Nghề 'yểm trợ' của nhà văn Kinh Bắc
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ vinh danh nhà văn Vũ Từ Trang với cuốn tiểu thuyết 'Và khép rồi lại mở'. Ông là cái tên quen thuộc của làng văn, ở cả hai mảng, thi ca và văn xuôi, ngoài tiểu thuyết, Vũ Từ Trang còn được đánh giá là người viết chân dung văn học ghi dấu ấn đặc biệt. Nhưng ít độc giả biết rằng, Vũ Từ Trang từng có thời gian gác bút để mở doanh nghiệp, ông cũng thành công ở vai trò doanh nhân.
Vũ Từ Trang tên thật là Vũ Công Đình, quê ở Trang Liệt, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc nhưng khi học xong khóa 6 Trường bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Vũ Từ Trang dứt nghề được đào tạo bài bản để sống chết với chữ nghĩa. Vũ Từ Trang không chỉ viết văn mà còn viết báo. Ông từng là phóng viên của tờ Tiểu Công Nghiệp Thủ Công Nghiệp rồi báo Doanh Nghiệp. Rồi, bỗng Vũ Từ Trang gác bút, chuyển sang làm kinh tế. Hóa ra, thời ấy “cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Cuộc sống quá khó khăn buộc nhà văn phải tạm ngưng đam mê để chèo chống gia đình, gồm vợ và ba con. Đó là khoảng những năm 1991-1992.
Khác với người ta, đã lao vào làm kinh tế, phải đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu. Vũ Từ Trang không thế, ông không kiếm tiền bằng mọi giá. Ngay việc lựa ngành nghề kinh doanh cũng được nhà văn, nhà báo tính kỹ. Ông chọn kinh doanh đồ gỗ, cụ thể hơn, đồ gỗ giả cổ, bởi Đồng Kỵ (Bắc Ninh) quê hương ông vốn là nơi sản sinh nghề làm đồ gỗ giả cổ. Ông cũng có nhiều câu thơ hay về nghề mộc quê mình: “Hàng trăm năm rồi quê tôi vẫn thế/Vẫn những người dân trần lưng làm thợ/Đục đục bào bào dựng lên chiếc ghế/Bao nhiêu chiếc ghế lại vào cung vua/Bao nhiêu hiểm họa lại nhiều hơn xưa”. Thời làm báo Tiểu Công Nghiệp Thủ Công Nghiệp, Vũ Từ Trang được giao phụ trách mảng làng nghề, ông có dịp đến nhiều miền quê của đất nước, thăm và tìm hiểu các làng nghề Việt. Ông là tác giả của những công trình nghiên cứu văn hóa có giá trị như “Nghề đẹp tỉnh Bắc”, “Nghề cổ nước Việt”, “Nghề cổ đất Việt”, “Hoa tay đất Việt”, “Nghề cổ đất Việt từ truyền thống đến hiện đại”. Vũ Từ Trang mong muốn, thông qua việc kinh doanh để giới thiệu làng nghề của quê mình cho khách hàng trong và ngoài nước. Trên thực tế, doanh nghiệp do Vũ Từ Trang làm chủ từng xuất khẩu đồ gỗ giả cổ của Đồng Kỵ sang Mỹ và một số nước khác. Ông lấy tên quê hương làm tên doanh nghiệp, Công ty TNHH mỹ nghệ Bắc Hà. Bắc Hà chính là Hà Bắc (tỉnh cũ, hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) .
Từ khi mở doanh nghiệp, vợ con của nhà văn đều có việc làm. Thời vàng son của doanh nghiệp Bắc Hà khoảng những năm 1993-1994. Hiếm nhà văn, nhà thơ nào vừa ghi dấu trong tác phẩm lại vừa gặt hái thành công trên thương trường như Vũ Từ Trang. Ở nơi mồ hôi, nước mắt, nụ cười quyện hòa như chốn thương trường, Vũ Từ Trang không thể mang tâm thế của nhà văn, nhà thơ ra đối chọi. Ông cũng tỉnh táo như bất cứ doanh nhân nào và dốc toàn tâm sức cho công việc. Bẵng đi vài năm trời, làng văn mất dấu Vũ Từ Trang là thế. Ban đầu ông chỉ dám mở một cửa hàng nho nhỏ ở phố Trần Bình Trọng, sau chuyển về phố Nguyễn Du, rồi ông tậu được cơ ngơi khang trang ở phố Bạch Mai vừa kinh doanh, vừa làm trụ sở công ty, vừa có chỗ tiếp đón bạn văn chương. Khi doanh nghiệp đứng vững, Vũ Từ Trang mới quay lại với đam mê muôn thuở, viết văn, làm thơ. Nhà thơ Thanh Tùng , tác giả “Thời hoa đỏ”, mỗi dịp từ Nam ra Bắc, có khi ở nhà Vũ Từ Trang cả tháng trời.
