Nghi án 'hình sự hóa quan hệ kinh tế' tại TP HCM: Luật sư phân tích các dấu hiệu bị oan
Nhận xét về vụ án, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng việc quy kết bà Nguyễn Thị Thu Huệ 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' là thiếu căn cứ.
Đánh giá sai bản chất hành vi?
Như PLVN đã phản ánh trên số báo trước, mặc dù đã thỏa thuận và đối tác đã thay mình tất toán xong cho ngân hàng nhưng sau gần chục năm trời, bà Nguyễn Thị Thu Huệ (SN 1972, chủ một doanh nghiệp tại TP HCM) bỗng vướng vòng lao lý với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Huệ quyết liệt kêu oan.
Đánh giá vụ án, Luật sư (LS) Lê Thị Minh Ngọc (nguyên Thẩm phán TAND TP HCM) cho rằng, việc quy kết bà Huệ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa thuyết phục. Muốn quy kết bà Huệ phạm tội, cơ quan tố tụng buộc phải chứng minh được hai yếu tố khách quan không tách rời nhau là có thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản.
Theo LS Ngọc, việc bà Huệ chỉ đạo xin giải ngân 10,1 tỷ vào các ngày 1, 3 và 9/12/2008 không có gì khuất tất, giấu giếm vì thời điểm này về mặt pháp lý bà Huệ vẫn quản lý công ty. Thông qua việc bà Huệ chuyển nhượng Cty Thúy Hà cho ông Huỳnh Công Thiện, ông Thiện đã đồng ý trả nợ của Cty Thúy Hà với ngân hàng. Trên thực tế, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, ông Thiện đã thanh toán toàn bộ khoản tiền Cty Thúy Hà đã vay. Như vậy, khoản nợ của Cty Thúy Hà thời kỳ bà Huệ làm chủ đã được tất toán trước khi khởi tố vụ án 7 năm 3 tháng; trước lúc khởi tố bị can Huệ 9 năm 10 tháng. Và trong suốt thời gian đó, giữa ngân hàng, bà Huệ và ông Thiện không hề thắc mắc, khiếu nại gì nhau.
Nếu cho rằng ngày 28/11/2008, bà Huệ đã chuyển nhượng Cty Thúy Hà cho ông Thiện để quy kết rằng sau đó ngày 1, 3 và 9/12/2008 bà Huệ còn lấy tư cách Cty Thúy Hà để đi vay vốn ở ngân hàng là phạm luật thì cơ quan tố tụng đã hiểu sai. Thời điểm 28/11/2008 chỉ là thời điểm bà Huệ, ông Thiện thỏa thuận với nhau, chứ chưa hề chuyển nhượng trên thực tế, nói cách khác lúc này vẫn trong giai đoạn đàm phán. Mãi đến ngày 18/12/2018, việc chuyển nhượng mới chính thức có hiệu lực khi được Sở KH&ĐT đăng ký thay đổi cả thành viên lẫn địa chỉ. Suốt thời gian 20 ngày (từ 28/11 đến 18/12/2008), ông Thiện vẫn để bà Huệ điều hành Cty Thúy Hà. Khoản nợ chỉ được chốt lại sau đó và ông Thiện biết rõ, tường tận các khoản nợ của Cty Thúy Hà, trong đó có khoản vay 10,1 tỷ.
“Nhầm lẫn” cả chục năm?
LS Ngọc lý giải, việc nắm rõ và tự nguyện trả nợ đã được ông Thiện thỏa thuận và thể hiện trong rất nhiều lời khai. Tại các Bút lục 0377, 0399… ông Thiện khai: “Ngày 9/12/2008 bà Huệ đã thanh toán cho ngân hàng gần 20,9 tỷ, số tiền còn lại tôi đứng ra thỏa thuận toàn bộ công nợ mà Cty Thúy Hà đang nợ ngân hàng gồm: 13,5 tỷ đồng của Hợp đồng số 01/08 ngày 20/02/2008 và hơn 36 tỷ đồng của Hợp đồng số 03/08 ngày 28/3/2008, tổng cộng là 49,51 tỷ đồng…”.
