Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục đại học cần có mục tiêu đẩy mạnh tự chủ
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi một số bất cập, chưa phù hợp, chưa thuyết phục vì thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận.
LTS: Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) đã chính thức có hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành.
Làm thế nào để đẩy mạnh tự chủ đại học là vấn đề được nhiều cơ sở quan tâm sau khi Luật số 34/2018/QH14 đã được xây dựng theo hướng bỏ cơ quan chủ quản nhằm tạo tiền đề, bệ phóng cho tự chủ. Xung quanh vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
- PV: Thưa Giáo sư Lê Vinh Danh, thầy đánh giá như thế nào về Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14)? Dự thảo có khắc phục được tình trạng “đại học trong đại học” không giống ai như cách làm lâu nay không?
- Giáo sư Lê Vinh Danh: Dự thảo còn một số nội dung bất cập, chưa phù hợp, chưa thuyết phục vì thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận. Dưới đây xin chia sẻ với các bạn một số nội dung quan trọng.
Để dễ hiểu, ta nên thống nhất cách trình bày như sau: Nội dung của dự thảo được trích nguyên trong ngoặc kép. Những nhận định của chúng tôi được in nghiêng (italic); những góp ý của chúng tôi được in đậm (bold).
Điều 2, Mục 2.b) có nội dung như sau:
“b) Đối với trường đại học là thành viên của đại học, tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh gồm 2 cụm từ, trong đó, cụm từ đầu là tên giao dịch quốc tế của đại học viết tắt và cụm từ sau là tên của trường đại học thành viên viết đầy đủ”.
Đây là điều rối rắm và không hề có tiền lệ; nước ngoài cũng chẳng có đại học nào, quốc gia nào làm vậy.
Thứ nhất: làm cho tên của trường thành viên quá dài. Thứ hai: người nước ngoài đọc không hiểu (vì quốc tế không có kiểu qui định viết như vậy) và như thế, hạn chế khả năng hội nhập.
Thứ ba: khi trình bày bằng tiếng Anh, trong cụm từ viết tắt có chữ U (university), trong cụm từ tên trường thành viên rồi cũng có chữ đấy. Như vậy là tiếp tục university trong university. Chẳng giống nguyên tắc nào của thế giới.
Chỉ nên qui định: tên đại học (bất cứ đại học đa ngành nào; chẳng cứ gì quốc gia hay tư thục) là university; tên trường thành viên chỉ là school.
- PV: Điều 3, Mục 1, dự thảo quy định: “b) Văn bản cam kết của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục chuyển sang cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận, bảo đảm thực hiện hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục;”.
Thầy đánh giá như thế nào với quy định “không hưởng lợi tức”, liệu quy định như vậy có thu hút được các nhà đầu tư vào giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng như kêu gọi của Chính phủ trong Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 hay không?
- Giáo sư Lê Vinh Danh: Đối với đại học tư thục mà không cho hưởng lợi tức thì khó khuyến khích doanh nghiệp hay tư nhân đầu tư cho giáo dục đại học. Nên chăng là không cho phép hưởng lợi tức quá mức trần lãi suất ngân hàng trung bình/năm trong “rỗ lãi suất của 5 ngân hàng thương mại lớn nhất”.
Được như vậy thì đã là đại học phi lợi nhuận rồi; vì thực ra mức thặng dư hoạt động của một đại học được quản trị hiệu quả cao hơn lãi suất trung bình/năm của rổ lãi suất này.
Chỉ cần các Nhà đầu tư tư nhân chấp nhận chỉ lấy đi mức lãi/năm tối đa bằng mức trung bình của ngân hàng, phần thặng dư còn lại để hoàn toàn cho đại học mở rộng cơ sở vật chất, đầu tư cho nhân sự trong dài hạn và nâng cao chất lượng hoạt động thì đã quá quí rồi.
- PV: Một vấn đề khác cũng được nhiều trường quan tâm là việc thành lập các tổ chức trong trường đại học, Dự thảo quy định như thế nào và ý kiến của thầy về vấn đề này?
- Giáo sư Lê Vinh Danh:Điều 4, Mục 1: việc thành lập School trực thuộc University, Dự thảo quy định:
“b) Có ít nhất 03 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định tại khoản 4 Điều này; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;”.
