Nghệ thuật tinh diệu và đỏng đảnh
Nói đến nghệ thuật là nói đến sự tinh diệu, dù đó là văn chương, hội họa, kiến trúc hay âm nhạc. Không đạt đến sự tinh diệu thì không thể đậu lại trong lòng người và trụ lại với thời gian.
Sự tinh diệu
Nói đến nghệ thuật là nói đến sự tinh diệu, dù đó là văn chương, hội họa, kiến trúc hay âm nhạc. Không đạt đến sự tinh diệu thì không thể đậu lại trong lòng người và trụ lại với thời gian. Đạt được sự tinh diệu là cực kỳ khó khăn. Không biết là một phần trăm hay một phần nghìn, thậm chí là một phần vạn những sáng tác văn chương nghệ thuật của chúng ta hiện nay có còn lại với thời gian hay không vẫn là một thách thức! Những tác phẩm còn lại với thời gian có thể được viết ra nhẹ nhàng như chơi, nhưng không thể được viết như đùa. Văn chương nghệ thuật là chuyện nghiêm túc, hơn thế, cực kỳ nghiêm túc. Chuyện sáng tác nhẹ nhàng như chơi và chuyện cực kỳ nghiêm túc không hề mâu thuẫn nhau. Có thể là chuyện cực kỳ nghiêm túc của sáng tác văn chương nghệ thuật mà một số người hiểu là sự lao động vất vả chăng?
Nhà thơ Nguyễn Khuyến có nhiều câu thơ được viết như đùa nhưng lại vô cùng nghiêm túc: “Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi/ Đếch có mùi thơm, một tiếng “khà”, “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Ngày trước làm quan cũng thế a?”, “Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua”... Còn nhà thơ Chế Lan Viên sáng tác cực kỳ nghiêm túc, nhưng các nhà phê bình không thể tìm thấy sự vất vả, kể cả trong ba tập “Di cảo thơ” của ông. Ông có thể tẩy xóa viết đi viết lại, nhưng đó là sự chợt nhận ra, chợt đến của từ ngữ, của tư duy, sự phát triển của hình tượng nghệ thuật, để đi dần đến sự tinh diệu. Đọc văn chương mạng hiện nay, tôi thấy các tác giả trẻ đùa với văn chương nhiều hơn. Đúng là thời đại của tốc độ, văn chương không thể viết dềnh dàng như trước, tả một cảnh, một sự việc đến hàng mấy trang giấy, thậm chí cả mấy chục trang. Nhưng không vì thế mà viết ẩu. Thời đại tốc độ đòi hỏi nhanh nhưng phải hàm súc. Hay nói chính xác: muốn nhanh thì phải hàm súc. Tức là dùng một lượng chữ ít nhất để đến được trái tim bạn đọc là đường đi nhanh nhất. Còn viết nhanh, viết ẩu thì không bao giờ đến được trái tim bạn đọc.
Sự nghiêm túc của nghệ thuật đòi hỏi khi thể hiện trước hết phải chuẩn xác. Ai cũng biết ca dao, dân ca là được lưu truyền trong dân gian. Nhưng ca dao dân ca vẫn có sự chuẩn xác nhất định. Dân ca Quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay cả ở làn điệu và lời. Nhưng rất tiếc, một số trường hợp các nghệ sĩ đã hát không chuẩn lời, kể cả các nghệ sĩ quê hương Quan họ. Bài hát “Bèo dạt mây trôi”, tôi vẫn cho rằng đó là bài hay nhất của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Hay ở làn điệu và lời ca đều buồn da diết thể hiện nỗi nhớ của tình yêu: “Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi. Anh ơi, em vẫn đợi bèo dạt... Mây (í ì trôi) chim sa (tang tính tình) cá lặn”... “Chim sa” và “cá lặn” ở đây đối nhau. “Chim sa” là chim rơi, chim bị rớt cánh, là mất, đối với “cá lặn” cũng là mất. Từ “sa” và “lặn” đều là động từ, nên không thể hát thành “chim xa” mà “xa” là tính từ được. Thậm chí, tôi còn nghe ca sĩ Thu Phương ở hải ngoại hát thành “chim ca” thì thật là hết chỗ nói! Còn bài tiêu biểu “Giã bạn” có lời rất hay: “Người về tôi dặn người rằng: Sông sâu, sóng lên chớ lội... (mà í a) đò đầy (người) chớ qua”... thì bị hát thành: “sóng bên chớ lội”. “Sóng bên” là sóng thế nào? Là sóng bên mạn đò à? Ở đây “sóng lên” đối với “đò đầy” đều để chỉ sự nguy hiểm. “Đò đầy” thì dễ đắm. “Sông sâu, sóng lên” tức là sóng dậy lên thì dễ nguy hiểm, gặp tai nạn. Đấy là yêu thương nhau mà dặn thế. Đấy là sự sâu sắc của tình cảm, biểu hiện qua sự tinh diệu của từ ngữ. Xin các nghệ sĩ khi trình bày lưu ý cho!
Các cụ ta ngày trước đã chẳng nói: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. “Công phu” lắm chứ, đâu có thể đùa được, nhất là đối với nghệ thuật. Bởi vì giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật chỉ cách nhau một sợi tóc. Nghệ thuật không chấp nhận ở lưng chừng, khoảng giữa. Sự tinh diệu của văn chương nghệ thuật là đòi hỏi của bạn đọc, của cuộc sống. Vì vậy, trước khi chọn văn chương nghệ thuật để dấn thân, các nghệ sĩ phải xác định một thái độ ứng xử nghiêm túc với lĩnh vực cao quý này.
