Nghệ thuật Tuồng qua góc nhìn của Nhiếp ảnh gia trẻ

Dũng Phạm được biết đến là một nhiếp ảnh gia trẻ đến từ Hà Nội. Dành niềm yêu thích với nghệ thuật truyền thống từ lâu, đặc biệt là nghệ thuật Tuồng của Việt Nam. Qua bộ ảnh về nhân vật Nữ Tướng Đào Tam Xuân, Dũng Phạm mong muốn lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống, lưu giữ, bảo tồn và đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ.

Xuất phát từ những ký ức khi còn nhỏ, không còn nhớ rõ là lớp mấy, nhưng ngay từ khi còn lại một cậu bé học Tiểu học, mỗi khi ở quê có hội, Dũng Phạm đều được xem những đoàn hát Tuồng biểu diễn tại sân đình. Những ký ức ấy lớn dần theo anh cho đến mãi sau này.

Bộ ảnh được Dũng Phạm lấy cảm hứng và thực hiện theo vở tuồng Nữ tướng Đào Tam Xuân.

Bộ ảnh được Dũng Phạm lấy cảm hứng và thực hiện theo vở tuồng Nữ tướng Đào Tam Xuân.

Dũng Phạm chia sẻ: “Mình vẫn nhớ như in ngày hôm đó, sau khi các nghệ sĩ biểu diễn xong, trên tay dân làng đều thi nhau cầm sẵn hoa để tặng các nghệ sĩ. Vậy là mình cũng xin tiền để mua, và nóng lòng được lên tặng các nghệ sĩ. Sự huyền bí của Tuồng hòa vào không gian của sân đình, tạo cho mình cảm giác huyền bí nhưng đầy uy nghi. Vậy là mình lớn lên với những ký ức đó. Sau này, mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn, thích thú hơn, và quyết định mua vé trực tiếp tới Rạp Hồng Hà để xem các nghệ sĩ biểu diễn”.

Cùng với chèo và cải lương, tuồng cũng là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc, được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian kết hợp sự giao lưu với văn hóa Trung Hoa. Tuồng có mặt ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam nhưng phát triển mạnh mẽ và phổ biến hơn cả ở Nam Trung bộ.

Là một loại hình kịch hát thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông, tuồng mang đậm âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về đạo lý, khí tiết của người anh hùng trong các hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột. Chính vì vậy, chất “bi hùng” là một đặc trưng thẩm mỹ độc đáo của tuồng. “Bi” trong tuồng đạt tới mức tột cùng của sự đau thương mất mát, “hùng” trong tuồng đạt đến đỉnh điểm của sự hoành tráng, oai nghiêm. Tuồng đã trở thành vốn quý của sân khấu truyền thống không những người trong nước trân trọng mà cả những người nước ngoài cũng đánh giá cao.

Trong một lần có cơ hội xem vở Nữ tướng Đào Tam Xuân vào cuối tháng 5, Dũng Phạm đã bị thu hút và vô cùng yêu thích bối cảnh, lời ca hay những cử chỉ của nhân vật này. Do đó, Dũng Phạm đã lựa chọn đây sẽ bộ ảnh đầu tiên mở đầu cho dự án ảnh làm về Nghệ thuật tuồng của anh.

Nữ tướng Đào Tam Xuân - một nữ tướng anh hùng, yêu nước, yêu thương chồng con. Sau khi chồng bà là Trịnh Ân cùng hai người anh em Triệu Khuông Dẫn và Cao Hoài Đức lập lên cơ nghiệp nhà Tống, Triệu Khuông Dẫn lên ngôi, ông đam mê tửu sắc nên đã giết hại cả chồng và con của Đào Tam Xuân. Nơi quan ải, sau khi nhận được tin chồng và con mình chết, bà đã lấy máu đề cờ kéo quân về hỏi tội vua. Nhưng vì sự trung thành và yêu nước, bà lại thay chồng, giúp vua ra trận bảo vệ non sông.

Nữ tướng Đào Tam Xuân - một nữ tướng anh hùng, yêu nước, yêu thương chồng con.

Nữ tướng Đào Tam Xuân - một nữ tướng anh hùng, yêu nước, yêu thương chồng con.

Dũng Phạm chia sẻ: “Mặc dù trước đó có lên mạng tìm hiểu, phân tích tư liệu về tuồng, nhưng mình nhận thấy có rất ít tư liệu, cũng như hình ảnh để mình có thể hiểu hơn về nó. Chính vì vậy, mình nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để mình góp phần truyền bá nét đẹp văn hóa của Việt Nam, truyền bá hình ảnh Tuồng nhiều hơn đến với thế hệ trẻ. Với mình, trước tiên đơn giản là mình thích và muốn được chụp lại, mình đã làm được nó. Song, mình mong muốn có thể chụp thêm nhiều vở diễn của Tuồng hơn, thêm nhiều các nhân vật khác. Và mình rất thích mặt nạ của Tuồng, mỗi mặt nạ tượng trung cho từng nhân vật, tính cách khác nhau. Bộ ảnh về Nữ tướng Đào Tam Xuân lần này được mình kết hợp cùng với Thanh Phương - một diễn viên tuồng trẻ, nhưng rất tài giỏi, năng lượng và đầy nội lực”.

Với dự định sắp tới sẽ cố gắng phát triển bản thân nhiều hơn, tạo thêm nhiều giá trị, tiếp tục trở thành một nhiếp ảnh gia với nhiều chất liệu, Dũng Phạm mong muốn phát triển tốt công việc giảng dạy Nhiếp ảnh của bản thân với các bạn trẻ, đồng thời có cơ hội trở thành một Đạo diễn hình ảnh. Có thể chụp thêm nhiều nhân vật khác của Tuồng. Để một phần vừa là truyền bá bộ môn nghệ thuật Tuồng đến gần hơn với các bạn trẻ, song cũng là ghi lại một phần lịch sử của dân tộc mình.

Qua đây, Dũng Phạm nhắn nhủ: “Bản thân mình nghĩ chúng ta là thế hệ trẻ, là những người chuyển giao và nối tiếp. Vậy mỗi bản thân chúng ta nếu có thể lan tỏa và tạo ra thêm nhiều giá trị cho bản thân, gia đình, thì đương nhiên đất nước sẽ ngày một lớn mạnh và phát triển. Vì chúng ta là mỗi người con trong đất nước Việt Nam, những người được sinh ra với một đất nước chứa đựng tinh thần đoàn kết của dân tộc”.

(Ảnh: Dũng Phạm)

(Ảnh: Dũng Phạm)

Thảo Trần

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nghe-thuat-tuong-qua-goc-nhin-cua-nhiep-anh-gia-tre-post1669328.tpo