Và Khoản 4 nói thế này:
“a) Điều kiện thành lập: Có ít nhất 05 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 01 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục đại học; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên, trường hợp thành lập trường đào tạo các ngành đặc thù, có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào điều kiện thực tế”;
Lưu ý: với những trường đào tạo ngành đặc thù, thí dụ: Nghỉ dưỡng (Hospitality), những ngành liên quan là: Nhà hàng-khách sạn, Bếp, Du lịch và lữ hành, Quản trị du lịch, Quản trị công trình giải trí, Giải trí...về qui mô có thể không dưới 2000;
Nhưng những ngành này mà khi cùng nhau thành lập School of Hospitality mà đòi hỏi phải có ít nhất 1 ngành đào tạo bậc tiến sĩ và 3 ngành đào tạo thạc sĩ thì hầu hết chẳng có trường nào được thành lập;
Bởi lẽ đây là các ngành nghề nghiệp; người ta chỉ học đến cử nhân rồi ra trường làm việc; chỉ có số rất hiếm mới học đến thạc sĩ, tiến sĩ. Trường có mở thạc sĩ, tiến sĩ cũng không tuyển đủ học viên; chưa nói là “không tìm ra được người đủ trình độ để dạy bậc thạc sĩ, tiến sĩ”.
Do vậy, cần bỏ nội dung: “trong đó có ít nhất 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 01 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ” trong Mục a, Khoản 4 nói trên.
- PV: Luật Giáo dục đại học sửa đổi được xây dựng theo hướng tự chủ, trong đó bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản / cơ quan chủ quản là nội dung đặc biệt quan trọng mà nhiều trường quan tâm. Điều đó được thể hiện như thế nào trong dự thảo nghị định lần này, thưa thầy?
- Giáo sư Lê Vinh Danh: Điều bạn hỏi được thể hiện rõ trong thủ tục để các trường đại học thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học và bộc lộ bất cập. Cụ thể, Điều 4, Khoản 4.b) qui định:
“b) Hồ sơ thành lập bao gồm: Đề án thành lập nêu rõ sự cần thiết thành lập trường, giải pháp thực hiện đề án; các minh chứng về điều kiện thành lập trường quy định tại điểm a khoản này; văn bản đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học công lập hoặc văn bản đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;”
Trong khi Tiểu mục c thì có nội dung sau:
“c) Hội đồng trường hoặc hội đồng đại học có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học và gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo;”
Nghĩa là gì? Hội đồng trường hoặc Hội đồng đại học thẩm định và ra quyết định thành lập trường trực thuộc. Có nghĩa là Hội đồng trường/đại học chính là cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học công lập.
Điều này phù hợp với Luật 34 và Chỉ đạo “hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học” của Đảng. Nhưng ở Tiểu mục b) thì lại qui định phải có “văn bản đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học công lập” thì lại gây ngộ nhận vì sẽ có sự diễn dịch rằng cơ quan quản lý trực tiếp không phải là hội đồng trường/đại học!.
Thứ nhất, Luật số 34 không có khái niệm nào là “cơ quan quản lý trực tiếp” đối với “cơ sở giáo dục công lập”, Luật số 34 chỉ có “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” mà theo giải thích của Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” đối với “cơ sở giáo dục đại học” là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh / thành phố trực thuộc trung ương quản lý địa bàn. [1]
Ngày 3/7/2019, Báo Thanh Niên dẫn lời bà Nguyễn Thị Kim Phụng giải thích:
Trong luật, có một cụm từ hay được nhắc đến là “cơ quan quản lý có thẩm quyền”. Khái niệm này bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, là Bộ Giáo dục và Đào tạo; các địa phương quản lý trường đại học theo địa bàn...
Sở dĩ phải dùng cụm từ này bởi tinh thần của Luật được xây dựng phù hợp với xu hướng bỏ cơ quan chủ quản.
Thứ hai,một khi đã tăng cường quyền lực thực sự cho Hội đồng trường/đại học; và việc thành lập trường trong đại học thực chất chỉ là thành lập một đơn vị trực thuộc, mà còn phải “xin ý kiến cơ quan quản lý trực tiếp” mà không phải là Hội đồng trường/đại học, thì chẳng khác gì thời bao cấp và vô hiệu hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước.
Đề nghị bỏ nội dung: “văn bản đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học công lập” trong Khoản 4.b) Điều 4 nói trên. Việc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của hội đồng trường/đại học của cơ sở giáo dục đại học tự chủ.