Sự đỏng đảnh
Có một sự thú vị mà hôm nay khi giở tài liệu để viết bài tôi mới phát hiện ra. Ấy là bài viết của tôi có tiêu đề “Thơ lại về với Trần Đăng Khoa” đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội - tháng 5 năm 1998, cuối bài có ghi ngày viết là 26-4-1998, đúng vào ngày sinh lần thứ 40 của nhà thơ Trần Đăng Khoa, mà khi ấy tôi không hề biết. Bài viết ấy là do tôi đọc được bài thơ “Gửi bác Trần Nhuận Minh” của anh đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, số đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày ra số báo đầu tiên, tháng 4-1998. Trong bài viết này, tôi đã đánh giá bài thơ “Gửi bác Trần Nhuận Minh” là một bài thơ hay, một bài có “hồn vía” thơ Trần Đăng Khoa mà sau hơn hai chục năm nó cứ bảng lảng đâu đó, đến bài thơ này mới lại trở về. Tức là, tôi cho rằng bài thơ “Gửi bác Trần Nhuận Minh” là một cột mốc đánh dấu “thơ lại về với Trần Đăng Khoa”. Cuối bài tôi viết: “Chúng ta vui mừng vì nàng thơ đang lại về với Trần Đăng Khoa, nàng đang đứng trước anh rồi, anh đã cầm được tay nàng. Nhưng làm sao để nàng lại nhập vào anh và ở lại với anh là một điều không dễ dàng. Vì thơ cũng như tình yêu đến với mỗi người mỗi khác, và thường đỏng đảnh khó lường. Giữ tình yêu cũng như giữ thơ không chỉ có đam mê, không chỉ có tỉnh táo, không chỉ bằng sự chân thành hay khôn ngoan... có lẽ là tất cả. Nhưng có khi lại chả cần cái gì cụ thể mà vẫn giữ được tình yêu và thơ”. Bây giờ, sau hai chục năm đọc lại, tôi càng thấy thơ cũng giống như những cô gái đẹp, thường đỏng đảnh khó lường. Thơ đã về với Trần Đăng Khoa nhưng đã không ở lại với anh. Từ sau bài thơ “Gửi bác Trần Nhuận Minh”, Trần Đăng Khoa đã không có được bài thơ nào hay như thế nữa, dù mọi mặt anh đã trưởng thành hơn.
Tôi buồn vì sự tiên đoán của mình đã không chuẩn xác. Nhưng tôi lại vui vì mình đã phát hiện được thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung thường đỏng đảnh khó lường. Cho nên những ai đã yêu thơ, yêu nghệ thuật, yêu người đẹp đều phải chấp nhận sự đỏng đảnh ấy. Sự đỏng đảnh của hạnh phúc.
Sự đỏng đảnh của nghệ thuật có thể thấy ở những nhà văn nhà thơ khác. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi gần bốn mươi tuổi mới phát lộ tài năng. Đấy là vào những năm cuối cùng của thập niên tám mươi thế kỷ trước. Một loạt truyện ngắn của anh đã gây chấn động văn đàn. Truyện vừa “Tướng về hưu” là một truyện xuất sắc của văn chương đổi mới. Chàng văn đã ám vào Nguyễn Huy Thiệp khoảng chục năm, tạo được vị thế xứng đáng cho anh trong vài ba chục tên tuổi nổi bật của văn chương nước nhà thế kỷ XX. Thế rồi chàng văn đã bỏ anh mà đi, đến nay vẫn không quay lại. Anh viết kịch, viết tiểu thuyết, nhưng nhạt không đọc được. Mặc dù anh có nhiều tuyên bố to tát cho những sáng tác sau này của mình, nhưng bạn đọc đã từng hâm mộ anh cũng trở nên hờ hững...
Nhà phê bình Hoài Thanh hơn ba mươi tuổi đã cùng Hoài Chân xuất bản tập Thi nhân Việt Nam, một kiệt tác của phê bình văn chương. Do thời thế, có lúc thái độ của ông đối với đứa con tinh thần này có phần lạnh nhạt. Nhưng sự nhất quán của tư tưởng nghệ thuật và phong cách phê bình của ông thì luôn được bạn đọc kính trọng. Tuy nhiên, phê bình văn chương đòi hỏi rất cao: “Đọc bằng mắt thì văn chương chỉ thấm vào da thịt; đọc bằng tâm thì văn chương thấm vào gan ruột, đọc bằng thần thì văn chương thấm vào cốt tủy”. Bốn chục năm sau này, Hoài Thanh viết với tất cả sức lực và tâm huyết, tập trung ở ba tập “Phê bình và tiểu luận”, nhưng chủ yếu cũng chỉ “đọc bằng tâm” mà thôi. Trời đã không cho ông “đọc bằng thần” nữa.
Những cô gái đẹp hay đỏng đảnh, thực ra không phải do họ cố tình như vậy mà do họ tự nhiên như vậy. Đỏng đảnh cũng là một nét duyên, tuy hơi thái quá. Đó cũng là hương vị của tình yêu. Sự đỏng đảnh của nàng thơ chàng văn và phê bình cũng là duyên trời tự nhiên không ai cố tình tạo ra hoặc điều khiển được. Cho nên, những dự định, kế hoạch sáng tác, những đề cương có cần thiết hay không là do phong cách của từng nhà văn. Sự tâm huyết và sự nỗ lực cũng là quý. Nhưng sự thành công thì thực không ai dám chắc, bởi nàng thơ chàng văn thường đỏng đảnh khó lường.