Nghi án Kotzebue

Ngay cả người Mỹ cũng ít ai từng nghe đến cái tên Kotzebue. Thành phố nhỏ ở bang Alaska có chưa đến 3.200 dân cư sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Vậy nhưng nơi này từng diễn ra một âm mưu giết người hàng loạt, sau hơn 10 năm vẫn chưa chạm đến được công lý.

Trong bóng tối

Thị trưởng đương nhiệm của Kotzebue là bà Saima Chase, một phụ nữ dân tộc thiểu số Inupiaq. Trước khi thắng cử, bà Saima là y tá tại văn phòng khám nghiệm y khoa của Sở cảnh sát bang Alaska. Bà từng giúp bác sỹ khám nghiệm tử thi tất cả các nạn nhân bị sát hại tại Kotzebue. Trong số đó thì cái chết của người bạn thân Sarah Stallsworth gây ảnh hưởng lớn nhất đến bà. Nữ thị trưởng kể lại: “Cảnh sát tìm thấy xác của Sarah nằm sõng soài trên sàn nhà cô ấy... Họ kết luận rằng Sarah tự tử, nhưng đó là một lời nói dối. Sarah chết mà trên người đầy vết bầm tím, rồi lại mất mấy cái răng nữa. Chắc chắn cô ấy bị sát hại”.

Cái chết của Sarah để lại nhiều câu hỏi đau đớn cho mẹ và chị gái của cô.

Cái chết của Sarah để lại nhiều câu hỏi đau đớn cho mẹ và chị gái của cô.

Kể từ khi lên nhậm chức cách đây gần 2 năm, nữ Thị trưởng Saima Chase đã tìm mọi cách để khởi động lại cuộc điều tra về Sarah Stallsworth và 5 nạn nhân khác mà bà cho đã bị sát hại. Nạn nhân gần nhất là một phụ nữ tên Susanna Norton mất vào năm 2020. Susanna chết vì một phát đạn vào ngực, nhưng không biết vì lý do gì mà cảnh sát địa phương lại viết vào hồ sơ rằng: “Nguyên nhân chết không xác định được”, rồi ngừng hẳn việc điều tra.

Một người cháu họ của Susanna Norton nói với phóng viên nhật báo Anchorage Daily News: “Ở nghĩa trang Kotzebue có nhiều phụ nữ chết thảm thương lắm. Ngay bên cạnh mộ cô tôi là nấm mồ của một người đàn bà bị bạn trai bóp cổ đến chết. Ai đến viếng cô ấy cũng nhìn thấy cổ người chết bầm tím và in hằn vết ngón tay. Thế mà cảnh sát tuyên bố rằng cô ấy uống nhiều rượu đến mức bị đau tim và chết, còn vết bầm tím trên người do mạch máu tắc, các bộ phận không nhận được máu”.

Alaska là bang có tỷ lệ xảy ra bạo lực gia đình cao thứ ba trên toàn nước Mỹ. Một lý do dẫn đến tình trạng này là các đối tượng gây ra bạo lực không bị pháp luật xử lý. Các sở cảnh sát địa phương phần vì các mối quan hệ cá nhân, phần do muốn giữ thành tích nên rất “ngại” đưa đối tượng gây bạo lực gia đình ra trước công lý. Tổng chưởng lý bang Alaska Treg Taylor cho biết: “Kể khi tôi lên nhậm chức vào năm 2021, văn phòng tổng chưởng lý đã lật lại không dưới 30 hồ sơ những vụ bạo lực và giết người mà nạn nhân là phụ nữ, trong đó có nhiều trường hợp phía cảnh sát nói dối trên hồ sơ. Xử lý vấn đề này là tối quan trọng nếu chúng ta muốn củng cố lòng tin của xã hội đối với luật pháp”.

Những người phụ nữ chết vì bạo lực ở Kotzebue là thảm kịch nhưng không phải điều gì đáng ngạc nhiên tại Alaska. Điều đáng chú ý là điểm chung của những vụ giết người đó. Có đến 6 nạn nhân liên quan đến hai người con trai của vị cựu thị trưởng thành phố. Hai người trong số đó tử vong tại hai ngôi nhà cạnh nhau. Chủ của cả hai ngôi nhà là cùng một người: Cựu Thị trưởng Clement Richards Sr.

Gia đình tội phạm

Ông Clement Richards Sr. giữ chức Phó Thị trưởng Kotzebue từ năm 1999 đến 2017, rồi sau trở thành thị trưởng trong giai đoạn 2018-2020. Ngay từ khi còn là phó thị trưởng, ông Clement từng bị cử tri yêu cầu từ chức vì tội đánh vợ. Hai người con trai của cựu thị trưởng là Anthony Richards và Amos Richards cũng đều có tiền án bạo lực gia đình.

