Nghệ thuật truyền thống với tuổi trẻ Đồng Nai
Sự phát triển của công nghệ 4.0 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sân khấu truyền thống, khiến loại hình nghệ thuật này phải đối mặt với nhiều thách thức trong hành trình bảo tồn và phát triển, đặc biệt khó khăn trong việc thu hút khán giả trẻ.
Để đưa khán giả đến với sân khấu, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (nhà hát) vừa phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, biểu diễn vở cải lương mới… nhằm khơi dậy trách nhiệm của người trẻ trong việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật cải lương truyền thống.
* Giúp người trẻ tìm hiểu nghệ thuật truyền thống
Trong tuần qua, nhà hát đã tổ chức nhiều suất diễn cải lương phục vụ trực tiếp cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an tỉnh, Cụm thi đua số 3 - Đoàn khối các cơ quan tỉnh, các em thiếu nhi trên địa bàn TP.Biên Hòa và công chúng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là nhà hát tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Sân khấu truyền thống với tuổi trẻ Đồng Nai với sự tham gia của PGS-TS Huỳnh Văn Tới. Đoàn viên, thanh niên và người trẻ được PGS-TS Huỳnh Văn Tới trao đổi các nội dung liên quan đến nghệ thuật sân khấu truyền thống như: chèo, tuồng, múa rối nước, cải lương...
Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Việt Bắc cho biết, để đưa vở cải lương Cuộc chiến đến gần hơn với công chúng, trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhà hát sẽ sáng đèn 5 buổi phục vụ hơn 3 ngàn chiến sĩ công an; đồng thời sẽ tổ chức thêm nhiều suất diễn trực tiếp và online phục vụ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Buổi sinh hoạt cũng đặt ra vấn đề về thực trạng của sân khấu truyền thống hiện nay, nhất là sân khấu cải lương của Đồng Nai. PGS-TS Huỳnh Văn Tới cho biết, thời gian qua, sân khấu của Đồng Nai đã được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để duy trì và phát triển. Cùng với đó, nhà hát đã tích cực bồi dưỡng, phát hiện và tìm kiếm đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ; đồng thời dàn dựng được nhiều vở diễn mới tham gia các cuộc thi lớn, đoạt nhiều giải thưởng cao. Việc đổi mới hình thức đến nội dung của cải lương đã góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng khán giả.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, bên cạnh những thuận lợi, sân khấu truyền thống ở Đồng Nai còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đầu tư cho sân khấu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Ngoài ra, do áp lực của truyền thông và mạng xã hội khiến cho khán giả đến với sân khấu ngày một ít hơn. Đời sống của những người làm nghệ thuật truyền thống vẫn chưa được cải thiện tốt… “Chính những khó khăn đó đã khiến cho sân khấu của Đồng Nai suy giảm nhiều mặt so với thời hoàng kim trước đây” - PGS-TS Huỳnh Văn Tới chia sẻ.
Không chỉ bằng hình thức trao đổi, giao lưu những kiến thức về các loại hình nghệ thuật truyền thống, người trẻ đến với nhà hát còn được thưởng thức vở cải lương Cuộc chiến. Đây là vở cải lương mới có chủ đề nóng về phòng, chống ma túy. Sự tham gia, hưởng ứng của người trẻ khi tìm hiểu nghệ thuật truyền thống và vở cải lương Cuộc chiến mặc dù không được kỳ vọng là “cứu cánh” đối với sân khấu nhưng với các nghệ sĩ, diễn viên đó là sự khích lệ, động viên lớn để họ tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin, tình yêu đối với sân khấu.
Bí thư Chi đoàn Đài PT-TH Đồng Nai Trần Thanh Trà Mi bộc bạch: “Trong cuộc sống 4.0 bây giờ, để tuổi trẻ có thời gian lắng đọng lại với sân khấu truyền thống rất là hiếm. Với bản thân tôi, rất lâu rồi cũng không đến các sân khấu cải lương để xem trực tiếp. Vậy nên những buổi sinh hoạt như vậy đã giúp tôi hiểu hơn và gần gũi hơn với sân khấu truyền thống. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều hơn những chương trình nghệ thuật mới để người trẻ tiếp cận với các loại hình nghệ thuật của dân tộc”.
* Khơi gợi ý thức, trách nhiệm của người trẻ
Anh Võ Văn Trung, Bí thư Chi đoàn cơ quan Tỉnh đoàn Đồng Nai cho biết, hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, người trẻ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh có rất nhiều lựa chọn, nhiều sân chơi hiện đại. Tuy nhiên, có một sân chơi mà người trẻ đang bỏ quên đó là sân khấu nghệ thuật truyền thống. Do đó, việc tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề và xem cải lương Cuộc chiến tại sân khấu của nhà hát được kỳ vọng gửi gắm thông điệp về phòng, chống ma túy; khơi gợi ý thức sống vì cộng đồng, giữ gìn nếp sống văn hóa, truyền thống đạo đức của người trẻ.
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, việc tổ chức cho người trẻ đến tìm hiểu nghệ thuật truyền thống và thưởng thức cải lương hiện nay có nhiều ý nghĩa thiết thực. Không chỉ tạo động lực cho nhà hát tiếp tục “sản xuất” ra những tác phẩm nghệ thuật đặc thù, chất lượng cao mà còn gieo vào thanh niên những giá trị văn hóa tinh thần, những câu chuyện đẹp, những bài học hay trong cuộc sống.
“Về mặt sân khấu truyền thống, đây là tài sản văn hóa của dân tộc, phải giữ gìn và phát huy, đặc biệt là phát huy cho đối tượng là người trẻ, thanh niên. Nếu tài sản văn hóa dân tộc không chắp cánh trong thanh niên thì sẽ mai một và dần mất đi. Và ngược lại, thanh niên tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống sẽ tăng thêm sự hiểu biết và lòng tự hào dân tộc. Từ đó nỗ lực phấn đấu, lao động và học tập để trở thành những công dân có ích, tô điểm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn” - PGS-TS Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh.
NSƯT Đồng Quế Anh, Giám đốc nhà hát nói rằng, việc người trẻ đến với sân khấu của nhà hát là sự khích lệ lớn cho nghệ sĩ, diễn viên. Bởi thế, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì chất lượng nghệ thuật vẫn là tiêu chí hàng đầu mà nhà hát lựa chọn để sáng tạo ra những sản phẩm thu hút được khán giả, nhất là người trẻ nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Nếu khán giả chưa đến với cải lương Đồng Nai thì nhà hát sẽ chủ động đến với khán giả, tiếp cận dần với người trẻ để đưa nghệ thuật truyền thống trở thành “món ăn tinh thần” của mọi người, mọi nhà.