Nghề trồng hoa, cây cảnh chuẩn bị vào vụ tết

Nhiều năm nay, nghề trồng đào dần đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã Quảng Chính (Quảng Xương). Ông Nguyễn Hùng Cử, thôn Đa, xã Quảng Chính cho biết: Đào kép phai Quảng Chính được người dân tự nhân giống bằng cách ươm hạt. Đào phải trồng từ 3 năm tuổi trở lên mới cho gốc đẹp. Hiện gia đình ông có vài chục gốc đào từ 3 năm tuổi trở lên và năm nay thời tiết khá thuận lợi, theo tính toán đào sẽ nở đúng dịp tết. Ngoài ra, ở các vườn đào khác, hầu hết các gốc đào đẹp đều đã được các thương lái, người chơi đào đặt trước. Đối với đào Quảng Chính, năm nay có giá dao động từ 1,5 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/cây tùy loại gốc to, nhỏ...

Nhiều người dân xã Dân Lực (Triệu Sơn) phát triển kinh tế hiệu quả nhờ nghề trồng hoa, cây cảnh.

Tết Nguyên đán là thời điểm cung cấp số lượng hoa, cây cảnh lớn nhất ra thị trường và mang lại khoản thu nhập cao nhất trong năm của người trồng hoa. Để có hoa, cây cảnh bán trong dịp tết người trồng phải lựa chọn từ khâu ươm giống, chăm sóc để hoa, quả không ra sớm và cũng không ra muộn. Anh Nguyễn Văn Trung ở thôn 2, xã Hợp Lý cho biết: Gia đình anh trồng 6 sào, với hơn 1.000 gốc đào và 800 cây quất. Đến thời điểm này, toàn bộ số cây đào và 50% số cây quất trong vườn đều đã có người đặt mua.

Với người dân trồng hoa, cây cảnh ở xã Hợp Lý, tết là vụ quan trọng nhất trong năm, với số lượng tiêu thụ lớn, giá bán cao và lợi nhuận nhiều nhất. Để có hoa, cây cảnh bán trong dịp tết, người dân phải tỉ mỉ, công phu từ khâu ươm giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là phải làm sao để cây có hoa, quả đẹp nhất vào đúng dịp tết. Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, ngoài những loại cây truyền thống, như: đào, quất cảnh, những năm gần đây, người dân xã Hợp Lý còn mạnh dạn đầu tư trồng thêm nhiều loại hoa đem lại giá trị kinh tế cao, như: ly, đồng tiền, cúc, dơn... Toàn xã Hợp Lý có hơn 700 hộ trồng hoa, cây cảnh, với diện tích khoảng 80 ha. Trong những năm qua, nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Hợp Lý đã mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ gia đình. Chỉ riêng 2 loại cây truyền thống là đào, quất, bình quân mỗi năm, toàn xã cung cấp cho thị trường khoảng hơn 50.000 cây. Hiện nay xã Hợp Lý đang tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh.

Thời điểm này, nhiều vườn cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai tại các xã Dân Lực (Triệu Sơn), Đông Cương, TP Thanh Hóa,... cũng tấp nập, nhộn nhịp cảnh người mua, người bán. Làng nghề hoa, cây cảnh Đông Cương, TP Thanh Hóa có khoảng hơn chục nhà vườn chuyên chăm sóc, ươm trồng, ký gửi các loại cây cảnh bonsai và cây cảnh nghệ thuật. Năm nay, nhiều khách hàng có nhu cầu chọn cây bonsai nhỏ, bonsai ghép tiểu cảnh trang trí với nhiều hình dáng, kích thước và ý nghĩa phù hợp với thị hiếu.

Nhờ kinh nghiệm lâu năm trong chăm sóc và ứng dụng kỹ thuật mới, các làng hoa, vùng trồng hoa luôn đáp ứng đủ cho nhu cầu người dân trong dịp tết. Ở một số địa phương đã xuất hiện mô hình trồng hoa lan công nghệ cao, hoa ly trong nhà kính, nhà lưới..., đạt doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm. Thời điểm này nhiều khách hàng ở các nơi đã về các nhà vườn lựa chọn đặt hàng. Trong đó, khách mua chủ yếu từ TP Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình... Về mức giá, dự kiến hoa lan sẽ dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/cây; lan thế, địa lan có giá từ 1,5 - 5 triệu đồng/chậu tùy chủng loại; hoa cúc khoảng 3.000 đồng/bông; hoa ly 35.000 đồng đến 40.000 đồng/cây.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nghe-trong-hoa-cay-canh-chuan-bi-vao-vu-tet/148572.htm