'Nghẹt thở' đi đăng kiểm ở các tỉnh, thành phía Nam

Không dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, các trung tâm đăng kiểm ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An…cũng trong tình trạng quá tải, tài xế xếp hàng từ ngày sang ngày khác để được vào đăng kiểm. Thậm chí, có trường hợp tài xế đi đăng kiểm được hẹn hơn nửa tháng sau mới tới lượt…

Đăng kiểm ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục quá tải…

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, từ sáng cho đến chiều tối ngày 27/12, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-08 D (đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh) luôn trong tình trạng quá tải, các phương tiện phải xếp hàng dài, chờ nhiều giờ vẫn chưa tới lượt vào đăng kiểm, khiến các tài xế mệt mỏi.

Anh Vũ Văn Luận ngụ An Sương, TP Hồ Chí Minh cho biết, vì sợ tình trạng quá tải, anh đã có mặt tại đây từ 2 ngày trước nhưng chờ đến hôm nay vẫn chưa được vào làm thủ tục: “3 ngày rồi tôi chưa được về nhà, phải ở đây xếp hàng chầu chực mong nhận được Giấy chứng nhận đăng kiểm, để còn có xe mà đi chở hàng tết cho khách”.

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-08 D (đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh) làm việc hết công suất trong ngày 27/12. Ảnh: Việt Hùng

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-08 D (đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh) làm việc hết công suất trong ngày 27/12. Ảnh: Việt Hùng

Tương tự, anh Trần Ngọc Xuân (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) cũng đã 3 ngày chưa được về nhà, hầu hết việc ăn, ngủ, nghỉ đều diễn ra trong cabin.

“Xe tôi hôm nay là ngày cuối cùng của hạn kiểm định nên dù có phải chờ bao lâu nữa cũng phải ráng để làm cho xong. Tính ra, tôi tới đây xếp hàng hơn 70 tiếng rồi, không chỉ công việc bị chậm trễ, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì mất ngủ” – anh Xuân mệt mỏi kể.

Cũng ngán ngẩm vì phải xếp hàng chờ đợi từ 10 giờ trưa ngày hôm trước, anh Phan Trung Hiếu (quê Đồng Tháp) chia sẻ, bị áp lực vì không thể hoàn thành tiến độ giao hàng cho khách.

“Xe đã hết đăng kiểm, nên dù khách gọi chở hàng tôi vẫn phải từ chối. Chưa kể, các mối hẹn ngày mai, ngày mốt cũng không dám nhận, vì không biết khi nào mới đăng kiểm thành công” – anh Hiếu nói.

Xe thì cứ nhích từng chút nên cứ phải nổ máy, thỉnh thoảng một vài tài xế sốt ruột quá thì bước xuống đi loanh quanh, ngóng tới lượt vào đăng kiểm. Ảnh: Việt Hùng

Xe thì cứ nhích từng chút nên cứ phải nổ máy, thỉnh thoảng một vài tài xế sốt ruột quá thì bước xuống đi loanh quanh, ngóng tới lượt vào đăng kiểm. Ảnh: Việt Hùng

Bình Dương, Đồng Nai, Long An chung “số phận”

Khi các trung tâm đăng kiểm ở TP Hồ Chí Minh quá tải, một lượng lớn các phương tiện tìm đến các trung tâm đăng kiểm tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An khiến nơi đây chung cảnh ùn ứ.

Từ sáng sớm ngày 27/12, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong tình trạng quá tải. Có trung tâm đặt biển “stop”, nơi khác lại dán thông báo “tạm ngưng nhận hồ sơ”.

Theo ghi nhận, có những tài xế đã phải xuất phát từ 1, 2 giờ sáng ngày hôm trước nhưng đến 16 giờ chiều ngày hôm sau vẫn chưa tới lượt vào đăng kiểm.

