đây theo xu hướng vận động phát triển của nghệ thuật đương thời.

Với nội hàm rộng nhất, nghệ thuật thị giác sẽ bao hàm cả mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình (plastic art), nghệ thuật trang trí (decorative art), nghệ thuật ứng dụng (applied art), trong đó sự khu biệt giữa một bên là nghệ thuật hàn lâm – hội họa, kiến trúc, điêu khắc – với bên kia là nghệ thuật dân gian, thủ công và gia dụng, sẽ không còn.

Điều này phần nào phù hợp với tính chất của nghệ thuật Việt thời cổ đại và trung đại, vốn không có nghệ sĩ lớn (và phần nào đó là tác phẩm lớn mang tính chất cá nhân) mà chỉ có nghệ sĩ vô danh và công trình tập thể.

Đây cũng là thế mạnh của Kerry Nguyễn-Long, một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm nghiên cứu về gốm sứ, sơn mài và bạc, với tư cách là thành viên Hiệp hội Gốm sứ Phương Đông của Philippines và biên tập viên của tạp chí quốc tế Arts of Asia xuất bản tại Hongkong.

Các hình ảnh minh họa bên trong sách. Nguồn: Bình Bán Book.

Các hình ảnh minh họa bên trong sách. Nguồn: Bình Bán Book.

Đặt ra những vấn đề nghiên cứu lịch sử nghệ thuật

Công trình Vietnam Visual Arts in History Religion and Culture phản ánh những vấn đề hiện hữu trong nghiên cứu lịch sử văn hóa – nghệ thuật Việt. Để bao quát một lịch sử nghệ thuật rộng ngợp gần 1.000 năm, với trọng tâm là sự vận động nghệ thuật trong giai đoạn 1009 – 1945 nhưng không hề bỏ qua những tiền đề sơ sử và cổ sử, không thể phủ nhận đòi hỏi một nỗ lực và khối lượng lao động vô cùng lớn.

Và quan trọng hơn nữa, là cách đặt vấn đề của người viết đứng trên quan điểm nghiên cứu và lựa chọn phân kỳ như thế nào. Đối tượng và phạm vi càng rộng, càng cần một hướng đi đúng và trúng.

Kerry-Nguyễn Long chọn trình bày chi tiết một khối lượng lớn các tác phẩm trong bối cảnh lịch sử và văn hóa của chúng. Cách làm này, không tránh khỏi đặt ra một vấn đề phổ biến trong nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, đó là phân kỳ nghệ thuật Việt.

Nghệ thuật thị giác sống động của Việt Nam rất phong phú và đa dạng, và tôi vẫn muốn mang điều này đến với độc giả nói tiếng Anh.

Kerry Nguyễn-Long

Giữa phân kỳ lịch sử phổ quát và lịch sử văn hóa nghệ thuật, luôn có sự bất đối xứng giữa cột mốc khởi sinh và kết thúc của một giai đoạn, và thời điểm các mốc bắt đầu lẫn chấm dứt này luôn là chủ đề gây ra tranh cãi trong nghiên cứu.

Nếu người ta thường quan niệm cách mạng tư sản Hà Lan thế kỷ XVII là mốc chuyển từ trung đại sang cận đại trong lịch sử thế giới (phương Tây), thì đối với lịch sử văn hóa, bước chuyển thời đại đã bắt đầu kể từ thời Phục hưng từ thế kỷ XV chấm dứt đêm trường Trung cổ.

Thoạt nhìn, Vietnam Visual Arts in History Religion and Culture của Kerry Nguyễn-Long có sự sắp xếp phân chia của chính sử, theo các triều đại nối tiếp nhau từ nhà Lý thế kỷ XI, cho tới giờ phút cuối cùng của triều Nguyễn vào năm 1945, dấu mốc bắt đầu thời hiện đại ở Việt Nam.

Khác với lịch sử chính thức, coi 938 năm Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần 1.000 năm Bắc thuộc, thì tác giả chọn nhà Lý, nhà nước quân chủ trung đại hoàn chỉnh và ổn định đầu tiên, là mốc bắt đầu thời trung đại. Chỉ ở một triều đại có tính ổn định và liên tục, nhất thống cả về chính trị lẫn văn hóa – tôn giáo, mới đầy đủ các điều kiện để nghệ thuật phát triển và bắt đầu có thành tựu.

Các hình ảnh minh họa bên trong sách. Nguồn: Bình Bán Book.

Các hình ảnh minh họa bên trong sách. Nguồn: Bình Bán Book.

Đọc kỹ hơn, ở mỗi giai đoạn triều đại, Kerry-Nguyễn Long đều đặt ra một vấn đề của nghệ thuật thời đại có căn cứ dựa trên dòng tư tưởng chủ đạo và biến động lịch sử. Như ở nhà Lý – Trần, yếu tố Phật giáo tác động lớn đến sự hình thành nghệ thuật, với các dấu vết ảnh hưởng tiếp biến văn hóa từ phía Bắc, phía Tây lẫn phía Nam.

Triều Lê sơ, dưới tác động của một thể chế nhà nước chuyên chế độc tôn Nho giáo, nghệ thuật cũng có những sự câu thúc, hạn chế đáng kể. Bức tranh nghệ thuật thời Mạc, giống như một sự giải phóng năng lượng sau thời gian dài dồn nén, là sự trỗi dậy của nghệ thuật làng xã – tín ngưỡng dân gian bản địa, mang đến luồng sinh khí mới cho nghệ thuật Việt.

