Nghị định 126: 'Thuế chồng thuế' trong giao dịch chứng khoán
Nhiều ý kiến cho rằng với hai lần thuế là 0,1% thuế bán như bình thường và 5% giá trị chuyển nhượng (của phần cổ phiếu thưởng, cổ phiếu cổ tức) để đánh thuế thu nhập cá nhân giao dịch chứng khoán là không hợp lý...
Bài liên quan
Chứng khoán ngày 10/12: Những nhịp rung lắc sẽ kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ
Chứng khoán ngày 8/12: Áp lực đè nặng quanh ngưỡng 1.030 điểm
Nghị định 126: Cơ quan thuế đang “đánh đố” doanh nghiệp?
Với một giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết bị chịu hai lần thuế 0,1% và 5% giá trị chuyển nhượng là “thuế chồng thuế”.
Thuế “đè” nhà đầu tư
Niềm vui nhà đầu tư chưa kịp tày gang khi thị trường chứng khoán vừa lấy lại mốc 1.000 điểm sau chuỗi ngày thăng trầm cùng Covid-19 thì nay lại phải đối diện với thực trạng “thuế chồng thuế” trong Nghị định 126. Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, khi nhà đầu tư bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ ngay 5% thuế thu nhập cá nhân ngay lập tức.
Ông Trần Minh L. (có tài khoản giao dịch ở Công ty Chứng khoán VnDirect) cụ thể hiện trạng “thuế chồng thuế” trong giao dịch chứng khoán bằng phép tính, nếu doanh nghiệp khoản lợi nhuận là 100 tỷ đồng thì sẽ phải nộp thuế thuế thu nhập doanh nghiệp 20% (tức nộp thuế 20 tỷ đồng). Giả sử 80 tỷ đồng còn lại này được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thì sẽ chịu thêm 5% (tức nộp thuế thêm 4 tỷ đồng). Sau đó, chính lượng cổ phiếu này được giao dịch thì lại chịu thuế 0,1%, tức nộp thuế thêm 80 triệu đồng nữa. Vậy là khoản tiền này ít nhất đã chịu 3 lần đánh thuế.
Còn bà Huỳnh Thanh P. là một nhà đầu tư thường xuyên giao dịch tại Công ty chứng khoán SSI cho biết, sau khi Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12 thì nhà đầu tư này cũng nhận được thông báo của công ty chứng khoán.
Theo đó, công ty chứng khoán SSI sẽ tiến hành kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn thay cho nhà đầu tư. Trong đó, nếu giá bán cổ phiếu lớn hơn mệnh giá (mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu) thì giá tính thuế được áp dụng bằng mệnh giá.
Còn trong trường hợp giá bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá thì được tính thuế theo giá bán thực tế. Đồng thời thông báo của SSI cũng lưu ý, kể từ ngày 5/12, ngoài số thuế 0,1% như trước đây thì nhà đầu tư phải đóng thêm thuế thu nhập cá nhân 5% khi bán cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Bà P. cho rằng, đây là “thuế chồng thuế” bởi các doanh nghiệp chỉ được trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế - nghĩa là doanh nghiệp niêm yết đã đóng thuế cho Nhà nước trên lợi nhuận làm ra. Sau đó cổ đông nếu nhận cổ tức bằng tiền đã phải đóng thuế 5% và doanh nghiệp khấu trừ tại nguồn.
Đầu tư cổ phiếu, ngoài đối diện với rủi ro mất vốn thì lại phải chịu cảnh thuế chồng thuế. Thậm chí, trong trường hợp giá cổ phiếu giảm ngay sau khi nhận cổ tức vì chỉ số tài chính của doanh nghiệp thay đổi, cổ phiếu bị pha loãng nhưng nhà đầu tư vẫn phải nộp tổng mức thuế 5,1% dù thua lỗ. Như vậy, nhà đầu tư sẽ rất thiệt thòi, bà P. bày tỏ bức xúc.
Dưới góc nhìn của công ty Tư vấn Đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Ninh – Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư T.N cho rằng, nhà đầu tư bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức phải nộp hai lần thuế là 5% và 0,1% (thuế suất 0,1% này đang áp dụng đối với tất cả các giao dịch chứng khoán tính trên giá chuyển nhượng), như vậy là “thuế chồng thuế”.