Đồ gỗ giả cổ của Vũ Từ Trang “đắt xắt ra miếng”, được nhiều “thượng đế” sành chơi đánh giá đẹp và tinh xảo. Cũng là lẽ đương nhiên, bởi ông chủ vốn am hiểu về làng nghề lại mang tâm hồn nghệ sỹ. Với bạn văn chương, Vũ Từ Trang chưa bao giờ đặt mình ở vị trí chủ doanh nghiệp. Ông không tính toán với người “mắc duyên bút mực” . Bạn văn nào yêu đồ gỗ giả cổ cứ gõ cửa doanh nghiệp Bắc Hà, ông hồ hởi đón tiếp, vừa bán, vừa cho. Từ khi mở doanh nghiệp, Vũ Từ Trang không những thoát nghèo mà còn có tiền tậu ô tô. Ông dành riêng một chiếc phục vụ bạn văn đi đây đó. Các nhà văn còn đến trụ sở của Vũ Từ Trang để xin véc-ni, giấy nhám về đánh lại đồ gỗ cũ. Sau này, khi Vũ Từ Trang mắc bệnh hiểm nghèo, bạn văn đến thăm, đưa phong bì, ông kiên quyết không nhận. Tuy mắc trọng bệnh song việc kinh doanh đồ gỗ giả cổ suốt gần 30 năm đã giúp ông có nền tảng kinh tế khá vững chắc đủ để tự lo cho mình. Vũ Từ Trang không muốn phiền bạn bè, chỉ cần bạn bè đến thăm đã là quí. Năm 2019, ông quyết định ngừng kinh doanh, để tập trung chữa bệnh. Các con ông không nối nghiệp cha, một mặt vì họ đều đã có công ăn việc làm ổn định, mặt khác, con trai cả của ông cũng chia sẻ: “Muốn kinh doanh đồ gỗ giả cổ phải am hiểu và đam mê. Chúng tôi không làm được như cha mình”.
Tôi đến ngôi nhà từng là trụ sở công ty Bắc Hà, trên phố Bạch Mai (Hà Nội), thắp nén nhang cho Vũ Từ Trang. Ông đã về bên kia thế giới hơn hai tháng nay. Ở nhà ông, những món đồ giả cổ vẫn bày khắp nơi. Nhưng bước vào phòng văn của Vũ Từ Trang, thế giới đồ gỗ giả cổ đứng lại bên ngoài, nhường chỗ cho sách, bút. Bên bàn thờ Vũ Từ Trang là tấm bảng in tất cả những bìa sách đã xuất bản của tác giả. Vợ ông bảo, gia đình vẫn còn một ngôi nhà ở Kinh Bắc, nơi đó phòng văn của Vũ Từ Trang lớn hơn nhiều. Vũ Từ Trang nặng lòng với Kinh Bắc. Từ nghề viết đến kinh doanh, ông đều bắt đầu bằng cảm hứng quê nhà. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết sắp được vinh danh của Vũ Từ Trang không phải một con người bằng xương thịt mà là một cái làng ở Kinh Bắc nơi chứa bao kiếp đời trầm luân. “Và khép rồi lại mở” được ông viết trong những ngày tháng giành giật với sự sống.
Với bạn văn chương, Vũ Từ Trang chưa bao giờ đặt mình ở vị trí chủ doanh nghiệp. Ông không tính toán với người “mắc duyên bút mực”. Bạn văn nào yêu đồ gỗ giả cổ cứ gõ cửa doanh nghiệp Bắc Hà, ông hồ hởi đón tiếp, vừa bán, vừa cho.
Ông đã về bên kia thế giới hơn hai tháng nay. Ở nhà ông, những món đồ giả cổ vẫn bày khắp nơi. Nhưng bước vào phòng văn của Vũ Từ Trang, thế giới đồ gỗ giả cổ đứng lại bên ngoài, nhường chỗ cho sách, bút.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nghe-yem-tro-cua-nha-van-kinh-bac-1734205.tpo