Nghị định quy định chi tiết về phòng, chống rửa tiền: Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, do cơ quan này chủ trì soạn thảo.

Mặc dù Nghị định 116 đã có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn cụ thể, chi tiết các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền, tuy nhiên, qua quá trình triển khai đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sớm được chỉnh sửa, bổ sung để góp phần triển khai có hiệu quả cơ chế phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng áp dụng là “tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán”. Hiện, Nghị định 116 chưa quy định đối tượng áp dụng đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và thông qua kết quả đánh giá rủi ro quốc gia cho thấy các tổ chức chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lạm dụng để thực hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Vì vậy, cần quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp phòng, chống rửa tiền như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền.

 Việc sửa đổi Nghị định 116 nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để phòng, chống rửa tiền. Ảnh tư liệu

Việc sửa đổi Nghị định 116 nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để phòng, chống rửa tiền. Ảnh tư liệu

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định đối tượng báo cáo được chia sẻ thông tin về khách hàng và các giao dịch cho Hội sở, các chi nhánh của ngân hàng mẹ hoặc tập đoàn tài chính để phòng, tránh rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Các thông tin được chia sẻ chỉ được phép sử dụng cho mục đích phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Bên được cung cấp, chia sẻ thông tin không được phép cung cấp hay chia sẻ cho bên thứ ba dưới bất kỳ hình thức nào.

Mặc dù nội dung này chưa được quy định rõ ràng tại Luật Phòng, chống rửa tiền, tuy nhiên do đây là một nhu cầu rất cần thiết của các đối tượng báo cáo nhất là các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực ngân hàng và cần thiết ngay cả với Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện chức năng Ngân hàng Trung ương, đặc biệt trong mối quan hệ với các ngân hàng đại lý. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc trong quản lý của tập đoàn, của mô hình ngân hàng mẹ - con, trong quan hệ ngân hàng đại lý là việc chia sẻ thông tin được coi là rất cần thiết trong triển khai công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tại một đơn vị.

Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin cũng chỉ bao gồm thông tin chung chứ không có các thông tin cụ thể như trong các báo cáo giao dịch đáng ngờ nên cần phải thể chế hóa để các quy định này có hành lang pháp lý thực hiện và cũng phù hợp với yêu cầu tại Khuyến nghị số 18 của FATF nên nội dung này đã được đưa vào dự thảo.

Tờ trình cho biết, sau khi Nghị định 116 được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện các quy định của pháp luật được các đối tượng báo cáo chú trọng triển khai, số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ (báo cáo GDĐN) do các đối tượng báo cáo gửi cho Ngân hàng Nhà nước tăng dần qua các năm.

Cụ thể, từ năm 2013 đến tháng 6-2019, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận 8219 báo cáo GDĐN, nhiều gấp gần 4 lần so với giai đoạn chưa có Luật phòng, chống rửa tiền và Nghị định 116 (2006-2012). Từ kết quả phân tích báo cáo giao dịch đáng ngờ, từ năm 2013 đến tháng 6-2019, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển giao 721 vụ việc liên quan đến 4.438 báo cáo GDĐN cho các cơ quan chức năng.

Bên cạnh việc tiếp nhận, xử lý và chuyển giao thông tin GDĐN, Ngân hàng Nhà nước còn trao đổi, cung cấp thông tin cho các đơn vị, Bộ, ngành có liên quan trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Theo đó, trong giai đoạn 2013 đến tháng 6-2019, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện gần 805 lượt cung cấp thông tin theo đề nghị của các đơn vị, Bộ, ngành có liên quan.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-ve-phong-chong-rua-tien-ngan-hang-nha-nuoc-lay-y-kien-gop-y-163776.html