- PV: Thưa thầy, nhiệm kỳ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học là một điểm sáng trong Luật số 34/2018/QH14 được nhiều trường kỳ vọng sẽ tạo tiền đề, sức bật cho các trường tự chủ. Việc hướng dẫn thi hành nội dung này trong dự thảo có gì cần lưu ý không?
- Giáo sư Lê Vinh Danh: Vấn đề bạn hỏi khá thú vị. Theo tôi có mấy vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, Điều 7, Mục 1.b) qui định: “Khi hiệu trưởng hết nhiệm kỳ hoặc bị bãi nhiệm, miễn nhiệm theo qui định của pháp luật, hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng và trình cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hiệu trưởng trường đại học;”
Và Tiểu mục c quy định: “hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng và đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hiệu trưởng trường đại học.”
Tại nội dung này, tôi đề nghị: a) cần thêm vào Tiểu mục c: “hội đồng trường quyết định tiêu chuẩn, qui hoạch, qui trình lựa chọn, và bầu hiệu trưởng”. b) thay thế “cơ quan quản lý trực tiếp” bằng “cơ quan quản lý có thẩm quyền” để đúng với Luật.
Thứ hai, Điều 7, Mục 3 qui định: “3. Trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử làm chủ tịch hội đồng trường thì tùy từng trường hợp, phải thực hiện quy định về luân chuyển, điều động, tuyển dụng cán bộ theo quy định của pháp luật để chủ tịch hội đồng trường trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học.”
Đề nghị bỏ chữ “cán bộ”. Chính phủ đã có nhiều văn bản qui định cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên không còn cán bộ, công chức. Hoặc sửa đổi nội dung trên như sau:
“3. Trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử làm chủ tịch hội đồng trường thì tùy từng trường hợp, phải thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật để chủ tịch hội đồng trường trở thành thành viên cơ hữu của trường.”
Thứ ba, Điều 7, Mục 4 qui định: “thư ký hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó hiệu trưởng; phụ cấp của phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có) và các thành viên khác trong hội đồng trường được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.”
Rất bất cập! Thư ký không thể bằng Phó chủ tịch Hội đồng trường. Vậy mà qui định cứng: “Thư ký hưởng phụ cấp tương đương Phó hiệu trưởng”; trong khi Phó chủ tịch hội đồng thì để cho Hội đồng qui định và thể hiện vào qui chế.
Trong trường hợp này, Hội đồng khó mà quyết định Phó chủ tịch có phụ cấp thấp hơn hoặc bằng Thư ký; mà phải cao hơn. Vậy cao hơn là bằng với mức nào? chẳng lẽ mức của Hiệu trưởng và Chủ tịch?.
Tôi đề nghị: “phụ cấp của Phó chủ tịch hội đồng (nếu có) và Thư ký hội đồng do hội đồng quyết định và thể hiện trong Qui chế tổ chức và hoạt động”. Thực chất là Thư ký hội đồng không thể nào làm việc nhiều, trách nhiệm nhiều; hoặc chịu áp lực cao bằng Phó hiệu trưởng để mà có thể hưởng phụ cấp tương đương nhau. Qui định như vậy là mất công bằng và xâm phạm đến quyền tự chủ của đại học.
Thứ tư, Điều 7, Mục 6.a) qui định:
“6. Thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng và công nhận hiệu trưởng như sau:
a) Thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học, phù hợp với quy định của các cơ quan có thẩm quyền về quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng”.
Luật số 34 đã xây dựng trên tinh thần bỏ cơ quan chủ quản. Nếu ghi:, “các cơ quan có thẩm quyền về quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng” sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng; gây khó khăn cho trường. Nhất là các “cơ quan chủ quản” sẽ không muốn buông quyền quyết định của mình; thì tự chủ đại học khó thành hiện thực.
Tôi đề nghị bỏ câu: "phù hợp với quy định của các cơ quan có thẩm quyền về quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng". Hoặc sửa lại thành: “"phù hợp với tiêu chuẩn, quy hoạch, quy trình do hội đồng trường/đại học phê duyệt"; thì vừa đúng, vừa bảo đảm quyền tự chủ về nhân sự theo chỉ đạo của Đảng.
- PV: Thưa Giáo sư, dự thảo quy định như thế nào về cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, theo thầy qui định như vậy có khả thi và giúp ích gì được cho việc thúc đẩy phát triển mô hình này?
