Nghề xảm thuyền… 'thoi thóp'

'Con thuyền nằm ụ hơn một tháng rồi. Đang chờ xảm. Chủ thuyền yêu cầu xảm theo cách trước đây, nhưng bây giờ tìm đâu ra xơ, tơ tre và thợ xảm' - ông Nguyễn Hai, chủ trại đóng, sửa chữa tàu thuyền bên bờ sông Dinh (phường Phước Hội, thị xã La Gi), nói.

Nghề xảm thuyền…

Và, để tôi hiểu thêm thế nào là xảm, nghề xảm ông dẫn tôi ra nơi con thuyền nằm ụ. Ông Hai là thợ đóng thuyền chuyên nghiệp. Có hơn 40 năm tuổi nghề. Vào thời thịnh vượng của nghề, trại ông Hai từng đóng những con thuyền dài 30 thước, ngang 6 thước trong khoảng 5 - 6 tháng. Hiểu biết của ông về nghề đóng thuyền gỗ khá sâu. Ông nói: “Vì là thuyền gỗ nên dù ghép thế nào cũng có các khe ván rộng hẹp. Thuyền càng to, khe ván càng nhiều. Việc bít các khe rộng hẹp này để nước không vào người ta gọi là xảm”.

Cách đây hơn 40 năm, khi nguồn cung cấp gỗ đóng thuyền (gỗ be) còn phong phú, La Gi là một trong những trung tâm đóng thuyền của Bình Thuận. Lượng thuyền đặt đóng cả trăm chiếc mỗi năm, trong đó có khá nhiều chủ thuyền là người các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Đông Nam bộ, gần nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu. Thợ xảm theo đó đến trăm người hơn. Họ làm việc theo dạng hợp đồng ngắn hạn với các trại đóng thuyền. Riêng Phước Hội, có khoảng trên một chục thợ xảm có trên 10 - 15 năm tuổi nghề như: Ông Tưởng, Ngọt, Trình, Sáu Phê… Một thời gian khá dài, đến chục năm, để xảm thuyền, thợ xảm dùng sợi đai, tách ra từ một loại bao đựng gạo trọng lượng 100 kg gọi là bao tời, hay bao bố. Sau đó họ dùng chiếc búa cầm tay và chiếc đục lưỡi rộng đưa sợi đai vào khe hẹp của 2 tấm ván thuyền. Mỗi lần như vậy, họ đều dùng búa gõ trên cán đục, tạo nên một lực đẩy nhất định… cho đến lúc các khe hẹp đầy những sợi đai nén chặt. Công việc cuối cùng, dùng chai cục nấu dầu rái lỏng thành hỗn hợp sền sệt, trét lên bề mặt khe, tạo thành mặt phẳng, cũng như sau đó để nắng làm khô hỗn hợp đã trét. Song dần dà, người ta nhận thấy: Khi ra biển, thuyền bị sóng vặn, các sợi đai rất dễ bung ra khỏi các khe vì chất liệu này hút nước kém, trương nở ít. Thợ xảm chuyển sang dùng tơ tre lồ ô thay sợi đai bao tời. Để có tơ tre, người ta cưa tre thành từng ống dài rồi chôn trong bùn vài tháng, sau đó vớt lên dùng dao bén cạo thành xơ. Xơ tre đạp chân cho đến nhuyễn thành tơ. Tơ tre khi nén chặt trong khe ván thuyền, gặp nước càng trương nở. Ván thuyền (bị sóng vặn) hở đến đâu, tơ tre trương nở đến đó, bám rất chặt vào ván... tạo nên độ kín cần thiết. Một chiếc thuyền mới đóng, được xảm tơ tre kỷ, 7, 8 năm sau mới xảm lại, sơn lại (từ trong nghề gọi là “làm nước”) .

Nghề xảm thuyền bằng tơ tre ngày trước

Thế nhưng, 10 năm trở lại đây, nghề xảm thuyền bằng tơ tre đang dần biến mất. Nguyên nhân, tre rừng không còn nhiều. Một số cánh rừng: Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc còn tre, nhưng được ưu tiên cho nghề đũa tre xuất khẩu. “Ở La Gi, không còn mấy thợ xảm tơ tre. Nếu tìm được thợ, ngày công của họ rất cao, từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày”. Chưa nói là phải chờ dài ngày cho việc tìm, rồi làm ra nguyên liệu xảm”. Thay cho tơ tre, những cơ sở đóng, sửa thuyền La Gi mua bột đá, tơ ni-lon của Trung Quốc và keo composite làm nguyên liệu thay thế. Cách xảm cũng có sự thay đổi. Đầu tiên, người xảm dùng bột đá trộn keo composite thành hỗn hợp giống như nhựa đường, rồi quét lên khe hẹp, bề mặt 2 tấm ván. Tiếp theo, dùng tơ ni-lon phủ nhiều lần, nhiều lớp lên chỗ trét hỗn hợp composite và bột đá. Toàn bộ phần phủ tơ nilon được phơi trong nắng vài ngày, sau đó lại một lần trét hỗn hợp nữa, là xong. “Có gì bảo đảm cách xảm mới tốt, hoặc ngang bằng với cách xảm tơ tre?”, tôi hỏi. Ông Hai suy nghĩ một lúc lâu, nói: “Chưa có nghiên cứu nào cho việc này. Nhưng tôi luôn là người ủng hộ lối xảm tơ tre”. Rồi ông nói thêm: “Trước đây, muốn học nghề xảm, người ta phải mất nhiều tháng theo “thầy” để học cách nén tơ tre vào các khe hẹp sao cho vừa khéo vừa không hao tơ, sau đó là học cách nhìn thuyền tính ra ngày công xảm, số lượng tơ tre cần dùng. Sau hết là học cách nấu dầu rái trộn chai cục sao cho “sền sệt” để khi trét lên thuyền đạt độ bám dính cần có. Bây giờ với cách xảm mới, người xảm không tốn nhiều công thực hành, cũng như không mất nhiều công chế ra nguyên liệu”.

Những ngày trong tháng 11 này, tôi thường la cà ở vài trại đóng thuyền còn lại ở La Gi, với hy vọng may ra tìm được một thợ xảm tơ tre, nhưng quả thật khó. Có thể nào nghề xảm bằng tơ tre sắp trở thành ký ức!?

Hà Thanh Tú

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/nghe-xam-thuyen%E2%80%A6-thoi-thop-132965.html