Nghẹn ngào nhớ nhạc sĩ Phú Quang - 'Mới thôi... mà đã một đời'
Tròn một năm ngày nhạc sĩ Phú Quang rời xa cõi tạm, đêm nhạc 'Phú Quang - Mới thôi... mà đã một đời' mang đến những điều giản dị nhưng cũng vô cùng sâu sắc về người nhạc sĩ tài hoa của Hà Nội.
Tối 8/12, âm nhạc Phú Quang đã một lần nữa trở lại với công chúng Thủ đô. Đêm nhạc được xây dựng công phu, quy mô lớn với sự góp mặt của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, ca sĩ Tùng Dương, Ngọc Anh, nghệ sĩ piano Trinh Hương, nghệ sĩ flute Lê Thư Hương.
Diễn ra trong một ngày mùa đông Hà Nội nhưng đêm nhạc "Mới thôi... mà đã một đời" thật ấm áp, gần gũi, giản dị, đầy ắp tình yêu thương của những người thân yêu, tri kỷ dành cho người nhạc sĩ tài hoa của Hà Nội. Vẫn tại thánh đường Nhà hát Lớn quen thuộc như các đêm nhạc Phú Quang khi nhạc sĩ còn sống và tự tổ chức, dù khán phòng nay vắng hình ảnh Phú Quang nhưng khán giả vẫn cảm nhận được sự hiện diện của ông qua những tác phẩm khí nhạc, ca khúc trữ tình, qua những câu chuyện, kỷ niệm mà những tri kỷ trong âm nhạc, đời sống của ông kể lại.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang có một tâm nguyện thực hiện một đêm nhạc đồ sộ với dàn nhạc giao hưởng. Thế nhưng khi tâm nguyện chưa thành, người nhạc sĩ đã vội vàng ra đi. Vì thế trong đêm nhạc "Mới thôi... mà đã một đời", gần 100 nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam với sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji đã biểu diễn các tác phẩm khí nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang. Nhạc trưởng Honna Tetsuji gây xúc động khi tiết lộ trong đêm nhạc này, ông chỉ huy dàn nhạc bằng chính cây đũa chỉ huy mà nhạc sĩ Phú Quang đã tặng cho ông.
Nhạc sĩ Phú Quang đã từng nói: “Tất cả âm nhạc của tôi đều rút ra từ chính cuộc đời tôi. Một đời sống mà tất cả buồn vui đều xảy ra đến tận cùng. Mà có lẽ bởi thế, nó cũng buộc người nghe nó phải cảm nhận đến tận cùng”. Quả thực, khán giả đã có dịp cảm nhận đến tận cùng những tâm tư ấy của nhạc sĩ Phú Quang qua những giai điệu đã trở thành kinh điển như "Tình yêu của biển" - từng được dùng làm nhạc hiệu của nhiều chương trình văn nghệ trên Đài Tiếng nói Việt Nam hay "Bao giờ cho đến tháng Mười" trong bộ phim cùng tên của NSND Đặng Nhật Minh.
Ở tuổi hơn 80, NSND Đặng Nhật Minh không khỏi bồi hồi, xúc động khi nghe lại những giai điệu và xem những hình ảnh được trích lại từ bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười": “Tôi rất cảm động, dù cho mình đã từng xem bộ phim này nhiều lần. Nhạc sĩ Phú Quang thực sự đã viết lên những giai điệu tuyệt đẹp cho bộ phim".
Theo NSND Đặng Nhật Minh, khi ông mời nhạc sĩ Phú Quang làm nhạc, nhạc sĩ còn rất trẻ và vừa tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam. Tình bạn giữa ông và nhạc sĩ Phú Quang bắt đầu từ đó và dần trở nên vô cùng đặc biệt. Từ một căn phòng nhỏ hẹp trên phố Khâm Thiên, hai người nghệ sĩ đã cùng nhau tạo nên một tiếng lòng chung, để mang đến cho khán giả những thước phim, những giai điệu bất hủ.
Là một người có rất nhiều nỗi nhớ, Phú Quang cho rằng nỗi nhớ của mình có thể ghi lại bằng hình ảnh một cách rõ nét. Một trong những nỗi nhớ ấy đến từ căn nhà trên phố Khâm Thiên, nơi mà có cả một mùa đông Hà Nội bị đánh bom, rất nhiều người thân, bạn bè của nhạc sĩ đã ra đi. Tâm tư trong những ngày tháng ấy được ông gửi gắm qua tác phẩm "Ngoảnh lại", lần đầu tiên được tái hiện trên sân khấu với dàn nhạc giao hưởng.
Còn tác phẩm "Ngày xa" được thể hiện bởi nghệ sĩ piano Trinh Hương - con gái nhạc sĩ đã khiến khán giả không khỏi xúc động. Bởi đó là tác phẩm nhạc sĩ Phú Quang viết tặng con gái ngày du học xa, giờ lại trở thành tiếng lòng con gái gửi bố nơi phương xa. Nghệ sĩ Trinh Hương không nén được xúc động, nghẹn ngào, rơi nước mắt khi tìm về miền ký ức với người cha thân yêu: "Tôi vẫn nhớ khi mình 14 tuổi, rời gia đình đi du học, bố tiễn ra sân bay, tôi nhìn theo mà khóc như mưa. Hôm nay, khi chơi lại tác phẩm này thì ông lại không còn nữa…".