Trung tâm đăng kiểm 61-04D (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) quá tải trong 2 ngày gần đây. Ảnh: Lâm Thiện

Trung tâm đăng kiểm 61-04D (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) quá tải trong 2 ngày gần đây. Ảnh: Lâm Thiện

Tại Đồng Nai, trong ngày 27/12, Trung tâm đăng kiểm 6001S tại TP Biên Hòa tăng đột biến lượng xe lên tới khoảng 300 xe/ngày (tăng hơn 50% so với những ngày bình thường). Tình trạng này cũng được ghi nhận tại các trung tâm đăng kiểm tư nhân khác ở TP Biên Hòa và huyện Long Thành.

Cùng thời điểm, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 62.01S (phường 5, TP Tân An, Long An), lượng phương tiện cũng xếp hàng dài chờ đến lượt kiểm định. Không hơn gì so với trung tâm 62.01S, tại trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 62-02D (thị trấn Bến Lức, Long An) lượng xe đăng kiểm cũng rất đông, xếp hàng từ ở trong trung tâm kéo dài ra cặp theo tuyến quốc lộ 1.

“Tăng nhân sự, tăng giờ làm” chỉ là tạm thời

Để tạm thời giải quyết tình trạng quá tải, hầu hết các trung tâm đăng kiểm ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều chọn giải pháp phải tăng cường nhân sự, tăng giờ làm.

Đơn cử như trường hợp của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-08 D (đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh). Theo đó, trung tâm này bắt đầu làm từ 6 giờ sáng (thay vì 7 giờ 30 phút) và kết thúc làm việc vào lúc 22 giờ tối (thay vì 5 giờ chiều). Tuy nhiên, dù cố gắng làm việc hết công suất vẫn chỉ xử lý được trung bình khoảng 180 xe/ngày (trong đó 100 xe mới, và 80 tồn lại từ ngày hôm trước).

Các phương tiện xếp hàng dài chờ đăng kiểm. Ảnh: Lâm Thiện

Các phương tiện xếp hàng dài chờ đăng kiểm. Ảnh: Lâm Thiện

“Chúng tôi đang cố gắng tạo mọi điều kiện cho tài xế, nếu như trước đây, phiếu yêu cầu sửa chữa được viết bằng tay, thì hiện đã chuyển sang in bằng máy. Sở dĩ, chúng tôi làm điều này là hy vọng, nếu chủ phương tiện lưu thông trên đường lỡ bị công an kiểm tra thì có thể đưa giấy này ra trình bày về việc, đã đi đăng kiểm đúng ngày nhưng chưa đạt, chứ không phải cố tình vi phạm” – vị đại diện Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-08 D chia sẻ.

Cũng với cách làm tương tự, ông Võ Đông Phong - Giám đốc trung tâm đăng kiểm 61-04D (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, trung bình mỗi ngày chỉ xét được từ 150 - 160 xe bao gồm cả những xe không đạt phải đi sửa chữa và hôm sau quay lại. Để có được kết quả này, trung tâm đã phải làm việc kiệt sức, tăng cường tối đa giờ làm.

Để giải quyết số lượng xe tăng thêm đột biến, ông Dương Mạnh Hưng – Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cũng đã có chỉ đạo cho các trung tâm đăng kiểm tăng giờ làm việc, kể cả làm việc vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Thời gian làm việc tăng lên từ 5 giờ sáng cho đến 20 - 21 giờ tối cùng ngày.

Mặc dù là phương án được nhiều trung tâm đăng kiểm đang áp dụng, song đa phần các đăng kiểm viên đều đánh giá “tăng giờ làm” chỉ là giải pháp tình thế vì “sức người có hạn”. Do đó, trong những ngày tới, dự báo tình trạng quá tải sẽ tiếp diễn tại các trung tâm đăng kiểm, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu đi lại, giao nhận hàng hóa dịp cuối năm tăng cao.

Các phương tiện nối đuôi nhau từ trong khuôn viên của Trung tâm đăng kiểm ra đến tận đường quốc lộ. Ảnh: Lâm Thiện

Các phương tiện nối đuôi nhau từ trong khuôn viên của Trung tâm đăng kiểm ra đến tận đường quốc lộ. Ảnh: Lâm Thiện

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nói gì?

