Nghĩ khác, làm khác
Trong sản xuất, kinh doanh, để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững, ngoài những yếu tố cạnh tranh chính như: chất lượng, giá cả, mẫu mã… thì một trong những yếu tố quan trọng không kém là làm sao tạo nên sự khác biệt có ý nghĩa với sản phẩm cùng loại nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Câu chuyện của con tôm và hạt gạo Sóc Trăng sẽ lý giải phần nào về tầm quan trọng của sự khác biệt này.
Nói đến lúa gạo Sóc Trăng, mọi người ắt sẽ nhắc đến cái tên ST24, ST25 do Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự nghiên cứu, lai tạo nên. Đặc biệt là giống ST25 đã làm rạng danh ngành lúa gạo Việt Nam khi lần đầu tiên được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Đó là kỳ tích, là niềm tự hào không chỉ của ngành lúa gạo Sóc Trăng, mà còn của cả ngành lúa gạo Việt Nam. Để có được kỳ tích và niềm tự hào đó, ngay từ năm 1997, khi mà vấn đề an ninh lương thực còn được đặt lên hàng đầu, lãnh đạo tỉnh khi đó đã có tầm nhìn xa khi quyết định ủng hộ đề xuất nghiên cứu lúa thơm không quang cảm của kỹ sư Hồ Quang Cua.
Đây là một ý tưởng, là hướng nghiên cứu táo bạo vì ngoài vấn đề an ninh lương thực, về mặt học thuật cũng chưa có tiền lệ, bởi thay vì chọn phương pháp lai đơn truyền thống, kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự lại chọn cho mình con đường khó khăn hơn, mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí hơn để đạt mục tiêu có được giống lúa “thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon” bằng phương pháp lai phức. Chính từ sự dám nghĩ khác và dám làm khác với những nhà khoa học đầu đàn lúc bấy giờ đã giúp ông và các cộng sự tạo ra được sự khác biệt về hương thơm, về thời gian sinh trưởng, về năng suất… trong các giống ST24, ST25, đưa giống ST24 lọt vào top 3 “Gạo ngon nhất thế giới năm 2017” và giống ST25 được công nhận “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Từ đây, hạt gạo Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ “Gạo ngon nhất thế giới”, giúp giá trị hạt gạo Việt Nam tăng lên trong những năm qua.
Không những dám nghĩ, dám nghiên cứu giống lúa thơm bằng phương pháp lai phức với nhiều dòng bố mẹ, kỹ sư Hồ Quang Cua còn gia tăng thêm sự khác biệt cho hạt gạo thơm ST của mình bằng quy trình sản xuất gạo sạch lúa - tôm và cao cấp hơn là gạo ST được chứng nhận hữu cơ từ Mỹ và EU. Sự khác biệt về chất lượng, về hương thơm, về an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ giúp gạo ST nâng cao về mặt giá trị mà còn vươn xa trên thị trường thế giới, thu hút sự quan tâm của các nhà nhập khẩu, nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng thế giới ở phân khúc gạo cao cấp.
Tương tự hạt gạo, con tôm nước lợ Sóc Trăng cũng từng bước đi lên, chinh phục thị trường thế giới bằng tư duy nghĩ khác, làm khác. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, khi nghề nuôi tôm nước lợ bắt đầu manh nha hình thành với đối tượng nuôi chính là con tôm sú theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến thì ngay tại Sóc Trăng, con tôm sú đã được nâng cấp nuôi theo mô hình bán thâm canh và không lâu sau đó là thâm canh. Từ đây, nghề nuôi tôm Sóc Trăng không ngừng phát triển và đến hiện tại, dù diện tích thả nuôi hàng năm chỉ trên 50.000ha, tức chỉ bằng 1/3 – 1/4 so với Bạc Liêu, Cà Mau hay Kiên Giang nhưng sản lượng tôm Sóc Trăng luôn nằm trong top đầu của cả nước.
Không chỉ có nghề nuôi tôm nước lợ dám nghĩ khác, làm khác, mà lĩnh vực chế biến xuất khẩu tôm của tỉnh cũng mạnh dạn thay đổi quy trình, công nghệ để hướng đến những phân khúc thị trường khó tính bằng sản phẩm tinh chế giá trị gia tăng cao. Từ thị trường Mỹ, EU đến Nhật, Hàn Quốc… đều có sự hiện diện của doanh nghiệp ngành tôm Sóc Trăng với những sản phẩm chế biến sâu được người tiêu dùng ưa chuộng và tín nhiệm. Những doanh nghiệp tên tuổi lớn của tỉnh như: Stapimex, Sao Ta, Vinacleanfood… hàng năm đều nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của cả nước, giúp giá tôm nguyên liệu trong tỉnh luôn giữ ở mức cao hơn so với các tỉnh nuôi tôm trong khu vực. Đó là sự khác biệt và cũng chính từ sự khác biệt này đã đưa kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh không ngừng tăng lên và theo dự báo, tương lai không xa, Sóc Trăng sẽ trở thành tỉnh xuất khẩu tôm trọng điểm của cả nước.
Trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt, nên để tồn tại và phát triển là một điều không hề đơn giản. Và đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần nhiều hơn những tư duy dám nghĩ khác, làm khác bởi chỉ có như thế, sản phẩm làm ra mới có sức cạnh tranh và mang lại giá trị lợi nhuận cao. Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nếu như chúng ta trồng lúa chỉ nghĩ đến hạt lúa, thì chúng ta chỉ thu sản phẩm là hạt lúa, nhưng nếu chúng ta nghĩ thêm chút nữa về thức ăn chăn nuôi, về trồng nấm, về năng lượng sinh khối từ vỏ trấu… thì chúng ta sẽ thu được nhiều hơn, giá trị lớn hơn. Muốn được như vậy, chúng ta cần phải dám nghĩ khác và làm khác với những gì hiện tại chúng ta đang làm. Có như vậy, nông nghiệp mới có thể phát triển một cách hiệu quả và bền vững nhất.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/nghi-khac-lam-khac-52768.html