Nghị định 10 về kinh doanh vận tải: Cơ hội tạo thêm nhiều việc làm mới

Chỉ còn gần nửa tháng nữa, thời điểm từ ngày 1-4-2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô chính thức có hiệu lực. Dư luận đa số đồng tình với sự ra đời của nghị định này, đồng thời hy vọng sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.

Nghị định có nhiều nội dung, phạm vi điều chỉnh rộng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Một trong số nội dung được quan tâm là từ ngày 1-4, ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (xe công nghệ) phải dán dòng chữ "XE HỢP ĐỒNG" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 6 x 20cm. Ngoài ra, ô tô công nghệ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1-4, nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải xin cấp lại phù hiệu và dán thêm phù hiệu này trên ô tô. Trường hợp xe công nghệ muốn hoạt động theo loại hình taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu taxi để hoạt động. Tuy nhiên, thời gian thực hiện để cấp đổi lại phù hiệu được kéo dài đến tháng 7-2021.

Cá nhân tôi cho rằng, nghị định đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về quy định pháp lý trong kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô hiện nay. Mấu chốt nhất của nghị định là tạo được môi trường cạnh tranh công bằng. Lâu nay, còn một số “bùng nhùng” chưa được giải quyết thấu đáo, đó là sự cạnh tranh không công bằng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Từ việc tranh luận loại xe nào phải gắn đèn, phù hiệu, logo, được đi vào những khung giờ, cung đường nào, hay vấn đề nộp thuế nhà nước, trách nhiệm xã hội… còn nhiều quan điểm khác nhau. Xe công nghệ (taxi công nghệ) là loại hình mới, khiến chúng ta khá lúng túng trong quản lý, ứng xử. Với xu thế phát triển rất nhanh của công nghệ thì xe công nghệ ra đời là tất yếu. Nghị định mới bước đầu có những giải pháp đã tiếp cận được cách quản lý phù hợp, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Dù vậy, sẽ cần phải có nhiều quy định khác mới có thể giải quyết triệt để được vấn đề.

Nghị định 10 cũng đã cho phép mở rộng địa bàn hoạt động cho xe công nghệ. Điều này là phù hợp thực tiễn và cần được khuyến khích. Nó không chỉ giải quyết được nhiều việc làm hơn, tăng thu nhập cho lái xe khi được sử dụng xe công nghệ trên phạm vi các tỉnh, thành phố khác mà còn thuận tiện cho lái xe có môi trường làm việc. Trước đây, những lái xe muốn hoạt động taxi công nghệ phải về thành phố lớn (các tỉnh, thành phố được thí điểm) thì nay họ đã có thể làm việc ngay ở địa phương mình.

NGUYỄN ANH (Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nghi-dinh-10-ve-kinh-doanh-van-tai-co-hoi-tao-them-nhieu-viec-lam-moi-612510