Nghe tin học phí sắp tăng, người dân ồ ạt đi học lái xe ô tô
Trước thông tin mức học phí đào tạo lái xe sẽ tăng gấp ba và việc học trong năm tới sẽ được quản lý chặt chẽ hơn so với hiện nay, số lượng người học lái xe gia tăng đột biến thời gian gần đây...
Số lượng học viên tăng mạnh theo từng ngày
Trong vai một học viên, chúng tôi đến một số cơ sở dạy lái xe ở Hà Nội đăng ký học và xin được thi sớm nhất nhưng đều bị từ chối. Lý do đưa ra là các trung tâm đã nhận đủ chỉ tiêu đào tạo lái xe cho cả năm 2020. Trò chuyện với chúng tôi, một cán bộ của Trung tâm đào tạo và dạy nghề lái xe Sao Bắc Việt (trụ sở tại Hà Đông) cho biết: "Hiện tại học phí đào tạo lái xe ô tô ở đây là hơn 10 triệu đồng, sang năm có thể lên đến 30 triệu đồng. Chưa kể sang năm các chương trình sát hạch và thi sẽ khó hơn trước, lệ phí và việc cấp bằng lái xe cũng sẽ thay đổi. Các anh có nguyện vọng thì cứ gửi hồ sơ, nộp tiền từ bây giờ. Đến cuối năm khai giảng lớp rồi đầu năm 2021 sát hạch vẫn được".
Cầm trên tay bộ hồ sơ, anh Nguyễn Như Hòa (29 tuổi, ở huyện Thanh Trì) cho biết, vừa qua nghe thông tin ít ngày nữa việc thi bằng lái xe ô tô (B2) sẽ khó hơn, học phí tăng lên khoảng 30 triệu đồng nên anh vô cùng lo lắng. "Tôi nghe nói bắt đầu từ tháng 5 này nếu ai học bằng lái sẽ phải điểm danh bằng vân tay, trong phòng học có cài đặt camera giám sát. Ngoài ra, học viên phải đi học đầy đủ và thi trên thiết bị mô phỏng trước khi thi thực hành. Do vậy tranh thủ lúc chưa có gì thay đổi, tôi đăng ký nộp hồ sơ đi học", anh Hòa cho biết.
Tương tự, anh Võ Hồng Nhân (37 tuổi, ở Cầu Giấy) cho hay: "Tôi nghe thông tin, sắp tới để thi bằng lái xe B2 phải học 6 tháng, thay vì 3 tháng như hiện nay. Bên cạnh đó, việc đi học được giám sát chặt chẽ và thêm nhiều kiến thức phải học. Công việc của tôi bận rộn, không thể học ròng rã nửa năm như vậy được nên tôi nộp hồ sơ đợt này để nhanh hơn 3 tháng. Đồng thời cũng tiết kiệm hơn chục triệu tiền học phí". Cũng theo anh Nhân, đợt này anh đến nộp 4 bộ hồ sơ cho cả một số người thân trong gia đình với hy vọng được xếp lớp học và thi sớm.
Tại một số trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, theo ghi nhận lượng người nộp hồ sơ học bằng lái xe vẫn tăng mạnh theo từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Có trung tâm trước đây luôn thiếu học viên dù liên tục đăng thông báo tuyển sinh nhưng từ đầu năm đến nay lượng hồ sơ đăng ký học đã tăng lên 300 hồ sơ. Thậm chí, có cơ sở chuẩn bị khai giảng khóa 97 nhưng hồ sơ đã nhận đến khóa 102.
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do Thông tư số 38 sửa đổi hướng dẫn quy định về đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ của Bộ GTVT chặt chẽ hơn. Theo đó, Thông tư quy định: Từ 1/5/2020, các cơ sở đào tạo phải lắp camera giám sát, chấm vân tay cho học viên. Học viên phải tham dự đủ số giờ lý thuyết mới được dự kỳ thi sát hạch; từ 1/1/2021, các trung tâm đào tạo phải đầu tư lắp đặt cabin mô phỏng khoang lái xe ô tô… Với những quy định đó nên nhiều người muốn học sớm hơn để tránh phức tạp sau này.
Không có việc tăng học phí đột biến
Chia sẻ về câu chuyện trên, lãnh đạo trung tâm đào tạo lái xe Sài Đồng (quận Long Biên) cho biết, đúng là từ sau Tết Nguyên đán, lượng người đăng ký học và thi giấy phép lái xe tại trung tâm có tăng thêm 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện trung tâm mới khai giảng lớp tháng 2, song hồ hồ chờ xếp lớp mới đã hết tháng 3. Tuy nhiên, lãnh đạo trung tâm này cũng khẳng định, học phí thi bằng B2 hiện tại ở trung tâm vẫn đang ở mức khoảng 5 triệu đồng/khóa, chứ không có chuyện tăng giá tới vài chục triệu đồng như lời đồn. Sau này, khi thông tư mới có hiệu lực, các trung tâm phải đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất, và tăng thời gian đào tạo thì học phí có thể thay đổi, song sẽ không thể quá cao.
Về nguyên nhân người dân đổ xô đi học bằng lái xe, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số trung tâm, ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có nhận được thông tin nhu cầu đào tạo lái xe của năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là các thành phố lớn. Trong đó, tăng nhiều nhất là các tỉnh thành phía Bắc.
"Thông tin giá đào tạo lái xe ô tô tăng lên mức vài chục triệu đồng chỉ là đồn thổi để "dụ dỗ" người học. Năm nay chỉ có thay đổi bộ câu hỏi liên quan đến sát hạch lái xe, có nghĩa là chỉ tăng số lượng câu hỏi chứ không thay đổi nội dung chương trình, thời gian đào tạo. Thông tư 38 quy định từ 1/5 các trung tâm phải lắp thiết bị giám sát môn học lý thuyết, điểm chỉ bằng vân tay, giá thiết bị này tương đối rẻ, không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đào tạo", ông Thống nói.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do từ khi có Nghị định 100 xử phạt nồng độ cồn của người lái khiến nhiều gia đình cho vợ đi học lái xe để nếu chồng uống rượu thì vợ sẽ cầm lái. Đặc biệt, Thông tư 38 của Bộ GTVT quy định từ 1/5/2020 điểm danh học viên học môn pháp luật giao thông đường bộ, đến tháng 1/2021 điểm danh về thời gian lái xe thực hành. Do vậy, học viên muốn "né" điểm danh nên tăng vọt nhu cầu đăng ký học, nên khó cho trung tâm trong việc đào tạo.
Thông tư 38 có nhiều điểm mới theo hướng thay đổi phương thức đào tạo và sát hạch. Đáng chú ý nhất là việc bổ sung 2 môn học: Xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên ca-bin. Quá trình học trên ca-bin sẽ mô phỏng lại các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên phần mềm, học viên sẽ được xử lý tình huống để có kỹ năng tránh tai nạn đáng tiếc. Thời gian học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi tập lái trên đường. Môn xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng đóng vai trò quan trọng trong việc thi sát hạch. Nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng, học viên sẽ không được sát hạch trên ô tô.
Ngoài ra, với mục đích nâng cao chất lượng giấy phép lái xe, số lượng câu hỏi lý thuyết trong bộ đề tăng từ 450 câu lên 600 câu. Trong đó có 100 câu điểm liệt, chỉ cần trả lời sai một câu hỏi thì học viên sẽ bị trượt. Mỗi đề vẫn có 30 câu, người thi trả lời sai 5 câu là bị trượt.