Nghị định 67 và nỗi lo nợ xấu lớn dần

Một chính sách đúng đắn từng được coi là 'phao cứu sinh' cho ngư dân, nhưng đang mang lại nhiều nỗi lo cho các ngân hàng.

Ngoài nguyên nhân khách quan thì nợ xấu phát sinh còn do chủ tàu cố tình không trả nợ.

Ngoài nguyên nhân khách quan thì nợ xấu phát sinh còn do chủ tàu cố tình không trả nợ.

Dư nợ theo Nghị định 67 đến 31/12/2019 đạt 10.028 tỷ đồng

Sắp tròn 5 năm, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, nay là Nghị định 17/2018/NĐ-CP ra đời, ngành ngân hàng đã triển khai tích cực chính sách tín dụng theo Nghị định 67.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều bất cập, nhất là nợ xấu có xu hướng tăng nhanh.

Kể từ khi Nghị định 67 được ban hành, đây vẫn luôn được coi là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ có giá trị kinh tế cao, tạo cú huých đối với ngành khai thác hải sản.

Nghị định 67 được xem là “phao cứu sinh” cho những ngư dân thực sự muốn vươn khơi, bám biển, nhưng hạn chế về nguồn lực.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngành ngân hàng đã triển khai tích cực chính sách tín dụng theo Nghị định 67. Điều này thể hiển trên số dư nợ mà ngành ngân hàng đã thực hiện trong thời gian qua là không nhỏ.

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, kể từ khi Nghị định 67 có hiệu lực đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014-2020, với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay theo chương trình đến 31/12/2019 đạt 10.028 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay, nợ xấu chương trình cho vay theo Nghị định 67 có xu hướng gia tăng, đặc biệt tăng mạnh từ cuối năm 2018 và đang ở mức cao (35,2%).

Cụ thể, Thống đốc cho biết, nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố (tỷ lệ 3%). Cuối năm 2018 tại 18 tỉnh, thành phố (tỷ lệ 17%). Đến nay, tại 25 tỉnh, thành phố, tỷ lệ nợ xấu khoảng 35,2% tổng dư nợ cho vay.

Xử lý nợ xấu thế nào là không dễ. Vào thời điểm cuối năm 2019, Agribank Khánh Hòa đã phải kiện 3 ngư dân Trần Ngọc Đông, Võ Ngọc Trang và Dương Cao Hoan (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) do phát sinh nợ xấu trên 30,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tòa đề nghị các bên hòa giải trước khi vào phiên xử.

Một trường hợp khác là ngư dân Ao Xuân Tiến, Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) tại thời điểm tháng 10/2019, ngân hàng tiến hành khởi kiện xử lý tài sản đảm bảo là tàu cá QNg-90599TS để thu hồi toàn bộ nợ vay và phần tiền lãi ngân sách nhà nước đã cấp bù từ Vietcombank Quảng Ngãi, số nợ đã lên đến hơn 8 tỷ đồng, riêng nợ gốc là hơn 7 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV cho biết, thời kỳ đầu các chủ tàu hoạt động có hiệu quả, trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn.

Nhưng đến các kỳ sau, các hộ này không trả nợ, mặc dù có nguồn thu từ hoạt động khai thác đánh bắt, làm phát sinh nợ xấu.

Ngân hàng đã nhiều lần mời làm việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nhưng các chủ tàu này cố tình không ký biên bản làm việc, để nợ quá hạn kéo dài…

Ngoài các nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến ngư dân không trả được nợ vay như nguồn lợi hải sản suy giảm, ngư trường khai thác không thuận lợi, thời tiết diễn biến bất thường…, thì cũng có tình trạng ngư dân cho đây là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nên thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, chây ỳ, cố tình không trả nợ.

Ví dụ, mặc dù ngân hàng cơ cấu lại khoản nợ cho khách hàng, nhưng khi biết khoản nợ cơ cấu lại không được hỗ trợ lãi suất (do không phải từ nguyên nhân khách quan), nhiều chủ tàu không chấp nhận cơ cấu lại, năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém…

Bên cạnh đó, phương tiện khai thác quá mới và hiện đại nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong vận hành, kém hiệu quả; các nguyên nhân khác như lựa chọn ngành nghề chưa phù hợp, khách hàng không mua bảo hiểm theo quy định, công tác xác nhận thiệt hại chậm chễ, quá trình giải quyết bồi thường bảo hiểm nhiều tranh chấp và có tư tưởng trông chờ Nhà nước xóa nợ.

Cần sự vào cuộc của các địa phương

Về giải pháp của ngành ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, để triển khai chính sách vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đạt hiệu quả, hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng, NHNN đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn như Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014, Thông tư số 21/2015/TT-NHNN ngày 16/11/2015, Thông tư số 12/2018/TT-NHNN ngày 27/4/2018, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển và các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 218 khách hàng với số tiền 1.559 tỷ đồng; ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau đối với 29 khách hàng với dư nợ 295 tỷ đồng; thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trên cơ sở quyết định phê duyệt của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển đối với 11 trường hợp chủ tàu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Tiền Giang không còn đủ năng lực thực hiện dự án với dư nợ gần 60 tỷ đồng.

“Bên cạnh đó, để hạn chế nợ xấu gia tăng, đảm bảo triển khai hiệu quả chương trình, trên cơ sở báo cáo và đề xuất của NHNN, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính kịp thời rà soát, xử lý các kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách; chỉ đạo các sở, ngành địa phương hỗ trợ ngành ngân hàng trong việc quản lý dòng tiền, thu hồi nợ vay; quản lý, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm; bồi hoàn bảo hiểm khi rủi ro xảy ra; đồng thời, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu mối nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 67”, Thống đốc cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế gặp khó khăn, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ, bởi khi nợ xấu tăng nhanh có thể ảnh hưởng rộng ra nền kinh tế và tác động tới lợi nhuận ngân hàng trong nhiều năm.

Sau khi dịch bệnh qua đi, tăng trưởng tín dụng sẽ dần phục hồi và biên lợi nhuận có thể được cải thiện nhờ thay đổi cơ cấu cho vay và huy động, nhưng nợ xấu chỉ có thể được giải quyết nhanh gọn nếu ngân hàng thận trọng trong cho vay, xếp hạng nợ và trích lập dự phòng.

“Do vậy, thận trọng giải quyết nợ xấu từ Nghị định 67 sẽ giúp giảm bớt những rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Hồng Dung

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang/nghi-dinh-67-va-noi-lo-no-xau-lon-dan-330125.html