Nghẹn lòng chuyện những người 'trốn Tết' xa nhà kiếm cơm

'Quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào vui hơn Tết đoàn viên'. Dường như đến thời khắc này, ai cũng đang mong ngóng từng ngày, từng giờ để được về đoàn tụ, ăn Tết cùng với gia đình. Ấy thế mà có những người lại hững hờ với Tết đến lạ...

Tôi là hành khách tình cờ của chú Thuận - tài xế xe ôm ở Hà Nội. Tôi trả chú 50 ngàn đồng để chú chở tôi từ bến xe Mỹ Đình về ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Và trên cung đường ngắn ngủi ấy, chúng tôi đã trò chuyện cùng nhau.

Chú Thuận sẽ ở lại Hà Nội để làm việc xuyên Tết.

Chú Thuận sẽ ở lại Hà Nội để làm việc xuyên Tết.

Chiếc xe của chú Thuận đã khá tàn, vỏ yếm vỡ lởm chởm, đèn xi nhan chỉ còn một bên. Nó khác xa với xe của những tài xế chuyên nghiệp. Vành xe hình như lại bị đảo, khiến cho tôi cảm thấy chung chiêng khi ngồi ở phía sau. Mỗi khi chú Thuận vít ga, chiếc xe lại “run” lên bần bật. Đi được vài chục mét, tôi định xuống, nhưng rồi lại thôi. Hình như đoán biết tôi đang nghĩ gì, chú Thuận bỗng buột miệng “Xe này qua tháng chú đổi. Nó nát rồi, không sửa được nữa, chỉ đi tạm thôi. Yên tâm, chú đi từ từ, không ngã đâu mà sợ”.

Chú Thuận nói giọng miền Nam nhưng lại giới thiệu mình ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Theo lời chú kể, chú mới đi làm xe ôm được hơn một tháng nay. Trước đây chú làm bảo vệ, nhưng rồi lương ít quá, không đủ sống nên quyết định bỏ việc, xách xe ra ngoài đường chạy thử. Tháng đầu tiên kiếm được hơn 7 triệu rưỡi, nên chú quyết định sẽ làm xe ôm luôn.

Lý giải về việc nói đặc giọng miền Nam, chú Thuận phân trần: “Mình có mấy chục năm sống trong TP. Hồ Chí Minh, chỉ mới về Bắc được hơn một năm nay nên chưa đổi được giọng. Thật ra không muốn về Bắc, chỉ vì bố mẹ thúc ép, vì chữ hiếu nên mới về. Bố mình 75 tuổi, mẹ 70, các em mình đều có gia đình, con cái đã lớn, ở gần bố mẹ nhưng bố mẹ vẫn bắt mình về bởi mình vai con trai trưởng trong gia đình”.

Chú Thuận năm nay 49 tuổi, chưa lấy vợ. Trước đây, trong Nam, chú Thuận mở xưởng may nhưng rồi thất bại, phá sản, từ ông chủ chú đi làm công nhân để trả nợ. Năm tháng đi qua, vụt cái, chú đã chạm tay tới tuổi 50. Giờ đây khi chuyển ra Hà Nội mưu sinh, chú thuê căn phòng trọ tại Mễ Trì Hạ, giá phòng 1 triệu, cả tiền điện nước, mỗi tháng trung bình tất cả hết khoảng 1 triệu 2 trăm ngàn đồng- bằng một phần ba tháng lương bảo vệ trước đó của chú. Số tiền còn lại cũng chỉ đủ cho chú giật gấu vá vai, tằn tiện sống qua ngày. Với thu nhập ấy, chú chẳng có thể giúp gì được cho bố mẹ, vì vậy Tết năm nay chú không về nhà, quyết định ở lại làm việc xuyên Tết.

“Không có Tiền, không về được đâu cháu ơi. Năm ngoái, mùng 1 Tết, chú hết 3 triệu tiền mừng tuổi. Năm nay không có tiền, đâu dám về. Tết ai chả nhớ nhà, nhưng cũng cần phải thực tế. Miền Bắc mình, Tết là lễ, là nghĩa, là quà cáp… không có tiền sao có được một cái Tết an vui…”.

Rồi chú Thuận bảo: “Những năm trước, trong Nam, Tết chú cũng nhớ nhà nhưng không lo như khi về Bắc. Trong đó, ngày Tết, anh em xóm trọ quây quần vài ba chai bia với đĩa mồi cũng xong. Cũng không ai để ý nhà này thế này, nhà kia thế nọ. Miền Bắc thì khác, Tết phải đủ đầy hơn, tươm tất hơn, lễ nghi hơn, vì vậy cũng phải chi tiêu nhiều hơn, tốn kém hơn. Nên năm nay, chú không có tiền, chú trốn Tết. Đợi qua Tết thì ghé về, như thế tốt hơn. Chú tranh thủ cày mấy ngày Tết, gom góp tiền đổi con xe đàng hoàng hơn để làm nghề, rồi dành dụm chút ít, qua Tết về biếu bố mẹ gọi là. Thôi thì, có nhiều biếu nhiều, có ít biếu ít. Bố mẹ chú già rồi, cũng chẳng cần tiền của chú, chỉ mong chú sớm lập gia đình. Nhưng nói thật, ngần này tuổi rồi, lại không có công việc ổn định, ai về ở với mình hả cháu. Thôi chấp nhận sống độc thân, sống tạm nơi đất khách vậy”.

Đưa tôi về điểm đến, chú Thuận nhận tiền, chào tôi rồi hòa mình vào dòng người, xe hối hả. Câu chuyện của chú làm tôi suy nghĩ mãi về những người lao động đang hằng ngày, hằng giờ phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh ngoài kia - trên những con đường tấp nập người, xe qua lại. Thật ra, đến giờ phút cuối năm này, họ cũng ao ước được về nhà, được đoàn tụ với gia đình, người thân, nhưng gánh nặng mưu sinh lại kéo họ ở lại. Và họ chấp nhận trở thành những người trốn Tết, không có Tết.

Theo Lâm Tới/Cuocsongantoan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nghen-long-chuyen-nhung-nguoi-tron-tet-xa-nha-kiem-com-1333759.html