Chiều ngày 27/12, trao đổi qua điện thoại với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, ông vừa có chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo, chấn chỉnh công tác đăng kiểm ở địa phương và các trạm đăng kiểm phía Nam.

Theo ông An, thời gian qua xảy ra một số vi phạm trong hoạt động đăng kiểm ở các tỉnh, thành phía Nam và công an đã khởi tố, xử lý nhiều cá nhân. “Đây là hoạt động cần thiết của cơ quan chức năng, giúp hoạt động đăng kiểm đi vào nề nếp”- ông nói và nhấn mạnh, mục tiêu của hoạt động đăng kiểm hướng đến là các phương tiện khi lưu thông phải đảm bảo an toàn. Vì vậy, để đạt mục tiêu trên, Cục Đăng kiểm đang phối hợp với công an để xử lý các cá nhân vi phạm, đồng thời chấn chỉnh hoạt động này.

Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, để giải quyết tình trạng quá tải đang diễn ra hiện nay, rất cần sự chung tay, góp sức từ người dân. Nếu như trước đây, người đi đăng kiểm thường có tâm lý “xin xỏ”, thì đây là lúc phải bỏ ngay tâm lý này. Khi các trung tâm đăng kiểm đang hướng đến việc hoạt động minh bạch, không tiêu cực, thì nhiệm vụ của người dân là phải chủ động kiểm tra xe trước khi đăng kiểm, nếu có hư hỏng thì phải sửa chữa triệt để, tránh bị trượt nhiều lần mất thời gian.

Tình trạng ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An dự kiến sẽ còn tiếp tục trong các ngày tới. Ảnh: Trương Hiệu

Tình trạng ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An dự kiến sẽ còn tiếp tục trong các ngày tới. Ảnh: Trương Hiệu

“Bên cạnh đó, với các xe có nhu cầu đi công tác, vận tải đến các tỉnh, thành khác mà hết hạn/hoặc gần đến hạn đăng kiểm thì có thể đến trung tâm đăng kiểm ngay tại địa phương đó để kiểm định, điều này giúp giảm tải cho TP Hồ Chí Minh” – ông An nói.

Tuy nhiên, về căn cơ lâu dài, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị các cấp có thẩm quyền, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải cho phép tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Cụ thể, ở những đơn vị đăng kiểm vi phạm, bị cơ quan công an xử lý thì cần xác định bản chất của vi phạm này là con người vi phạm, không phải máy móc, cơ sở vật chất ở đó vi phạm. Từ đó, nghiên cứu cho phép cơ quan đăng kiểm điều động đăng kiểm viên mới đến để làm việc. Thậm chí, có thể hủy pháp nhân cũ để thành lập pháp nhân mới, sau đó tăng cường con người ở địa phương khác về hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy mới mong giải quyết căn bản và nhanh chóng được tình trạng quá tải, ách tắc đang diễn ra.

“Tôi đã mạnh dạn đề xuất, và đang cho soạn thảo, tầm 1 đến 2 ngày nữa sẽ có sản phẩm đề xuất về việc này. Sau khi được bộ phận pháp chế nghiên cứu, sẽ gửi đề xuất đến Bộ Giao thông vận tải xem xét, từ đó có ý kiến đề xuất với Bộ Công an, Chính phủ. Mọi ban ngành, từ cơ quan công an cho đến giao thông…đều thực thi nhiệm vụ công việc với mục đích cuối cùng là phục vụ cho người dân, đem lại điều tốt đẹp cho xã hội. Trong trường hợp này, người dân, doanh nghiệp không có lỗi, không thể để họ trở thành nạn nhân” – ông An nói thêm.

Tiểu Thúy - Việt Hùng - Lâm Thiện - Trương Hiệu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghet-tho-di-dang-kiem-o-cac-tinh-thanh-phia-nam.html