Nghỉ bệnh có được hưởng lương?

Nếu không có chỉ định nghỉ việc từ cơ sở khám chữa bệnh và nghỉ theo yêu cầu của công ty thì lương ngừng việc sẽ do doanh nghiệp chi trả theo quy định tại khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động

Đ.T.N (số điện thoại 0946.027XXX) hỏi: "Sau khi tiếp xúc với một người bạn từ Vũ Hán (Trung Quốc) về tôi có biểu hiện ho, sốt. Khi đi khám, bác sĩ chỉ định tôi nhập viện để theo dõi dịch nCoV. Vợ tôi làm cùng công ty cũng được yêu cầu nghỉ để cách ly 14 ngày. Trong thời gian nghỉ, vợ chồng tôi có được hưởng nguyên lương không?".

Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, trả lời: Khoản 1 điều 25 và khoản 1 điều 26 Luật BHXH quy định người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế thì được hưởng chế độ ốm đau. Mức hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điều 28 Luật BHXH được tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Như vậy, nếu anh N. có tham gia BHXH và có xác nhận của bệnh viện về việc phải nhập viện theo dõi bệnh thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau do cơ quan BHXH chi trả theo các quy định nêu trên và không hưởng lương từ doanh nghiệp. Riêng trường hợp vợ anh N., nếu không có chỉ định nghỉ việc từ cơ sở khám chữa bệnh và nghỉ theo yêu cầu của công ty thì lương ngừng việc sẽ do doanh nghiệp chi trả theo quy định tại khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động. Cụ thể, nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu; trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nghi-benh-co-duoc-huong-luong-20200205204829134.htm