Nghệ thuật truyền thống - 'Mờ tỏ' ánh đèn: Tìm lại chỗ đứng
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa thành lập được xem là sự kiện đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển của nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh nhà. Từ đây, đã có rất nhiều kỳ vọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa NTTT; từng bước phát triển, tạo nên những thay đổi tích cực, nâng cao chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; từ đó nâng tầm, khẳng định vị thế của NTTT xứ Thanh trong toàn quốc. Tuy nhiên, sau gần 5 năm được thành lập, đến nay Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong đó, câu chuyện về việc tồn tại - phát triển đang được đặt ra với không ít trăn trở.
NTTT đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Vàng son... một thuở
Trong ký ức của nhiều nghệ sĩ gạo cội công tác tại các đoàn NTTT của tỉnh, những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX trở về trước được xem như thời kỳ... vàng son. Khoảng thời gian mà người nghệ sĩ vẫn tự hào bởi trọn vẹn cháy hết đam mê cho nghệ thuật, sống được bằng nghề.
Đó là thời điểm mà niềm hạnh phúc như vỡ òa với những chàng trai, cô gái mang trong mình “dòng máu nghệ thuật” khi nhận được thông báo trúng tuyển vào các đoàn NTTT của tỉnh. Ước mơ được hóa thân vào những vai diễn, trích đoạn, được mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ người dân, được tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu lấp lánh... sẽ thành hiện thực.
Ngày ấy, thông tin về buổi biểu diễn của một đoàn nghệ thuật sẽ làm huyên náo cả vùng quê suốt cả tuần trước đó. Không băng rôn giăng khắp nơi, không loa phóng thanh quảng cáo ầm ĩ, không thông tin ngôi sao này, ca sĩ nọ... Vậy nhưng, là những buổi biểu diễn sân bãi chật kín người. Để rồi khi các đoàn rời đi, những xúc cảm nghệ thuật vẫn còn ở lại với người dân.
Rồi những buổi biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Sự khó khăn, cách trở về khoảng cách địa lý, sự thiếu thốn về vật chất cũng không ngăn nổi làn điệu “í... ơi, tang... tình...” vang lên giữa núi rừng miền biên giới. Dường như, mọi khó khăn, vất vả đều tan biến sau tiếng vỗ tay tán thưởng, ngợi khen. Ngày ấy, dù không nhiều nhưng kinh phí thu được từ các buổi biểu diễn phục vụ Nhân dân vẫn phần nào giúp đoàn nghệ thuật, người nghệ sĩ cải thiện, sống được với nghề, nhiệt huyết cháy hết mình với đam mê.
Kể lại nghe thật đơn giản, dung dị. Nhưng, đó lại là thời kỳ vàng son một thuở. Bởi cuộc sống xoay vần, xã hội phát triển, người nghệ sĩ ở các đoàn NTTT dù đã cố gắng vẫn chẳng thể thấy lại được ánh hào quang thuở trước. Chỉ còn sự tiếc nuối trong tâm tưởng các đàn anh, đàn chị, thế hệ nghệ sĩ đi trước.
Nghệ thuật không thể thiếu... khán giả
Gắn bó cuộc đời với hoạt động NTTT xứ Thanh, NSND Trương Hải Thọ (nguyên Trưởng Đoàn Chèo Thanh Hóa, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) là người đã đi qua những thăng trầm, thấu hiểu khó khăn, thách thức mà NTTT đang phải đối mặt. Và câu chuyện về việc làm thế nào để bảo tồn, phát triển NTTT của ông với chúng tôi bắt đầu bằng khẳng định: “NTTT đang cạn kiệt tài năng”.
Hàng loạt những nguyên nhân dẫn đến việc “cạn kiệt tài năng” được dẫn ra: Đời sống thụ hưởng văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều sự lựa chọn, đặc biệt là sự “xâm lấn” của các loại hình giải trí hiện đại, du nhập từ nước ngoài như món ăn mới hấp dẫn giới trẻ, dẫn đến việc thế hệ khán giả kế cận hiểu về NTTT dần mất đi; sự quan tâm, chế độ chính sách, đãi ngộ chưa thu hút được người có tài thực sự để cống hiến hết mình cho NTTT, dẫn đến việc nhiều nghệ sĩ trẻ làm nghệ thuật song chưa thực sự dấn thân bởi câu chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Hoặc có không ít nghệ sĩ đã gắn bó thanh xuân cống hiến cho các đoàn nghệ thuật song rồi cũng không khỏi ngậm ngùi chuyển nghề; rồi câu chuyện tìm kiếm, đào tạo tài năng hiện nay cũng có nhiều bất cập...
