Nghề Y vất vả tứ bề...

Học hàm đã cao, thời gian kéo dài, ngành học khó, tuyển chọn cao... không chỉ ở trong trường, các bác sỹ, cán bộ y tế còn phải 'ra khơi' với bao gian nan, 'sai một li, đi một dặm' đó là những đặc tính khắt khe của nghề Y. Những khó khăn chưa bao giờ hết...

Căng thẳng

Câu chuyện đầy xúc động vừa diễn ra vào rạng sáng ngày 26/2/2023 tại khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy giữa đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Việt Đức.

Một bệnh nhân (sinh năm 1988, ngụ An Giang) được mẹ quyết định hiến tặng các tạng còn chức năng hoạt động của mình để cứu người. Ekip bác sỹ đã lập tức "kích hoạt" tuân thủ và cẩn thận áp dụng đầy đủ các quy trình chẩn đoán chết não. Kiểm tra tình trạng của bệnh nhân, liên lạc với bệnh viện Việt Đức để chuyển tim, tiếp nhận 2 thận, 2 giác mạc và da của người hiến, đồng thời phối hợp hỗ trợ để bệnh nhân suy tim có thể kịp thực hiện được phản ứng chéo, tiếp nhận và vận chuyển quả tim để ghép tại bệnh viện Việt Đức.

Do bệnh nhân được chỉ định ghép tim ở bệnh viện Việt Đức đang ở xa, việc ekip ghép tạng phải chờ đợi đến lúc bệnh nhân có mặt ở Bệnh viện để lấy máu xét nghiệm phản ứng chéo có thể làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận các tạng hiến. Do đó, các bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy đã nhanh chóng quyết định trực tiếp đưa máu của người hiến ra bệnh viện Việt Đức để thực hiện kỹ thuật này.

Lần đầu tiên trong lịch sử ghép tạng, bác sỹ mang mẫu máu của người hiến ra Hà Nội để thực hiện phản ứng chéo. Cũng cùng thời điểm này, ekip ghép tạng của bệnh viện Việt Đức cũng lên máy bay vào TPHCM ngay trong đêm để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và vận chuyển "trái tim" về Hà Nội.

Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy trong ca tiếp nhận hiến tạng "lịch sử" 26/2/2023. Ảnh: BV.

Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy trong ca tiếp nhận hiến tạng "lịch sử" 26/2/2023. Ảnh: BV.

Liên tục theo dõi tình tình hình, thực hiện nhận tạng, "vận chuyển trái tim" trên chuyến bay làm sao được an toàn, khỏe mạnh nhất. 2 ca ghép thận, cấy da còn lại cũng đã được hoàn thành cho các bệnh nhân trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Các bác sỹ thở phào nhẹ nhõm, có lẽ chỉ một sơ xuất nhỏ, một quyết định không kịp thời... thì tất cả các khâu cũng sẽ không thể diễn ra tốt đẹp như vậy.

Tất cả vì người bệnh

Đối diện với hàng loạt tình huống bất cập của ngành Y tế trong tình hình hiện tại, những "cơn bão" khó khăn liên tục đổ về trong quá trình khám chữa bệnh vì thiếu trang thiết bị y tế, thuốc men, đau lòng khi không thể giúp bệnh nhân vì vướng cơ chế, bất lực nhìn bệnh nhân chịu nhiều thiệt thòi … chúng ta không khỏi đau lòng khi nhận thấy đây là những vấn đề mà đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế ở các bệnh viện hiện nay phải đối mặt.

Căng thẳng, mệt mỏi, khổ đau, dằn vặt, trách nhiệm, lương tâm,... tất cả như một ma trận bủa vây mà nếu không có quyết tâm, không thể giữ lửa mãi với nghề. Chưa kể, thu nhập, phụ cấp hiện nay ở mức quá thấp khiến cán bộ, nhân viên y tế không muốn gắn bó với nghề, phụ cấp thấp cũng là một trong những lý do khiến cán bộ, nhân viên y tế không muốn gắn bó với nghề, không nhiệt tình với công việc. Bên cạnh đó, tiền lương thấp, không tuyển được nhân sự có chất lượng ở nhiều cơ sở y tế trên cả nước; tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, vật phẩm y tế diễn ra khắp nơi...

Vì tất cả những lý do đó, cần lắm những quyết tâm vượt mọi gian nan để làm bất cứ việc gì có thể cho bệnh nhân, đó là lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ ngành Y.

Nghề Y - Nghề "đòi hỏi" cao

Đọc lại lời thề Hippocrates, những dấu tích tuyệt vời đã ghi chép đủ những trách nhiệm cao cả của người thầy thuốc. Ở thời nào cũng vậy, chǎm sóc sức khỏe cho mọi người được coi là nghề cao quý bậc nhất, nhưng cũng gian nan nhất. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời thề hứa của lương tâm và trách nhiệm.

Là bác sỹ, cán bộ y tế, mỗi người được mời gọi phải có tinh thần nghiêm túc thực hiện các quy chế chuyên môn. Càng không được xử lý công việc theo kiểu cá nhân, vụ lợi hay phân biệt đối xử với bệnh nhân. Với những bất cập hiện nay, một phần cũng do một bộ phận xấu các thành phần trục lợi trong công tác quản lý, điều hành, giải quyết các vấn đề y tế của toàn xã hội.

Có thể nói, không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, mỗi cán bộ y tế còn được đòi hỏi phải tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh. Trân trọng và gìn giữ những giá trị, những công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để có thể trở thành hữu ích cho cộng đồng xã hội.

Có lẽ, chẳng có nghề nào "đòi hỏi" nhiều phẩm chất cao quý như vậy, và cũng chính vì thế, các bác sỹ, y tá, thầy thuốc... luôn là những tấm gương sáng trong xã hội. Là những người đáng quý, đáng trân trọng và cần được bảo vệ của toàn xã hội. Mỗi bác sỹ giống như một thiên sứ, được phái đến cứu giúp nhân loại. Họ xứng đáng là những người bạn của nhân dân, tất cả vì cuộc sống bình an, khỏe mạnh của mỗi con người.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin chúc các bác sỹ sẽ luôn giữ được ngọn lửa yêu nghề trong trái tim, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trong thời điểm ngành y tế gặp quá nhiều khó khăn và vướng mắc, cả nước cần phải chung tay và cùng nhau hiến kế, trao đổi, hỗ trợ nỗ lực triển khai các hoạt động, sáng kiến để giúp ngành Y chạy đua với thời gian, vượt qua những khó khăn, trở ngại trước mắt. Từ đó, có thể tận dụng mọi cơ hội, dù là nhỏ nhoi, tiếp tục xây dựng Y đức, giữ mãi nhiệt huyết, tài năng để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

Tuyết Trinh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nghe-y-vat-va-tu-be-179230227073817357.htm