Như vậy, số tiền hơn 49,51 tỷ mà bà Huệ vay của ngân hàng đã bao gồm khoản vay 10,1 tỷ được giải ngân vào các ngày 1, 3 và 9/12/2008. Tổng số tiền hơn 49,51 tỷ này đã được ông Thiện thừa kế và trả hết cho ngân hàng vào ngày 30/9/2009 đúng như cam kết trong hợp đồng. Ngân hàng đã thu đúng, thu đủ cả vốn và lãi. Do đó ngân hàng cũng đã giải chấp, trả lại toàn bộ các tài sản phía bà Huệ mang đi thế chấp cho khoản vay... Chính vì thế, cơ quan tố tụng cho rằng khoản tiền 10,1 tỷ bà Huệ vay mà ông Thiện không biết nên “trả nhầm”, trả dư là hoàn toàn sai sự thật, sai bản chất vụ án. Bởi thời điểm đó, ông Thiện đang đi vay từng khoản nhỏ, mà lại mang cả chục tỷ đồng đi trả nhầm là vô lý. Và cả chục năm trời ông Thiện cũng như ngân hàng không hề khúc mắc gì về khoản tiền này, vì thực tế ông Thiện đã tự nguyện, thỏa thuận trả nợ, còn ngân hàng cũng đã thu hồi toàn bộ số tiền cho vay đúng hạn.
Một điều bất thường hơn, là tại phiên tòa, ông Thiện khai rằng do nhiều năm điều tra, CQĐT báo cho ông Thiện biết mình đã trả cho bà Huệ “lố” 10,1 tỷ. Cho rằng bà Huệ gian lận nên ông Thiện đã làm đơn tố cáo sau gần chục năm “trả lố”. Thế nhưng, cáo trạng và bản án lại quy kết bà Huệ “chiếm đoạt tài sản của ngân hàng”. Vậy đâu là sự thật?
“Nếu ông Thiện trả nhầm, trả lố cho bà Huệ 10,1 tỷ thì bà Huệ có phạm tội hay đây chỉ là việc dân sự? Nếu ông Thiện trả nhầm, trả lố cho bà Huệ thì có quyền yêu cầu bà Huệ phải trả lại khoản tiền đó cho ông Thiện, chứ sao lại buộc tội bà Huệ lừa đảo? Tại sao một khoản tiền được tất toán cho ngân hàng cả chục năm về trước, giờ lại được đưa vào diện phong tỏa để trả nợ cho một khoản khác?
Còn nếu cho rằng bà Huệ có hành vi gian dối khi vay tiền ngân hàng bằng việc lập hóa đơn khống thì lại càng thiếu cơ sở. Bởi bà Huệ không có ý thức chiếm đoạt tài sản, dù ban đầu có dùng “thủ thuật” để được vay vốn, mục đích kinh doanh làm ăn, có thế chấp rất nhiều tài sản lớn hơn số tiền vay và đã trả nợ đúng, đủ, không hề chiếm đoạt bất cứ đồng nào”, LS nói.
Cần xem xét lại để tránh kết tội oan
LS Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM) cũng cho rằng, việc buộc tội cho bị cáo Huệ là không có căn cứ vì mọi việc đã được hoàn tất trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện. Trong cả hai bản án không hề có bất kỳ một phán quyết nào với khoản tiền 10,1 tỷ mà ngân hàng đã thu hồi cả vốn lẫn lãi từ ngày 30/9/2009 do ông Thiện trả. Việc làm này đã tạo ra sự bất hợp lý là ngân hàng được hưởng lợi không có căn cứ khoản tiền 23,2 tỷ đồng (gốc 10,1 tỷ đồng và lãi 13,1 tỷ đồng) mà tòa buộc bà Huệ phải trả cho ngân hàng này.
Đồng tình quan điểm trên, LS Đinh Thị Huyền Khanh (nguyên Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM) phân tích thêm: “Tòa không chỉ buộc bị cáo phải trả số tiền khổng lồ mà còn tuyên 12 năm tù thì hết sức oan ức cho bị cáo, vì xét cho cùng trong trường hợp này ngân hàng không bị thiệt hại từ các khoản vay của Cty Thúy Hà lúc bà Huệ làm chủ. Các khoản nợ này đã được tất toán xong cả chục năm và không hề có bị hại thì việc buộc tội bị cáo Huệ phạm tội là không có căn cứ, oan sai. Các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét lại để có cái nhìn khách quan toàn diện, đúng quy định pháp luật, tránh oan sai”.