Nghỉ học dài: Coi chừng trẻ nghiện game

Đã 3 tháng nay, trẻ nghỉ học để phòng dịch. Việc trẻ ở nhà học online, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế các hoạt động tập thể khiến trẻ dễ buồn và mải chơi game trên mạng.

Từ việc ham chơi đến nghiện game rất nhanh và ảnh hưởng nhiều tới học tập, cuộc sống của trẻ.

Nghiện game là gì?

Không phải đứa trẻ nào thích chơi điện tử cũng là nghiện game. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê nghiện game là một tình trạng sức khỏe tâm thần và thuộc nhóm rối loạn do những hành vi có tính nghiện ngập. Nghiện game là bệnh và có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Trẻ được coi là nghiện game nếu trong suốt thời gian dài (ít nhất 12 tháng) có dấu hiệu bị mất kiểm soát do chơi game. Trẻ chơi game liên tục không làm chủ được thời gian và mức độ chơi game, dù biết điều này đang tổn hại đến sức khỏe. Trẻ dành quá nhiều thời gian chơi game dẫn đến xa rời những việc công việc hoặc hoạt động thường ngày đáng lẽ phải làm, xa rời các mối quan hệ xã hội xung quanh.

Biểu hiện của nghiện game

Các biểu hiện thường thấy ở trẻ ham game đã dần đến mức nghiện hoặc đã nghiện game như: thời gian chơi game nhiều hơn 3 giờ/ngày, liên tục trong thời gian 1 tháng trở lên; có xu hướng muốn tăng thời gian chơi game; không kiểm soát chơi game được, gây ảnh hưởng đến thời gian và giảm hiệu quả cho các công việc khác như vệ sinh cá nhân, học tập, các mối quan hệ xã hội và công việc; có các hành vi nói dối, lừa đảo để đi chơi game, các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp để có tiền chơi game; sử dụng tiền vào game mất kiểm soát để mua thời gian chơi hoặc vật phẩm.

Một số dấu hiệu hoặc triệu chứng cảm xúc của trẻ nghiện game gồm: Cảm giác bồn chồn và/hoặc cáu kỉnh khi không thể chơi. Bận tâm về các hoạt động của trận chơi trước đó hoặc dự đoán về lượt chơi tiếp theo. Nói dối với bạn bè hoặc thành viên gia đình về thời gian chơi. Cô lập bản thân với những người khác để dành nhiều thời gian chơi game hơn.

Quan trọng nhất là phụ huynh giúp trẻ hiểu được tác hại của việc nghiện game dẫn đến mất kiểm soát hành vi.

Quan trọng nhất là phụ huynh giúp trẻ hiểu được tác hại của việc nghiện game dẫn đến mất kiểm soát hành vi.

Trẻ nghiện game khi nào cần can thiệp?

Nếu nhận ra trẻ nghiện game, sẽ không có phụ huynh nào có thể ngồi yên được. Cha mẹ nên theo dõi và tách trẻ ra khỏi thế giới game của mình một cách khéo léo. Có thể test những câu hỏi dưới đây để nhận diện một chứng nghiện game nhằm xác định xem trẻ có cần sự can thiệp của gia đình hay giúp đỡ của những chuyên gia y tế hay không: Trẻ có tự cảm thấy cần cắt giảm việc chơi game lại không? Trẻ có cảm thấy khó chịu vì người khác chỉ trích việc chơi game? Trẻ có bao giờ cảm thấy tồi tệ hay tội lỗi với việc chơi game? Có phải game là thứ đầu tiên trẻ nghĩ đến khi thức dậy vào buổi sáng? Con có sự thay đổi về tâm trạng theo chiều hướng tiêu cực từ khi bắt đầu chơi game không? Giảm những mối quan hệ xã hội - mất liên lạc với bạn bè, gia đình? Hiệu suất tại trường học hay nơi làm việc của trẻ giảm sút mà không có điều gì khác có thể lý giải?

Phụ huynh cũng nên theo dõi thường xuyên các thay đổi hành vi của trẻ. Nếu trẻ có các đặc điểm trên thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tư vấn ngay.

Nên làm gì khi trẻ có dấu hiệu nghiện game?

Cha mẹ thường lo lắng: mọi game đều xấu xa và có ảnh hưởng không tốt. Tuy nhiên, điều này không chính xác trong mọi trường hợp. Để can thiệp, đối phó đúng với một trường hợp trẻ nghiện game thì cần có cách nhìn đúng đắn về game.

Chơi game có thể có nhiều ích lợi, là sự tăng cường sự phối hợp tay - mắt, kĩ năng giải quyết vấn đề và giúp mọi người kết nối với nhau. Thậm chí có những game được xây dựng với mục đích hỗ trợ cho một số tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, chỉ nên chơi dưới 1 giờ mỗi ngày.

Ngoài ra, phụ huynh cần giải thích để trẻ có một cái nhìn tổng quát về các rối loạn tâm thần mắc phải khi chơi game quá nhiều. Khi giải thích, phụ huynh cần kết hợp giữa tác hại và lợi ích của việc chơi game. Không nên quá cấm cản trẻ vì thông thường, càng cấm trẻ lại càng muốn khám phá thêm.Thực tế cho thấy, phụ huynh càng cấm đoán trẻ thì đôi khi lại làm trẻ cảm thấy động lực hơn, khao khát chơi game hơn. Do đó, điều quan trọng nhất là giúp trẻ hiểu được những tác hại của nghiện game, đồng thời giúp trẻ điều chỉnh hành vi ngay từ khi trẻ có dấu hiệu ham chơi game. Do đó việc theo sát những hoạt động hằng ngày của trẻ cũng như có sự quan tâm kịp thời của bố mẹ là vô cùng cần thiết.

BS. Nguyễn Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghi-hoc-dai-coi-chung-tre-nghien-game-n172907.html