Nghề vá tiền rách làm ăn phát đạt ở Zimbabwe
Albert Marombe cầm tờ 1 đô la đã nhăn nhúm, rách nát. Một cách khéo léo và chuyên nghiệp, anh dán nó lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
“Tôi không quan tâm nó rách đến mức nào. Tất cả những gì tôi muốn thấy là số seri phải còn nhìn rõ ở cả 2 mặt” - Marombe nói.
Anh sẽ bán tờ 1 đô la này với giá 80 xu và nó sẽ được lưu hành trở lại. Nhiều cửa hàng có thể từ chối những tờ tiền được dán lại nhưng ở các khu chợ, người ta sẽ nhận nó.
Bị chuột cắn nát hay xé nát, tờ 1 đô la đang là vua ở Zimbabwe giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế diễn ra liên tiếp. Tờ 1 đô la thường được nhiều người sử dụng để mua bánh mỳ hằng ngày và các món đồ nhỏ khác. Những tờ 1 đô la mới sẽ không được phát hành ở Zimbabwe nữa, vì thế những người nhạy bén với thời cuộc đang mạnh dạn sửa lại chúng cho những khách hàng tuyệt vọng của họ.
Các doanh nghiệp chính thức từ chối loại tiền này, vì thế buộc người dân phải bán chúng cho những người như Marombe với giá trị nhỏ hơn giá trị thực. Các khu mua bán không chính thức trên đường phố thường sẽ chấp nhận chúng sau một hồi thương lượng.
Theo Quỹ Tiền tệ thế giới, việc mua bán tiền tệ không chính thức này đang bùng nổ ở Zimbabwe và thu hút 2/3 dân số nước này tham gia. Vì thế có rất nhiều tờ tiền cũ như thế này đang được lưu hành.
Đồng đô la Mỹ đã thống trị các giao dịch ở Zimbabwe kể từ khi siêu lạm phát ở nước này tăng vọt lên hơn 5 tỷ phần trăm và buộc Chính phủ phải từ bỏ đồng nội tệ vào năm 2009.
Năm ngoái, Chính phủ đã giới thiệu lại đồng tiền Zimbabwe và cấm sử dụng ngoại tệ cho các giao dịch địa phương. Tuy nhiên, rất ít người để tâm và thị trường chợ đen vẫn phát triển mạnh trong khi đồng nội tệ nhanh chóng mất giá. Tháng 3 năm nay, Chính phủ đã nới lỏng và bỏ lệnh cấm đồng đô la. Hiện nay, tình trạng thiếu tiền mệnh giá nhỏ đồng đô la đang là cơn ác mộng.
“Nếu người ta có một đồng đô la mệnh giá nhỏ, họ không muốn gửi nó vào ngân hàng. Họ muốn giữ nó cho riêng mình” - nhà kinh tế học John Robertson giải thích về việc các ngân hàng nói chung không trả cho chủ tài khoản bằng tiền mặt.
Các đồng mệnh giá lớn thì quá to với nhiều giao dịch mua bán. Những người sửa tiền như Marombe lấp đầy khoảng trống này bằng cách vá những tờ đô la bị rách ở nhiều mệnh giá, nhưng tờ 1 đô la vẫn là mệnh giá phổ biến nhất của họ.
“Tôi ở đây từ 6h sáng mỗi ngày và về nhà khi đã khá muộn. Việc làm ăn khá tốt. Tôi sống được” – Marombe chia sẻ.
Anh cho biết, anh mua những tờ 1 đô la rách với giá từ 40 đến 60 xu, phụ thuộc vào tình trạng của chúng. Sau đó anh bán đi với giá cao hơn.
Năm nay Marombe 38 tuổi, từng bán quần áo cũ cho tới cách đây 6 tháng khi anh nhìn thấy cơ hội kiếm tiền bằng cách vá những tờ đô la cũ và bán chúng kiếm lời. Anh kiếm đủ tiền để nuôi người vợ đang mang bầu cùng 2 đứa con.
Ở nhiều thành phố trên khắp đất nước Zimbabwe, những người buôn bán tiền cũ đứng thành hàng dài trên phố, cầm cả tiền địa phương lẫn tiền đô la mỹ. Tờ 1 đô la trong tình trạng tốt sẽ được trả thêm 10%. Người bán nói rằng họ mua những tờ tiền đẹp hơn từ các chủ cửa hàng bán lẻ, công nhân và những người bán hàng rong.
Chính phủ cho biết hành vi này là bất hợp pháp và cảnh sát đôi khi truy quét những người buôn bán tiền tệ, thu giữ những tờ đô la quý hiếm và phạt tiền họ.
Nhưng không có nhiều lựa chọn cho người mua sắm. Nếu họ mua hàng ở một siêu thị không thể cung cấp tiền lẻ khi trả lại, họ sẽ phải nhận phiếu mua hàng để sử dụng lần sau.
“Đôi khi họ hết phiếu giảm giá nên tôi phải lấy kẹo” - Innocent Chirume, một người mua hàng bên ngoài siêu thị ở thủ đô Harare cho hay. “Thật là bất tiện. Tôi không thể đi xe buýt vào thị trấn bằng phiếu giảm giá” - anh nói.
Các ngân hàng đang khuyến khích thanh toán điện tử để giải quyết vấn đề tiền lẻ “do đô la Mỹ không được sản xuất ở Zimbabwe và được nhập khẩu với chi phí cao” - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Zimbabwe, ông Ralph Watungwa cho biết.
Khách hàng có thể đổi những tờ tiền đã hỏng để lấy những tờ “có thể sử dụng được”, mặc dù “quy trình xuất những tờ tiền hỏng và nhập tiền mới là một quá trình lâu dài và tốn kém” đối với các ngân hàng, ông nói.
Sự thiếu hụt đồng đô la và việc thiếu niềm tin của người dân vào các ngân hàng đồng nghĩa với việc nhiều người cất trữ tiền mặt ở nhà. Đây là một lợi ích cho những người buôn bán tiền tệ như Marombe.
“Một khách hàng từng mang đến cho tôi 10 tờ mệnh giá 100 đô la. Anh ấy đang tiết kiệm tiền để mua ô tô nhưng lũ chuột đã ‘hỏi thăm’ trước” - Marombe cười khúc khích khi kể về một trường hợp mà anh đã làm. “Đó là ngày tôi kiếm được kha khá!”.
Đăng Dương(Theo AP)