Nghị định vừa ban hành, Bộ Xây dựng đã xin đính chính: Lỗi do đâu?

Thấy gì qua việc Bộ Xây dựng vừa có công văn số 333/CP-CN đính chính Nghị định 35/2023/NĐ-CP mới ban hành chưa được 1 tháng?

Đính chính sai sót tại khoản 5 điều 6

Cụ thể, công văn số 333 của Bộ Xây dựng gửi tới các cơ quan, bộ, ngành, địa phương nêu rõ: "Do sơ suất kỹ thuật, xin đính chính sai sót tại khoản 5 điều 6 Nghị định 35 ngày 20-6-2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng như sau:

Khoản 5 điều 6 nghị định 35 viết: "bãi bỏ khoản 2 điều 5, khoản 2 điều 9", nay xin sửa lại: "bãi bỏ khoản 2 điều 9".

Đây là những điều khoản được quy định trong Nghị định 100 ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo công văn đính chính này, Chính phủ, Bộ Xây dựng muốn giữ lại khoản 2 điều 5 Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, sau chưa đầy 1 tháng ban hành Nghị định 35.

Nội dung khoản 2 điều 5 Nghị định 100 vừa được giữ lại như sau: "Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%, tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước... hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương, dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn".

Về những điểm bất cập tại Nghị định 35, trước đó, một số chuyên gia đã chỉ ra cụ thể. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý đất đai kiến nghị ban hành văn bản sửa đổi Nghị định 35 theo hướng: Không bãi bỏ khoản 2 Điều 5 Nghị định 100 đã sửa đổi bởi Nghị định 49 (quy định các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị dưới 2ha/dưới 5ha không phải dành quỹ đất 20% nhà ở xã hội).

Lý giải về kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, Nghị định 35 không sửa khoản 1 Điều 5 Nghị định 100 (đã sửa đổi bởi Nghị định 49) mà giữ nguyên quy định: các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô đủ lớn (từ 2ha trở lên tại đô thị loại đặc biệt, loại I; từ 5ha trở lên tại đô thị loại II, loại III) phải dành quỹ đất 20% nhà ở xã hội. Nhưng lại đồng thời bãi bỏ khoản 2 Điều 5 Nghị định 100 (quy định các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô nhỏ (dưới 2ha tại đô thị loại đặc biệt, loại I; dưới 5ha tại đô thị loại II, loại III) không phải dành quỹ đất 20% nhà ở xã hội).

“Như vậy, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô nhỏ (dưới 2ha/dưới 5ha) tại đô thị loại III trở lên có phải dành quỹ đất 20% nhà ở xã hội hay không vẫn còn bỏ ngỏ, không rõ ràng (không quy định bắt buộc phải dành quỹ đất 20% nhưng cũng không loại trừ việc phải quỹ đất 20%). Nghị định 35 đã có hiệu lực thi hành ngay ngày ký ban hành (ngày 20/6) và quy định dành quỹ đất 20% hiện đang ở trạng thái “địa phương hiểu thế nào thì hiểu”, ông Đỉnh nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh cũng chỉ ra, sự không rõ ràng ở cấp Nghị định tiềm ẩn nguy cơ “ách tắc” thủ tục khi triển khai dự án tại địa phương. Khả năng trong bối cảnh Nghị định quy định không rõ ràng, tự mâu thuẫn thì địa phương sẽ theo hướng áp dụng quy định của văn bản có hiệu lực cao hơn là khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở (quy định: Tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và loại 3 thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội...). Như vậy, giải pháp an toàn cho cán bộ, công chức là mọi dự án không kể quy mô lớn nhỏ vẫn phải dành quỹ đất 20%.

“Nếu các dự án nhà ở thương mại quy mô nhỏ vẫn phải dành đất quỹ đất 20% “siêu mini” sẽ dẫn đến bất cập lớn trong triển khai thực hiện”, ông Đỉnh nói.

Sai sót văn bản, ai chịu trách nhiệm?

Việc Bộ Xây dựng có công văn đính chính Nghị định số 35/2023/NĐ-CP chỉ sau chưa đầy 1 tháng ban hành cũng đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến về “trách nhiệm” của người đứng đầu.

Một dự án nhà ở xã hội tại Phú Yên

Một dự án nhà ở xã hội tại Phú Yên

Tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016) có bước đột phá khi quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hoạt động ban hành văn bản pháp luật. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện (khoản 8 Điều 7).

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Công tác văn thư thì ban hành văn bản phải tuân thủ theo đúng quy trình bao gồm: Soạn thảo văn bản - duyệt văn bản - kiểm tra văn bản trước khi ký – ký và ban hành.

“Như vậy, có thể thấy từng bước trong quy trình ban hành văn bản rất chặt chẽ, đầy đủ để đảm bảo văn bản ban hành đúng quy định của pháp luật, giảm thiểu sai sót. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do thiếu sót ở một số khâu trong quy trình, đồng thời công tác kiểm tra văn bản trước khi ký chưa hiệu quả dẫn đến còn tồn tại một số văn bản sau khi ban hành mới phát hiện ra sai sót, không thể áp dụng trong thực tế hoặc dẫn đến nhầm lẫn, hiểu nhầm”, Luật sư Tâm cho hay.

Theo Luật sư Tâm, khi phát hiện ra văn bản đã ban hành có sai sót hoặc không thể áp dụng, gây nhầm lẫn… thì cá nhân, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản có quyền thu hồi lại văn bản đó. Điều này là đúng và được pháp luật cho phép. Đồng thời, căn cứ vào hậu quả gây ra cũng như xác định lỗi ở khâu nào trong quy trình ban hành văn bản mà xem xét xử lý các cá nhân, tổ chức ban hành văn bản trái quy định.

Về mặt nguyên tắc thì người ký ban hành văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như Thủ trưởng cơ quan về việc ban hành văn bản trái quy định cũng như hậu quả gây ra của văn bản đó. Còn về việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật hiện nay được quy định tại Điều 34 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Câu chuyện phải ra công văn đính chính Nghị định 35 vừa ban hành có lẽ cũng là chuyện sai sót không mong muốn. Nhưng qua đó cũng là một bài học lớn cho những người làm chính sách trong thời gian tới.

Lê Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghi-dinh-vua-ban-hanh-bo-xay-dung-da-xin-dinh-chinh-loi-do-dau-262397.html