Các đoàn nghệ thuật trước đây và bây giờ là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống ngoài kinh phí nhà nước cấp thì phải đi biểu diễn để “lấy thu bù chi”, tăng thu nhập cho đời sống nghệ sĩ. Tuy nhiên, có một thực tế, càng diễn càng lỗ... bởi không bán được vé, không có nguồn thu. Việc ít đi biểu diễn dẫn đến hệ lụy khán giả càng thêm xa lạ với NTTT. Không chỉ “cạn kiệt tài năng” mà NTTT còn đối mặt với câu chuyện “cạn kiệt khán giả”, một thế hệ khán giả kế cận, hiểu và yêu các loại hình NTTT của cha ông. Không có một loại hình nghệ thuật nào có thể “sống” mà thiếu khán giả.
Cũng theo NSND Trương Hải Thọ, việc NTTT đang dần mất đi khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, lỗi không hoàn toàn thuộc về người trẻ. Tại sao các bạn trẻ lại “quay lưng” với NTTT? Chính là bởi sự xa lạ. Ít tiếp xúc, ít nghe, ít nhìn... tất yếu dẫn đến xa lạ. Vậy nên, muốn bảo tồn, phát triển NTTT, bài toán về việc “cạn kiệt tài năng” và “cạn kiệt khán giả” cần thiết phải được giải. Bên cạnh sự chờ đợi giải pháp về cơ chế, chính sách dài hơi thì “Sân khấu học đường” - đưa các loại hình NTTT (tuồng, chèo, cải lương...) vào trong trường học, để các em làm quen, hiểu về các giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông, từ đó khơi dậy tình yêu, niềm say mê trong thế hệ trẻ... là một hướng đi - Bởi đó được xem là thế hệ “tài năng” và “khán giả” kế cận của NTTT.
Cần sự quan tâm cho NTTT
Nếu so với bề dầy truyền thống, thành tích của các đoàn Tuồng, Chèo, Cải lương thì Đoàn Dân ca dân vũ được xem là “em út” trong hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, được thành lập trên cơ sở nguồn nhân lực của ba đoàn nghệ thuật “đàn anh”. NSƯT Vũ Thị Hảo, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, phụ trách Đoàn Dân ca dân vũ, chia sẻ: Đoàn Dân ca dân vũ được thành lập với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca dân vũ xứ Thanh. Trong đó, trước hết là sưu tầm, giữ gìn, phục dựng trên nền tảng những giá trị đã có (trò Xuân Phả; dân ca Đông Anh...) nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của Nhân dân. Để chất lượng các tiết mục được đảm bảo, đoàn đã phối hợp với đạo diễn, NSND Hoàng Hải hỗ trợ về mặt chuyên môn trong việc dàn dựng các tiết mục. Năm 2021, dự kiến sẽ dàn dựng tiết mục “Hương đồng gió nội”. Tuy nhiên, cũng theo người phụ trách Đoàn Dân ca dân vũ: “Câu chuyện về nguồn nhân lực - thế hệ trẻ kế cận rất cần phải được giải quyết. Nếu không, chỉ 5 năm nữa thôi sẽ khó khăn vô cùng. Bởi, để một nghệ sĩ NTTT thành nghề, cần ít nhất 3 năm đào tạo tại chỗ và để đạt độ “chín” về nghề thì cần đến thời gian lâu hơn”.
NSND Hàn Hải (giữa) đang “truyền lửa” cho các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát nghệ thuật truyền thống.
Nhìn nhận về những khó khăn, thách thức mà NTTT đang phải đối mặt, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, cho biết: “Khi giải quyết được bài toán về nguồn nhân lực thì những khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ. Bởi ngoài nguồn nhân lực là diễn viên trẻ thì sân khấu NTTT hiện nay còn đang thiếu hụt trầm trọng các tác giả có khả năng biên kịch, tạo nên tác phẩm gây ấn tượng, có tiếng vang. Những năm qua, các vở diễn của nhà hát nếu không phải phục dựng vở diễn cũ thì là “đi mượn” của các nhà hát trong cả nước. Bên cạnh đó, việc không còn kinh phí cho các đoàn dựng vở mới hàng năm cũng khiến sân khấu NTTT tỉnh nhà chỉ có thể hoạt động cầm chừng... Trách nhiệm bảo tồn, phát triển, nâng cao chất lượng NTTT thuộc về nhà hát, song để đạt được kết quả, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sở, ngành liên quan”.