Không được coi là thu nhập từ đầu tư vốn
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng khi về tài khoản được gộp chung với cổ phiếu hiện có trong tài khoản, gồm cả cổ phiếu mua mới nên việc xác định thời điểm kê khai thay và nộp thuế thay cho nhà đầu tư là rất khó.
Với quy định này buộc công ty chứng khoán có thể sẽ phải hạch toán khoản cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng vào một tiểu khoản riêng, để khi nhà đầu tư bán ra thì công ty sẽ thực hiện kê khai thay và nộp thuế thay cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc tách tiểu khoản như vậy sẽ gây khó khăn rất lớn cho cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư trong việc quản lý và giao dịch chứng khoán. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn cho nền kinh tế thì tại sao không khuyến khích “bỏ thuế” như gửi tiết kiệm ở ngân hàng?
“Đối với đầu tư chứng khoán là dạng đầu tư trung dài hạn, trực tiếp cho các doanh nghiệp, đánh thuế với tiền hay cổ phiếu là vấn đề phải suy xét kỹ", ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam phát biểu ý kiến tại sự kiện gần đây.
Còn ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, trả cổ tức bằng cổ phiếu không phải là hình thức phân phối lợi nhuận sau thuế hay chia tiền mặt cho cổ đông. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu không làm thay đổi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm chia và cũng không làm giảm lợi nhuận chưa phân phối của doanh nhiệp như trường hợp chia cổ tức bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, việc này cũng không làm tăng giá trị cổ phiếu về mặt sổ sách và thị giá (lý thuyết là vậy, song trên thực tế sau chia tách thì thị giá cổ phiếu có thể giảm hoặc tăng tùy thuộc nhiều yếu tố). Vì thế, khi cổ đông nhận được cổ phiếu thì khoản này không được coi là thu nhập từ đầu tư vốn.
Điều 3 Điểm 3 Luật thuế thu nhập cá nhân 2014 có quy định thu nhập từ đầu tư vốn bao gồm: tiền lãi cho vay, lợi tức cổ phần, thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức đầu tư khác. Do đó, "trả cổ tức bằng cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng không thể coi là thu nhập từ đầu tư vốn vì những nghiệp vụ này doanh nghiệp không mất một đồng trả cho nhà đầu tư", ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích.
“Đánh thuế” không hợp lý
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lê Thành Vinh - Giám đốc Công ty Luật T&P cho biết, tại Điểm d, Khoản 5, Điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định, tùy từng trường hợp, các chủ thể có nghĩa vụ khai thuế và nộp thuế thay cho nhà đầu tư cá nhân, có thể bao gồm: công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán, công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác danh mục đầu tư, tổ chức phát hành chứng khoán, tổ chức nơi cá nhân có vốn góp…
Còn về việc một giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết bị chịu hai lần thuế là 0,1% và 5% giá trị chuyển nhượng, đánh thuế thu nhập cá nhân cho các trường hợp này là không hợp lý. Về nguyên tắc, phải có thu nhập phát sinh (tăng giá trị tài sản từ thu nhập đó) thì mới phải nộp thêm thuế.
Điều bất cập ở đây là công ty chứng khoán khó có thể xác định cổ phiếu được bán là cổ phiếu nào, cổ phiếu có sẵn trước đó hay cổ phiếu thưởng, cổ phiếu được chia cổ tức. Tất cả cổ phiếu đều giống nhau, đều nằm trong cùng một tài khoản giao dịch, đều đứng tên một cổ đông, ông Vinh phân tích.
Trong trường hợp không thể nhận ra được các loại cổ phiếu thì rõ ràng không có cơ sở chính xác để nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức kê khai và nộp thuế cho giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu từ đợt chi trả cổ tức. Do đó, khi tính toán đánh thuế thu nhập cá nhân trên khoản thu nhập nào đó, Nhà nước cần phải làm rõ được trường hợp đó có phát sinh thêm thu nhập thật hay không. Không nên quy định bắt buộc mọi trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hay cổ phiếu chia từ cổ tức là phải nộp thuế khi bán cổ phiếu, vị luật sư này bày tỏ quan điểm.