Có lẽ người yêu nhạc Phú Quang hiểu rằng âm nhạc của ông thực sự không quá kén người hát, nhưng không phải ca sĩ nào cũng thành công để mở được cánh cửa vào “miền ký ức” mà người nhạc sĩ đã tạo nên. Hát nhạc Phú Quang đòi hỏi ca sĩ hát như kể chuyện, tâm tình, trải lòng mình ra. Nhạc sĩ Phú Quang luôn chia sẻ rằng ông muốn ca sĩ hát nhạc của ông đúng như những gì ông viết, không biến tấu, không luyến láy nhiều hay làm quá nó. Giản dị chính là điều mà ông muốn ở người nghệ sĩ khi hát nhạc của mình.
Ca sĩ Tùng Dương, một trong những người được Phú Quang lựa chọn, gửi gắm tác phẩm của mình, chia sẻ lúc sinh thời, nhạc sĩ nhiều lần dặn dò anh "đừng lên đồng nhiều" khi hát nhạc của ông. Vì thế trong đêm nhạc, khán giả được thấy một Tùng Dương tinh tế, giản dị, tiết chế rất nhiều khi hát những ca khúc như "Em ơi Hà Nội phố", "Mẹ", "Ngọn nến" (song ca cùng Ngọc Anh), thậm chí cả với ca khúc "Chiều Phủ Tây Hồ", Tùng Dương "lên đồng" nhưng vẫn rất nghe lời nhạc sĩ Phú Quang.
Với ca sĩ Tùng Dương, anh luôn dành một sự ngưỡng mộ đặc biệt cho người nhạc sĩ tài hoa của Hà Nội: “Có thể ông không còn nữa nhưng âm nhạc của ông mãi mang giá trị trong lòng mỗi thế hệ chúng ta. Những giai điệu ông đã viết, những vần thơ ông đã chắp cánh với âm nhạc đã trở thành những bài hát bất hủ cùng thời gian".
Đặc biệt, trong đêm nhạc, Tùng Dương đã thể hiện ca khúc chưa công bố của nhạc sĩ Phú Quang là "Mai đành xa sông Thương". Do chỉ có thời gian 1 ngày tập trước đêm nhạc lại không muốn nhìn màn hình nhắc lời nên phần đầu Tùng Dương có quên lời. Nhưng với bản lĩnh sân khấu vững vàng, nam ca sĩ đã xử lý khéo léo, xin lỗi khán giả và tiếp tục ca khúc.
Là tri kỷ trong âm nhạc cũng như trong đời sống của nhạc sĩ Phú Quang, nhà thơ Thái Thăng Long khẳng định: “Phú Quang là một nhạc sĩ tài hoa, nhìn bài thơ ra bản nhạc. Tôi cho rằng đó là tài năng của Phú Quang, không phải nhạc sĩ nào cũng làm được. Đó là sự tài hoa chứ không đến từ sự may mắn bởi lời thơ hay. Tôi đánh giá Phú Quang là một tượng đài trong âm nhạc hiện đại”.
Trong 17 bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, nhà thơ Thái Thăng Long nhớ nhất là ca khúc "Mơ về nơi xa lắm" được sáng tác từ tứ thơ bài "Yêu Hà Nội". Ông nói: "Khi đọc được bài thơ của tôi, Phú Quang bảo kỷ niệm về tình yêu cũng giống như nhớ về Hà Nội. Quang viết xong thì gọi tôi đến nhà, trong chiếc áo may ô, Quang bật chiếc điều hòa cũ cho đỡ nóng và cùng tôi trao đổi về ca khúc. Hơn 1 tiếng đồng hồ, tôi và Quang loay hoay sửa lời. Khi Quang nói với tôi rằng bài hát hoàn thành rồi đó là lúc tôi nhìn thấy nước mắt cậu ấy rơi. Phú Quang là người hay khóc. Tôi cũng là người nhiều cảm xúc nên bài hát đó chứa đựng những giọt nước mắt hạnh phúc của hai người đàn ông sau khi hoàn thành bài hát được viết chung".
Nhắc đến những kỷ niệm, ký ức gắn bó với người nhạc sĩ tài hoa, nhà thơ Thái Thăng Long không kìm được nước mắt. Nhưng để giữ trọn vẹn tinh thần một đêm nhạc tri ân, ông chỉ lặng lẽ lau nước mắt khi từ sân khấu quay lại cánh gà.
Một trong những giọng ca hát nhạc Phú Quang khắc khoải, day dứt, sâu lắng nhất, Ngọc Anh 3A là nhân tố không thể thiếu trong các đêm nhạc của Phú Quang. Trở về từ Mỹ, Ngọc Anh 3A với chất giọng trầm khàn, hát với tất cả nỗi lòng của “người đàn bà” trong con người nữ ca sĩ với các ca khúc "Mơ về nơi xa lắm", "Im lặng đêm Hà Nội", "Tôi muốn mang hồ Gươm đi", "Trong giấc mơ xưa" , "Đêm Ả đào", "Lời rêu" và "Quạnh hiu".
Ca khúc "Ngọn nến" khép lại đêm nhạc cũng như cách nhạc sĩ Phú Quang thường chọn ca khúc này để kết thúc đêm nhạc của mình. Sau tất cả, trên thánh đường này, nơi mọi trái tim đều hòa chung một nhịp, tìm thấy trong tâm hồn mình một tình yêu người, yêu cuộc sống, yêu Hà Nội. Có những điều sẽ qua đi, nhưng giá trị sẽ còn lại mãi với thời gian. Phú Quang và âm nhạc của ông cũng sẽ luôn còn mãi trong lòng những người thân yêu, tri kỷ của ông./.