Nghẹn ngào nghe hành trình 'tìm con' của nữ công nhân và chàng trai tật nguyền
'Em không dám thể hiện khao khát làm mẹ vì sợ chồng bị tổn thương và gây áp lực cho chồng nhưng em cũng luôn hy vọng sẽ có một phép màu đến với hai vợ chồng em' - chị Nga chia sẻ.
Câu chuyện về hành trình "tìm con" của gia đình chị Trần Thị Nga (sinh năm 1990) và anh Vũ Văn Khải (sinh năm 1982) ở huyện Gia Viễn, Ninh Bình được chia sẻ tại buổi công bố hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức vừa qua, khiến nhiều người trong khán phòng xúc động và không giấu nổi nước mắt.
Theo lời chị Nga chia sẻ, tai nạn giao thông ập đến vào năm 2002 đã khiến anh Khải bị liệt do gãy ba đốt sống lưng, phải ngồi xe lăn và ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng cũng khép lại. Mọi dự định đều dang dở, chính bản thân anh Khải cũng không dám mơ về một gia đình nhỏ của riêng mình, nhưng duyên phận đã đưa chị Nga đến bên cạnh anh. Hiểu rõ tình cảnh của anh nhưng chị Nga vẫn yêu thương và chấp nhận lấy anh.
Cả hai quen nhau suốt 10 năm và vừa kết hôn cuối năm 2019 dù gia đình chị Nga một mực ngăn cản. "Bố em không nhìn mặt em nữa khi em quyết định đăng ký kết hôn với anh Khải. Nhưng em vẫn hy vọng một ngày bố sẽ hiểu cho em và chấp nhận vợ chồng em, khi bố nhìn thấy những điều tốt đẹp mà chúng em đã dành cho nhau trong cuộc đời này" - chị Nga nghẹn ngào kể.
Là một người phụ nữ, chị Nga cũng khao khát làm mẹ nhưng khi quyết định kết hôn với anh Khải, biết chồng không có khả năng có con tự nhiên, chị vẫn chấp nhận. Sau kết hôn, dù không dám thể hiện khao khát làm mẹ vì sợ chồng bị tổn thương và gây áp lực cho chồng, nhưng chị Nga vẫn luôn hy vọng sẽ có một phép màu đến với hai vợ chồng… để trọn vẹn ước mơ hạnh phúc gia đình.
Chị Nga hiện làm công nhân nhà máy, đồng thời gánh trọng trách phụng dưỡng bố mẹ chồng và vẫn khao khát vợ chồng sẽ có được một mụn con. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của anh Khải phải thực hiện thủ thuật lấy mô tinh hoàn tìm tinh trùng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
May mắn vợ chồng chị Nga là một trong 10 trường hợp đặc biệt được nhận quyết định hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ vàng Ươm mầm hạnh phúc 2020 với chủ đề "Hạnh phúc sẻ chia" của Bệnh viện.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Bệnh viện triển khai chương trình. Sự hỗ trợ này đã đem đến cho các gia đình một tia hy vọng mới trong hành trình chữa trị vô sinh – hiếm muộn cũng là hành trình hiện thực hóa ước mơ làm cha, làm mẹ mà họ đã khắc khoải đợi chờ từ rất lâu.
Toàn bộ 10 trường hợp được chọn sẽ được Bệnh viện hỗ trợ miễn phí 100% chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tùy theo từng trường hợp, chi phí cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm có thể dao động từ 70- 100 triệu đồng bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi….
Bên cạnh đó, Bệnh viện sẽ hoàn tiền khám, xét nghiệm trước đó mà các gia đình đã thực hiện để hoàn thiện hồ sơ. Riêng các chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt cá nhân cũng như những chi phí phát sinh không nằm trong quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh nhân sẽ tự thanh toán theo quy định.
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho đến nay, thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn là một phần hỗ trợ quan trọng trong chương trình Tuần lễ vàng của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện với kinh nghiệm chuyên môn cùng sự trợ giúp của những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại sẽ nỗ lực hết mình để giúp các gia đình, bệnh nhân hiếm muộn khó khăn sớm được làm cha, làm mẹ. Bởi rất nhiều những hoàn cảnh bệnh nhân đã phải chờ đợi 5 năm, thậm chí 10, 15 năm và chịu không ít áp lực từ phía gia đình, xã hội nhưng vẫn kiên trì nuôi hy vọng "tìm con" và được đón con chào đời khỏe mạnh...