Khi Jennifer Kirk chết, cô mới có 25 tuổi. Người ta tìm thấy thi thể cô nằm dựa lưng vào thành giường, cạnh chân cô là một khẩu súng trường. Vết thương do đạn bắn vào hàm dưới, nạn nhân chảy máu không thể cầm được, nhưng khi nhân viên khám nghiệm tử thi lau sạch vết máu, họ phát hiện trên cổ Jennifer có nhiều vết ngón tay nghi là bị bóp cổ.

Hai nạn nhân Jennifer Kirk và Susanna Norton chết trong hai ngôi nhà của cùng một chủ.

Hai nạn nhân Jennifer Kirk và Susanna Norton chết trong hai ngôi nhà của cùng một chủ.

Jennifer Kirk chết khi đang là bạn gái của Anthony Richards. Hai người khi đó chung sống với nhau như vợ chồng tại căn nhà do Thị trưởng Clement đứng tên. Chỉ mới mấy tuần trước đó Anthony đã bị cảnh sát bắt nộp phạt vì tội đánh đập bạn gái. Jennifer khi đó phải nhập viện sau khi bị bạn trai đấm 5 phát vào bụng và bóp cổ đến lúc cô ngất đi.

Theo lời khai của Anthony thì anh ta đang xem tivi thì nghe thấy tiếng súng nổ và phát hiện Jennifer đã chết. Chưa hết, khi bị thẩm vấn về những vết ngón tay trên cổ nạn nhân, Anthony Richards khai rằng trước khi vụ việc xảy ra, giữa hai người xảy ra cãi vã và anh ta đã bóp cổ bạn gái vì mục đích “tự vệ”. Có quá nhiều tình tiết khả nghi trong cái chết của Jennifer, nhưng không biết vì lý do gì mà Sở cảnh sát Kotzebue chỉ sau một ngày điều tra lại tuyên bố nạn nhân tự tử và đóng sổ vụ án.

Một thám tử tư giấu tên được gia đình Jennifer Kirk thuê điều tra về cái chết của con gái họ cho biết: “Khẩu súng tìm thấy ở hiện trường có độ dài từ nòng đến cò súng đúng 69 cm. Nhưng, nạn nhân chỉ cao 167,64 cm, cánh tay dài 66,47 cm. Giả thuyết cô ấy tự sát vì thế không có cơ sở. Tay của Jennifer không đủ dài để đặt cằm mình lên nòng súng rồi bóp cò”.

Khi được phóng viên tờ Anchorage Daily News hỏi về vụ án Jennifer Kirk, Cảnh sát trưởng Sở cảnh sát Kotzebue Ed Ward thừa nhận rằng sự việc có đủ cả 10 dấu hiệu thường thấy của một vụ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, ông Ward cho biết vì khi đó mình chưa thuyên chuyển đến Kotzebue nên trách nhiệm không thuộc về mình. Mọi trách nhiệm thuộc về người tiền nhiệm của ông, cựu Cảnh sát trưởng Thomas Milliette.

Gần 2 năm sau cái chết của Jennifer Kirk, một thảm cảnh khác xảy ra ngay tại ngôi nhà bên cạnh hiện trường vụ án - cả hai ngôi nhà đều là của ông Clement Richards. Cô Susanna Norton, 30 tuổi, chết sau khi bị đánh đập và bóp cổ. Khi đó Susanna là bạn gái của Amos Richards. Trước đó nạn nhân từng phải nhập viện một lần vì bị Amos đá vào mặt, bụng và lưng do cố ngăn cản anh ta uống say. Susanna khi đó đang mang thai 6 tháng và trận đánh đã khiến đứa trẻ bị sinh non.

Cảnh sát Kotzebue không tuyên bố Susanna Norton tự tử, nhưng họ cũng không hề điều tra về cái chết của cô. Mẹ của Susanna cho biết: “Cảnh sát không thẩm vấn bất kỳ người nào hay là tổ chức thu thập bằng chứng ở hiện trường. Thậm chí, họ còn không nói cho chúng tôi biết rằng Susanna bị bóp cổ. Phải mãi sau này có người bảo thì chúng tôi mới biết... Chừng nào cái chết của con gái tôi chưa được làm sáng tỏ thì tôi không thể yên tâm mà sống được”. Chỉ hơn 3 tháng sau cuộc phỏng vấn này với tờ Anchorage Daily News, người mẹ bị một cơn đột quỵ dẫn đến liệt nửa người.

Cái chết của Susanna Norton không phải là thảm kịch thứ hai có liên quan đến gia đình Richards. Nó là thảm kịch thứ sáu. 4 nạn nhân khác trước đó đều có liên hệ với gia đình ông cựu thị trưởng. Đơn cử như Sarah Stallsworth. Khi Sarah chết, cô đang là người giúp việc cho Clement Richards. Công việc của Sarah là lau dọn 3 căn nhà đứng tên ông thị trưởng.

Con gái Rena Mendenhall của Sarah mới chỉ 5 tuổi khi mẹ em mất, nhưng cô bé vẫn nhớ cái ngày đó: “Em chờ mãi mà không thấy mẹ về nên gọi điện cho mẹ. Em nghe thấy ở đầu dây bên kia tiếng nhạc ầm ĩ. Mẹ bảo là chủ nhà đang tiệc tùng nên mẹ phải ở lại chờ hết tiệc để lau dọn, rồi nói rằng em đi ngủ sớm đi. Sáng hôm sau em thức dậy thì mẹ đã chết”.