Phần viết về nghệ thuật triều Nguyễn cung cấp cho người đọc một điểm nhìn tham chiếu lý thú hơn cả. Kerry Nguyễn-Long nhìn nhận nghệ thuật thị giác triều Nguyễn thông qua ba lát cắt đồng đại.

Hai lát cắt đầu tiên có một sự đối sánh thú vị, giữa hai đối cực một bên là nghệ thuật cung đình lộng lẫy trác tuyệt, vốn không chỉ điêu khắc, kiến trúc mà còn có cả trang trí, trang sức, phục trang, với một bên là nghệ thuật thủ công, chế tác và xây dựng địa phương, được tác giả ngăn cách bằng một hình tượng rất thú vị và gợi hình, đó là nghệ thuật “bên ngoài cổng Ngọ Môn.”

Nhưng lát cắt đồng đại sau cùng mới là quan trọng hơn cả, bởi đây là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn diện mạo nghệ thuật Việt về sau, lay chuyển toàn bộ xã hội Việt để bước sang thời hiện đại, đó chính là sự hiện diện, giao thoa của lớp phủ văn hóa phương Tây.

Hiện đại hóa ở Việt Nam, thực chất là quá trình phương Tây hóa thông qua tiếp xúc với Pháp. Ban đầu là sự giao lưu cưỡng bức dựa trên việc thiết lập chế độ thuộc địa, nhưng dần đã chuyển sang tự nguyện và mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nghệ thuật thị giác Việt.

Đầu tiên, có sự can thiệp của chính phủ, như việc Pháp đã cho xây dựng thành lập những thiết chế văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, như Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa (l’École d’Art indigene de Bienhoa) và Trường Mỹ thuật Đông Dương (l'École des Beaux-Arts de l'Indochine), nhưng cũng có cả sự tham gia của tư nhân.

Sự cộng sinh giữa hai nền nghệ thuật cũ – mới cũng dẫn đến thay đổi chủ thể sáng tạo, khiến lần đầu tiên xuất hiện chủ thể sáng tạo cá nhân. Sự phân chia của tác giả về triều Nguyễn, cho thấy có thể vượt qua lối mòn nghiên cứu hướng tâm từ quan điểm lịch đại, coi triều đại và nghệ thuật hàn lâm là trung tâm, và bỏ qua những nghệ thuật bản địa ngoại vi khác tồn tại song song đồng đại.

Các hình ảnh minh họa bên trong sách. Nguồn: Bình Bán Book.

Các hình ảnh minh họa bên trong sách. Nguồn: Bình Bán Book.

Tình yêu dành cho Việt Nam của một học giả Úc

Một công trình đồ sộ mang tính hệ thống nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Việt, lại được thực hiện bởi một tác giả Úc, khiến người đọc không khỏi tò mò. Mối lương duyên với Việt Nam của Kerry Nguyễn-Long, đến từ người chồng của bà, ông Nguyễn Kim Long, cũng là người hỗ trợ việc phiên dịch đồng thời là nhiếp ảnh gia thực hiện phần hình ảnh trong cuốn sách. Tình yêu của cuộc đời đã dẫn dắt bà đến với tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam, với nghệ thuật Việt.

Khi được hỏi tại sao lại viết về chủ đề này, bà cho hay: “Nghệ thuật thị giác sống động của Việt Nam rất phong phú và đa dạng, và tôi vẫn muốn mang điều này đến với độc giả nói tiếng Anh. Ở nước ngoài chỉ có trống đồng Đông Sơn và đồ gốm được viết nhiều bằng tiếng Anh. Tôi thất vọng khi gặp các bài viết ngắn gọn về nghệ thuật của Việt Nam, và những sự thiếu sót đáng tiếc. Nhưng vấn đề này đã tồn tại từ lâu và phức tạp.”

Bên cạnh góc nhìn mới mẻ, sâu sắc đến từ một học giả nước ngoài yêu Việt Nam, cuốn sách còn là một tư liệu dẫn nhập có giá trị lớn lao dành cho độc giả quốc tế muốn tìm hiểu về lịch sử văn hóa và tôn giáo Việt thông qua nghệ thuật thị giác.

Nhà sử học nghệ thuật Kerry Nguyễn-Long sinh ra và lớn lên tại Tasmania, Úc. Trong những năm học đại học, bà gặp gỡ và kết hôn với bạn học Nguyễn Kim Long, một sinh viên nhận Học bổng Colombo Plan từ Việt Nam. Chính nhờ mối lương duyên này mà Việt Nam đã thu hút bà. Sau khi kết hôn, bà và gia đình bắt đầu chuyển tới Canberra, Papua New Guinea, và sau đó quyết định dừng chân tại Philippines, cho tới nay cũng đã được 20 năm.

Tác giả Kerry Nguyễn-Long. Nguồn: Nxb Thế giới

Tác giả Kerry Nguyễn-Long. Nguồn: Nxb Thế giới

Hoạt động nghiên cứu gốm sứ Việt xuất khẩu sang Philippines vào thế kỷ 14-15 với vai trò thành viên của Hiệp hội Gốm sứ Phương Đông của Philippines đã tạo cơ sở giúp bà mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình. Cho đến nay, các bài viết của bà về văn hóa tạo hình Việt Nam đã xuất hiện trong sách, tạp chí nghệ thuật và tạp chí bảo tàng.

Bà là tác giả, đồng tác giả và là người có nhiều đóng góp cho hoạt động về sách. Hiện bà là biên tập viên cộng tác của tạp chí quốc tế Arts of Asia xuất bản tại Hongkong.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nghe-thuat-thi-giac-viet-qua-con-mat-cua-mot-hoc-gia-uc-39993.html