- Giáo sư Lê Vinh Danh: Điều 10, Mục 1: về cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu:
“b) Có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm;
Và: “Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học công lập là giảng viên, cán bộ được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định về biên chế và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;”
Thứ nhất: tôi đã nói rằng trong cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên thì không còn công chức, cán bộ. Vậy thì “biên chế” là biên chế cái gì?
Thứ hai: Nghị quyết 19 đã chỉ đạo “chuyển hợp đồng viên chức không xác định thời hạn trong đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên sang hợp đồng có thời hạn” nhằm giúp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn linh động trong tuyển dụng, sử dụng nhân sự để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động.
Nay Dự thảo này lại qui định cứng như đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ thì rõ ràng là đi ngược lại sự lãnh đạo của Đảng và nội dung Luật 34.
Thứ ba: thời đại ngày nay trong đại học người ta chỉ quản lý khối lượng công việc và sản phẩm đầu ra; không ai còn quản lý giờ giấc, năm tháng.
Cùng một khối lượng công việc và sản phẩm đầu ra mà cơ sở giáo dục định lượng cho một viên chức phải làm 40 giờ/tuần nhân với 52 tuần/năm (để được gọi là cơ hữu); thì nếu có người ký hợp đồng làm được đúng như vậy, thì họ là cơ hữu rồi; bất kể họ làm trong 9 tháng, 6 tháng, hay chỉ cần 4 tháng là xong khối lượng sản phẩm này.
Nay lại cứ quan niệm “cơ hữu” theo kiểu cũ; nghĩa là phải làm đúng 40 giờ hành chính/tuần trong 52 tuần liên tục tại duy nhất 1 cơ sở giáo dục đại học, thì làm sao tuyển dụng được các nhà khoa học nước ngoài và các nhà khoa học trong nước cần sự tự do để sáng tạo?
Do đó, kiểu tư duy “công chức, cán bộ, cơ hữu” này vẫn quá bao cấp; giống như thời cách đây 50 năm. Đem tư duy này mà qui định về đại học nghiên cứu là giết chết nghiên cứu.
Thứ tư: về đoạn nội dung “có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm”.
Rõ ràng là chẳng có cơ sở pháp lý hay tính toán nào để đưa ra các con số như vậy!.
Nước ngoài người ta quan niệm một đại học nghiên cứu là một đại học mà: a) tổng nguồn lực sử dụng cho khoa học-công nghệ không dưới 40% tổng nguồn lực của đại học; b) phần thu từ khoa học-công nghệ và chuyển giao không thấp hơn 30%; c) tỷ lệ đào tạo sau đại học không dưới 10% tổng qui mô của cả đại học.
Không ai đi qui định chi tiết về số ngành, số người học sau đại học, số bằng tiến sĩ đã cấp!.
Chuyện này không những rất không thuyết phục vì nó không có cơ sở khoa học nào, do nước ngoài người ta coi trọng chất lượng nghiên cứu và chuyển giao, đẳng cấp của nghiên cứu và chuyển giao...chứ không phải số lượng đào tạo.
Mà còn sai lầm và sẽ dẫn đến lạm dụng, làm suy yếu hệ thống đại học bởi chúng ta đã từng chứng kiến vào khoảng những năm 1994-1997, có trường đại học cấp hơn 200 bằng tiến sĩ/năm; nhưng trường này cho đến 2018, tổng công trình nghiên cứu được công bố quốc tế trong 1 năm chỉ tương đương 1 Khoa của một đại học khác.
Vậy nếu căn cứ theo số bằng tiến sĩ đã cấp, thì những đại học là cổ máy phát bằng sẽ dễ dàng là đại học nghiên cứu; trong khi những đại học nghiên cứu thực sự, cấp bằng tiến sĩ đúng chất lượng và cấp rất ít bằng mỗi năm...thì sẽ không thể là đại học nghiên cứu.
Thứ năm, các đại học nghiên cứu hoặc định hướng nghiên cứu của thế giới đều là đại học có đẳng cấp quốc tế; trong đó, số lượng công bố quốc tế, chỉ số trích dẫn, ảnh hưởng của nghiên cứu đến cộng đồng đại học quốc tế, số lượng người học nước ngoài là những chỉ số quan trọng nhất (chứ không phải ngành đào tạo, trình độ đào tạo, số văn bằng tiến sĩ đã cấp...).