Thi thể của Sarah Stallsworth được tìm thấy trên vệ đường gần ngôi nhà nơi Anthony Richards ở. Cảnh sát tuyên bố rằng Sarah vì đi trên đường đóng băng trơn trượt nên đã ngã rồi đập đầu xuống lề đường. Vấn đề nằm ở chỗ thi thể được tìm thấy ở tư thế nằm úp mặt, nhưng vết bầm tím lại nằm ở phía sau đầu. Chưa hết, cảnh sát không hề có hành động phong tỏa hiện trường hay thu thập chứng cứ.

Hơn 13 năm sau cái chết của Sarah, gia đình cô vẫn không ngừng đi tìm công lý. Bà mẹ Patsy của Sarah năm nay đã 71 tuổi nhưng vẫn thường xuyên viết thư đến các tổ chức đại diện tư pháp cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực. Bà cho biết: “Người ta tìm thấy vết máu trong nhà vệ sinh ở nhà của Anthony Richards. Đáng lẽ cảnh sát khi đó phải ngay lập tức phong tỏa hiện trường, nhưng họ lại không làm vậy, rồi lại còn để hắn ta (Anthony) thuê người đi lau hết vết máu”.

Khi bà Patsy và con gái cả Mary Ann Towksjhea đến đồn cảnh sát để khiếu nại, nhà chức trách tỏ thái độ nghi ngờ, coi thường họ. Cô Mary nói: “Họ nói rằng mẹ tôi vì xem nhiều phim trinh thám quá nên mới hoang tưởng. Khi đó nhà tôi còn không có tivi... Trong suốt một năm chúng tôi qua lại đồn cảnh sát liên tục để cầu xin họ mở cuộc điều tra và gia đình được xem hồ sơ khám nghiệm tử thi, nhưng lần nào họ cũng từ chối rồi bảo là: “Không cần thiết”.

Nghĩa trang Kotzebue.

Nghĩa trang Kotzebue.

Đi tìm công lý

Cách đây hơn 3 năm đoàn làm chương trình truyền hình “Alaska PD” đã ghé thăm Kotzebue để làm phóng sự về 6 cái chết nối tiếp nhau. Họ điều tra được một chi tiết quan trọng: Bà Annette, vợ của ông Clement Richards Sr., là nhân viên văn phòng tại Sở cảnh sát bang Alaska. Một trong những nhiệm vụ của bà ta là hỗ trợ văn phòng công tố bang trong việc điều tra. Không biết vì lý do gì mà Annette được nhận nhiệm vụ này trong các vụ điều tra hai con trai của bà, trái hẳn với các quy tắc về công bằng trong quá trình điều tra. Thẩm phán xét xử Anthony và Amos cũng lại là bạn thân và đồng nghiệp nhiều năm của bà Annette.

Khi được đoàn làm truyền hình hỏi về chi tiết kể trên, phía cảnh sát tỏ thái độ vòng vo và cuối cùng chỉ đưa ra một tuyên bố như sau: “Sở cảnh sát Kotzebue không có sỹ quan chuyên phụ trách những vụ ngộ sát... Không có sỹ quan cảnh sát nào sống tại thành phố Kotzebue. Tất cả mọi người đều bay đến Kotzebue, trực ca trong 2 tuần, rồi bay về nhà nghỉ ngơi chờ ca tiếp theo... Trong bất kỳ trường hợp vụ án vượt quá khả năng nhân lực và vật lực của Sở cảnh sát Kotzebue, chúng tôi cam kết sẽ yêu cầu các cơ quan điều tra cấp bang và liên bang can thiệp”.

Khi chương trình “Alaska PD” phát sóng tập phim về những vụ án mạng tại Kotzebue, dư luận đã có những phản ứng dữ dội. Người ta chú ý đến việc đa số các nạn nhân là phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo. Ông Apok, Giám đốc điều hành Trung tâm Dữ liệu vì công lý cho người da đỏ, nhận xét: “Đây không phải lần đầu tiên hệ thống tư pháp bang Alaska “bỏ quên” những thổ dân thuộc tầng lớp lao động. Chúng ta phải đặt câu hỏi công lý có thực sự ở Alaska không?”.

Chính quyền bang Alaska đã vào cuộc. Thống đốc Mike Dunleavy tuyên bố đã trực tiếp điều động lực lượng điều tra cái chết của 6 nạn nhân. Về phía gia đình cựu Thị trưởng Clement Richards Sr. thì vẫn không có bất kỳ tuyên bố nào. Còn về phần người nhà các nạn nhân, niềm hy vọng của họ về công lý cho con cháu đã được thắp lại. Chúng ta mong rằng ước muốn của họ sẽ sớm thành hiện thực.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/nghi-an-kotzebue-i716078/