Nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định
Nói đến hoa đào Hà Nội phải nói đến Đào Nhật Tân, từ xưa đất Nhật Tân có cả đồng và bãi, trong đó bãi là chủ yếu. Sau năm 1998, người dân chuyển đổi ra ngoài bãi sông Hồng trồng đào đến nay diện tích trồng đào Nhật Tân với 70 ha, trong làng có khoảng 780 hộ dân với hơn 1.200 xã viên tham gia HTX gắn bó với nghề. Người dân nơi đây, lấy nghề trồng đào làm nghề chủ đạo nên làng đào Nhật Tân đã góp phần thay đổi một vùng quê, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong làng.
Quyết tâm bám trụ với nghề
Hoa đào Nhật Tân đã trở thành thương hiệu tự hào của Thủ đô. Người dân làng đào Nhật Tân có kỹ thuật trồng đào rất điêu luyện, từ việc ghép cành, sửa tán lá đào để có tác phẩm cây đào đẹp, ngoài ra họ còn có bí quyết để đào có thể nở đúng dịp Tết Nguyên đán dù thời tiết có thất thường. Chính vì vậy cứ vào dịp tết đến, xuân về Hà Nội lại phủ kín sắc đào ở các chợ, các không gian trưng bày hội chợ, triển lãm tạo nên một nét đẹp văn hóa chơi đào, ngắm đào của người dân Thủ đô.
Ở Nhật Tân có nhiều loại đào, trong đó có ba loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành. Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, không lai tạo, nguyên gốc từ xưa đến giờ vì vậy người trồng dễ dàng định ngày nở được bông hoa. Trong đào thế thì có dòng thế bon sai, là những cây nhỏ để ở bàn uống nước hoặc đặt trong các gia đình có diện tích nhỏ. Trái ngược với bon sai là dòng đào công sở, chủ yếu có hình tháp, gọi là đào tán thông. Những cây đào này thích hợp để ở những công ty lớn và những ngôi nhà có diện tích rộng. Đào cổ có hai dòng, một là tạo từ cây nhỏ nguyên bản trồng lớn lên, hai là lai ghép, khai thác gốc đào từ trên rừng về rồi cấy ghép giống đào ở vườn vào, khi các mắt ghép lớn thành cành thì bắt đầu uốn, tạo dáng như mong muốn. Trồng lai ghép nhanh đem lại lợi nhuận nhưng số vốn đầu tư mất nhiều hơn. Cây đào cổ và đào thế phải chăm bón rất kỳ công, đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, bấm tỉa làm sao cho đẹp mắt. Đối với đào cành thì có dòng đào tán tròn, tán to. Đặc biệt, đào cành bắt buộc phải ghép từ cây đào ta lên, qua hai năm mới thu được thành quả. Bông hoa đào ở Nhật Tân phải có trên 16 cánh, đường kính bông hoa rộng trên 2cm, mật độ nụ hoa và lộc đảm bảo đúng quy định của thương hiệu.
Năm 2005, hợp tác xã kết hợp với các ban, ngành của quận Tây Hồ cũng như của phường Nhật Tân tiến hành xây dựng thương hiệu hoa đào và năm 2007 đã được công nhận thương hiệu hoa đào Nhật Tân; năm 2013 được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm tin cậy. Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân Đỗ Đức Chiến cho biết: Hiện nay, hợp tác xã đang quản lý 90ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 70ha là đất trồng hoa đào với khoảng 780 hộ tham gia; diện tích còn lại trồng hoa màu khác. Đa số diện tích trồng đào tập trung khu vực bãi sông Hồng. Năm nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, song làng đào Nhật Tân với hàng trăm hộ dân vẫn nỗ lực bám trụ với nghề truyền thống. Đó không chỉ bởi đào là cây trồng dài ngày không dễ bỏ để chuyển sang trồng các loại cây mới mà còn bởi đó là làng nghề truyền thống gắn với nét đẹp văn hóa của địa phương. Nên dù khó khăn, người trồng đào vẫn tập trung tâm sức chăm bón với kỳ vọng có một cái Tết tươm tất, đủ đầy.
Khẳng định thương hiệu
Có thể nói, năm nay là một năm khó khăn không chỉ với người trồng cây cảnh nói chung và trồng đào nói riêng. Theo anh Đỗ Đức Chiến "Những ngày này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thuê nhân công đánh gốc, vào chậu, vận chuyển... đào gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi trả công 500 nghìn đồng/người/ngày nhưng vẫn khó thuê người". Vượt lên những khó khăn đó, với nỗ lực của người dân làng đào Nhật Tân bằng kỹ thuật trồng rất điêu luyện, từ việc ghép cành, sửa tán lá đào để có "tác phẩm" đẹp. Ngoài ra, họ còn có bí quyết để đào có thể nở đúng thời điểm dù thời tiết thất thường. Năm 2021, thời tiết khá thuận lợi nên đào sai nụ, bông to, thắm sắc...
Đối với giá đào, anh Chiến chia sẻ giá sẽ nhỉnh hơn các năm trước, đào cành cong có giá từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/cành; đào thế có giá từ 3 triệu đến 10 triệu đồng/gốc tùy kích cỡ... Với 4.000m2 trồng đào với hàng nghìn gốc đào cành, đào thế; anh đã xuất khoảng 100 cành đào cong và 15 cây thế loại to đi các tỉnh. Ước tính, nếu thuận lợi, vụ đào này, gia đình anh Chiến thu lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng. "Trước đây, người trồng đào thường tính toán để cây nở đúng dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu thị trường chơi đào trước Tết cao và các hộ trồng đào thường trồng quy mô lớn nên đều rải vụ nhằm thu hoạch ngay từ trước Tết Nguyên đán 1 tháng", anh Chiến nói. Hàng năm phường Nhật Tân sẽ cung cấp ra thị trường hàng vạn cây đào thế, đào cành; doanh thu bình quân từ trồng đào của cả phường đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. Nhờ vậy kinh tế các hộ gia đình làng đào cũng được bảo đảm khấm khá hơn trước đây rất nhiều.
Mới đây, lần đầu tiên phường Nhật Tân mang sản phẩm đào đi dự đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Ba sản phẩm: "Hoa đào thất thốn", "Cây đào thế" và "Cành đào tròn" của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân đều được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố đánh giá đạt 4 sao. Việc phát triển sản phẩm OCOP hoa đào Nhật Tân là sự khẳng định thương hiệu của làng trồng hoa đào truyền thống nổi tiếng của cả nước. Thương hiệu này tiếp tục hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân phát triển kinh tế, khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.