Nghị định 168 đi vào cuộc sống: Tạo dựng nền tảng văn hóa giao thông văn minh
Những ngày đầu năm mới 2025, tình hình trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt sau khi Nghị định 168 của Chính phủ đi vào cuộc sống.
Sự thay đổi này không chỉ đến từ việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, mà còn nhờ ý thức chấp hành luật pháp của người dân ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề định hình nét văn hóa giao thông.
Lạc lõng vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè
Anh Nguyễn Hồng Tiệp (35 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), người thường xuyên di chuyển qua nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến chia sẻ, trước đây, việc vượt đèn đỏ hay đi xe máy lên vỉa hè rất phổ biến, nhưng từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, những hành vi này gần như không còn. Mức xử phạt cao khiến mọi người chấp hành nghiêm hơn, giao thông vì thế cũng an toàn và trật tự hơn.
Tại lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2025 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Lê Kim Thành nhấn mạnh, năm 2025, đất nước có nhiều sự kiện trọng đại và hoạt động giao thông vận tải sẽ tiếp tục gia tăng để phục vụ kinh tế - xã hội, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Chính vì vậy, kế hoạch Năm An toàn giao thông 2025 của Ủy ban ATGT quốc gia có chủ đề “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”, tập trung vào một số mục tiêu trọng tâm là: Kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, xây dựng văn hóa giao thông an toàn và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân; tiếp tục khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông...
“Nhà ở phố Triều Khúc đến cơ quan ở phố Quang Trung, Hai Bà Trưng mất hơn 1 giờ đồng hồ vì ngày Tết hay xảy ra ùn tắc giao thông, song cũng không dám đi lên vỉa hè hay vượt đèn đỏ...”, anh Hồng Tiệp nói và chia sẻ, từ khi có Nghị định 168, những hành vi đi lên vỉa hè, vượt đèn đỏ trở nên lạc lõng, không giống ai.
Đồng quan điểm, anh Lê Phạm Long (Chương Mỹ, Hà Nội) nhận định, dù giao thông có ùn tắc vào giờ cao điểm, nhưng ý thức đã được cải thiện đáng kể. “Quốc lộ 6 vào trung tâm Thủ đô dù tắc đường thường xuyên, nhưng đã giảm tình trạng chen lấn, mạnh ai nấy đi, điền vào chỗ trống trên đường như trước kia...”, anh Long nói.
Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1, Phòng CSGT (Công an Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc người dân tự giác chấp hành, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã vào cuộc quyết liệt để xử lý các điểm ùn tắc, đảm bảo giao thông thông suốt. Điều đáng mừng là ý thức chấp hành luật giao thông của người dân vẫn duy trì tốt, kể cả khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Theo Trung tá Chiến, Nghị định 168 không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm, mà còn mang trong mình giá trị lớn hơn: Tạo dựng một nền tảng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại và an toàn. Với những quy định như: Tăng mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, chở quá tải, hoặc không nhường đường cho xe ưu tiên, Nghị định 168 không chỉ nhằm mục tiêu răn đe mà còn hướng đến việc thay đổi thói quen, ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tình hình trật tự ATGT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giao thông đi vào nền nếp. Thống kê từ 1 - 14/1/2025, lực lượng chức năng toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô; 12.691 trường hợp GPLX bị trừ điểm.
Giao thông đi vào nền nếp
Đại diện Cục CSGT đánh giá, Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đều xác định “mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước mà để quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông”.
Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn. Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông, đô thị văn minh với bạn bè thế giới, được người dân đồng tình ủng hộ.
“Thời điểm trước, trong và sau cao điểm các dịp Tết, tình hình trật tự ATGT địa bàn toàn quốc, nhất là các đô thị lớn luôn phức tạp, nhưng với sự chấp hành nghiêm túc của người dân, đi có hàng có lối sẽ giảm bớt nguy cơ ùn tắc kéo dài...”, đại diện Cục CSGT thông tin.
Nghị định 168/2024 của Chính phủ tạo ra một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân lẫn thực tiễn xã hội. Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, ùn tắc giao thông xảy ra có nhiều nguyên nhân, chứ không phải do triển khai Nghị định 168 như một số bình luận trên mạng xã hội.
Tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra tại các thành phố lớn. Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đô thị hóa, tình trạng ùn tắc giao thông là điều không tránh khỏi. Không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới, tại các thành phố lớn, đông dân đều xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào từng thời điểm, từng bối cảnh kinh tế, xã hội. Ở nhiều quốc gia phát triển, hệ thống giao thông công cộng rất phát triển, hạ tầng giao thông tốt nhưng vẫn có những vụ tắc giao thông kéo dài nhiều giờ.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông như: Hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông, xảy ra những vụ việc tai nạn giao thông, hỏng đèn tín hiệu hoặc do ý thức của người tham gia giao thông không tốt dẫn đến xung đột giao thông, xảy ra ùn tắc giao thông.
“Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân chứ không phải do thực hiện nghị định về xử phạt. Ở Việt Nam, những ngày cuối năm, số người tham gia giao thông tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, việc ách tắc giao thông ở các thành phố lớn dịp cận Tết là chuyện xảy ra từ rất nhiều năm nay và khá phổ biến, không kể khung giờ nào. Năm nay việc ách tắc giao thông vẫn xảy ra là chuyện hết sức bình thường, chứ không phải nguyên nhân từ Nghị định 168...”, luật sư Đặng Văn Cường nói.