Người làm Dự thảo có vẻ không biết gì đến những tiêu chuẩn này; mà đề xuất các tiêu chuẩn rặt do mình tự nghĩ ra như những gì đang quản lý từ xưa đến nay. Thật là lạc hậu!
Vì thế, tôi đề nghị bỏ đoạn trên; và qui định đúng thông lệ quốc tế như tôi vừa trình bày. Hoặc qui định: “Đại học nghiên cứu là các đại học được ARWU/THE xếp hạng trong TOP 1000 thế giới. Đại học định hướng nghiên cứu là đại học được ARWU/THE xếp hạng trong TOP 1000+ của thế giới”.
Như vậy mới là định lượng, mới là hội nhập; và có cơ sở khoa học, dễ được mọi người đồng thuận. Thời điểm này mà còn qui định về số ngành sau đại học, số lượng người học và số bằng tiến sĩ đã cấp thì thực sự có thể làm cho xã hội nghĩ rằng người làm dự thảo không hiểu gì về đại học nghiên cứu nói riêng, đại học nói chung.
- PV: Như vậy tóm lại theo thầy, tự chủ đại học được thể hiện như thế nào trong dự thảo nghị định hướng dẫn, thầy có ý kiến đề xuất gì về vấn đề này?
- Giáo sư Lê Vinh Danh: Điều 13 về quyền tự chủ:
Mục 1, từ a) cho đến d) có nội dung qui định mang tính siết lại, bó hẹp lại quyền tự chủ của đại học về chuyên môn; và mâu thuẫn với Mục 2.a) dưới đây:
“a) Cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định hiện hành về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về biên chế và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Các cơ sở giáo dục đại học công lập đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ được thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo các quy định của Luật Giáo dục đại học và Đề án tự chủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho đến khi Chính phủ ban hành nghị định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, về biên chế và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;”.
Mâu thuẫn nằm ở chỗ tại sao “quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự” thì được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 77 cho đến khi có Nghị định mới; được vận dụng những điều tốt nhất của Luật 34; trong khi “quyền tự chủ về chuyên môn” thì lại bị Dự thảo siết lại?. Điều này không hợp lý và sai với Nghị quyết 77!.
Chúng tôi đề nghị nội dung qui định về quyền tự chủ chuyên môn cũng phải được viết như nội dung Mục 2.a): qui định về quyền tự chủ tổ chức bộ máy và nhân sự.
Điều 13, Mục 4. e):
“e) Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên thực hiện quyền tự chủ theo quy định pháp luật phải gửi báo cáo trước khi thực hiện 6 tháng cho cơ quan quản lý trực tiếp và các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ”.
Tại sao cơ sở giáo dục đại học tự chủ mức độ cao là tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên thì phải làm điều này, trong khi không thấy qui định như vậy đối với các cơ sở có mức độ tự chủ thấp hơn hoặc cao hơn? Cơ sở pháp lý hay lập luận ở đâu?.
Mặt khác, như trên đã phân tích mấy lần: nếu vẫn còn “cơ quan quản lý trực tiếp” thì đại học khó mà tự chủ. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý bằng pháp luật, vì sao không quản lý đại học bằng pháp luật mà phải có “cơ quan quản lý trực tiếp”?
Tôi đề nghị nên ghi: “Các quyền tự chủ khác về khoa học-công nghệ, hợp tác quốc tế, chuyên môn, tổ chức bộ máy và nhân sự...cơ sở giáo dục đại học tự chủ được quyền vận dụng những qui định thuận lợi nhất từ Luật số 34, Nghị quyết 77, các văn bản liên quan của Chính phủ; và Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về thí điểm đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; và những Nghị định, văn bản thay thế về sau; tương ứng với mức độ tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư”.
Như vậy Nghị định mới có tính kế thừa, tính liên tục; tạo điều kiện tốt cho các cơ sở giáo dục đại học đã và đang tự chủ có thể tiếp tục phát triển ổn định, bền vững; trực tiếp thúc đẩy mạnh hệ thống giáo dục đại học trong nước tiến lên nhanh hơn.
- PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Tài liệu tham khảo:
[1]//thanhnien.vn/giao-duc/giam-dan-vai-tro-cua-co-quan-chu-quan-truong-dai-hoc-1099239.html