Nghệ thuật xiếc rất cần được quan tâm đúng mức

Xiếc là nghệ thuật của lòng dũng cảm, thu hút người xem bởi sự mạo hiểm, khéo léo về kỹ năng, kỹ xảo trình diễn và vẻ đẹp tạo hình sân khấu. Thế nhưng trong thị trường nghệ thuật biểu diễn ở nước ta hiện nay, không gian dành cho xiếc đang dần thu hẹp trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình nghệ thuật, giải trí khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ nhiều trăn trở.

Phóng viên (PV): Xiếc lâu nay đã gặp khó khăn, nhưng thời gian qua, vượt lên những khó khăn, xiếc vẫn tìm tòi, đổi mới để tồn tại. Nhưng để có sự phát triển lâu dài thì xiếc cần có hướng đi nào khả quan, bền vững, thưa ông?

NSND Tạ Duy Ánh: Đã có rất nhiều cuộc họp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) với nhiều bộ, ngành liên quan đề cập đến khó khăn của nghệ thuật nói chung, trong đó có xiếc. Đến nay, chúng tôi vẫn đang chờ! Xiếc bao năm nay vẫn chồng chất khó khăn, từ đầu vào tuyển sinh, bệnh tật nghề nghiệp... Xiếc là bộ môn tương tự như thể thao đỉnh cao, tập luyện vất vả nhưng tuổi nghề rất ngắn, sau khi không thi đấu thì lối thoát cho người ta thế nào?... Ở một số nước có nền nghệ thuật xiếc phát triển như Nga, họ đã tìm ra lối thoát khi có mối liên kết với thể thao, những vận động viên (VĐV) không thi đấu đỉnh cao nữa thì về xiếc họ phát huy rất tốt. Ví dụ VĐV môn thi đấu cử tạ có thể làm trụ cho xiếc; nhào lộn thể dục dụng cụ, nghệ thuật thể thao về làm nhào lộn cho xiếc, đu bay... Lúc đó, đạo diễn xiếc chỉ cần đưa nghệ thuật vào thôi. Theo tôi, khi chưa có các chính sách hỗ trợ mới thì việc kết hợp đưa các VĐV sang tập luyện, biểu diễn xiếc là một phương án rất tốt để có nguồn nhân lực bổ sung cho xiếc.

 NSND Tạ Duy Ánh.

NSND Tạ Duy Ánh.

Nhiều lãnh đạo trước của liên đoàn và chúng tôi hiện nay vẫn luôn đau đáu tìm hướng đi mới cho xiếc. Cụ thể là kết nối các tiết mục để dàn dựng các vở xiếc có câu chuyện, có nội dung và cố gắng tìm kịch bản mang màu sắc văn hóa, truyền thống của Việt Nam để mang đi dự liên hoan, cuộc thi và công diễn ở quốc tế. Đã có nhiều tín hiệu vui khi những vở xiếc: “Làng tôi”, “Sông trăng”… được Nhà nước đặt hàng, gặt hái thành công ở các kỳ liên hoan quốc tế và được các nước mời lưu diễn. Chẳng hạn vở “Sông trăng” vừa kết thúc 16 tháng biểu diễn tại 7 nhà hát của Đức. Trước đó, vở “Làng tôi” cũng gây tiếng vang và có các tour lưu diễn cả năm ở các nước châu Âu.

PV: Hiện tại, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Liên đoàn có nhận được sự hỗ trợ không và đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

NSND Tạ Duy Ánh: Cùng với hoạt động biểu diễn các tác phẩm chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhằm kéo khán giả trở lại rạp, xiếc cũng đã có buổi biểu diễn. Nhưng đặc thù của xiếc khác nên quy định mỗi nhà hát biểu diễn 1-2 buổi tại Nhà hát Lớn là chưa phù hợp, vì sân khấu của xiếc dàn dựng mất rất nhiều thời gian; vé bán các chương trình ca nhạc, sân khấu có thể lên tới 1-2 triệu đồng thì xiếc chỉ có thể bán mức cao nhất là 200-300 nghìn đồng. So với hoạt động biểu diễn như mọi năm thì năm nay thực sự rất khó khăn bởi các kế hoạch biểu diễn phục vụ (chủ yếu là đối tượng thiếu nhi) gần như bị hủy bỏ do các cháu phải lo học hành, thi cử. Nhiều hợp đồng lưu diễn nước ngoài đã bị hủy. Sau thành công của liên hoan xiếc 3 miền tổ chức tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương kết hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức hoạt động biểu diễn thường xuyên phục vụ khách du lịch, nhưng kế hoạch này đã phải dừng và chưa biết đến bao giờ mới có thể khởi động lại…

Được biết, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở rất nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng họ đã có các gói hỗ trợ cho nghệ thuật và các bộ môn nghệ thuật đặc thù. Người lao động sau thời gian nghỉ, hết dịch bệnh có thể trở lại làm ngay, còn nghệ thuật bị gián đoạn, không có thời gian tập luyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vận hành trở lại. Ngay ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, khi dịch bệnh diễn ra, không có kinh phí luyện tập, không có hoạt động bán vé biểu diễn nên sự hỗ trợ rất khiêm tốn, trong khi lương các cháu mới ra trường khoảng 3 triệu đồng, nhiều cháu xin về quê nghỉ, đến nay vẫn còn một số cháu chưa có ý định trở lại. Thời gian qua, liên đoàn đã hỗ trợ hết mức có thể khi làm các phòng ở, bếp ăn ngay trong khuôn viên của rạp xiếc để giúp các cháu sinh hoạt tập trung, không phải đi thuê nhà, ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ sức khỏe.

 Cảnh trong vở diễn “Sông trăng” tạo tiếng vang với khán giả trong nước và quốc tế. Ảnh: LINH AN.

Cảnh trong vở diễn “Sông trăng” tạo tiếng vang với khán giả trong nước và quốc tế. Ảnh: LINH AN.

PV: Dân gian có câu “Cái khó ló cái khôn”. Được biết, dịp này Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã dàn dựng chương trình và kêu gọi các mạnh thường quân vào cuộc?

NSND Tạ Duy Ánh: Thực tế, để duy trì và phát triển nghệ thuật xiếc hiện nay không thể kể hết khó khăn, chúng tôi làm công tác quản lý quá căng thẳng. Muốn anh em nghệ sĩ tin tưởng và lăn xả vì nghệ thuật thì rất cần có sự quan tâm kịp thời, xiếc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển đồng bộ, dài hạn tổng thể trong tương lai để khắc phục những hạn chế và đề ra phương hướng phát triển ổn định. Nghệ thuật xiếc Việt Nam rất cần được các cấp lãnh đạo quan tâm thì mới có thể gìn giữ được môn nghệ thuật này.

Còn về Chương trình “Biển, đảo là quê hương” dàn dựng biểu diễn tri ân trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), đây là định hướng hoạt động nghệ thuật “Đi cùng năm tháng” được Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức liên tục trong 3 năm nay, với hy vọng mở ra hình thức xã hội hóa cho nghệ thuật xiếc. Chương trình đã tăng thêm ý nghĩa xã hội khi nhiều tổ chức và cá nhân cùng nối vòng tay lớn để lan tỏa tình yêu nghệ thuật. Thông qua sự ủng hộ của các doanh nghiệp, chúng tôi dành tặng những phần quà tới các gia đình chính sách, gia đình có chồng, con đang ngày đêm canh gác, làm nhiệm vụ giữ gìn biển, đảo của Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

CHÂU XUYÊN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nghe-thuat-xiec-rat-can-duoc-quan-tam-dung-muc-626876