Nghỉ làm đầu năm vì dư âm say ngày Tết

Vừa hết Tết, Thanh Tâm buộc phải nghỉ làm vì vẫn còn say rượu, không thể lái xe. Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân đã uống rượu bia thì không lái xe.

 Theo bác sĩ, rượu bia có thể lưu lại trong cơ thể tới 24 giờ sau khi uống. Ảnh: Sportscenteryakima.

Theo bác sĩ, rượu bia có thể lưu lại trong cơ thể tới 24 giờ sau khi uống. Ảnh: Sportscenteryakima.

Từ ngày mùng 6 Tết, nhiều cơ quan, công ty trở lại làm việc. Tuy nhiên, do dư âm ngày Tết, một số người đã phải xin nghỉ làm đầu năm vì vẫn còn trong trạng thái mệt mỏi và say rượu sau tiệc tùng.

Chủ động xin nghỉ làm hoặc tìm người làm thay

Hơn 8h sáng, Thanh Tâm (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM) tỉnh giấc với chiếc đầu nặng như búa bổ, hai mắt nặng trĩu. Tối hôm trước, Tâm cùng nhóm bạn cấp 2 hẹn nhau họp lớp, sau đó cả nhóm kéo nhau đến quán nhậu và uống bia đến gần nửa đêm.

"Tối mùng 5 Tết, biết bản thân say hôm sau không thể lái xe đi làm, tôi đã chủ động xin nghỉ", Tâm chia sẻ.

Những ngày Tết, Như Hồ (28 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau) hầu như ngày nào cũng nhắc nhở chồng tiết chế các buổi rượu bia với bạn bè. Chồng cô là tài xế ôtô nên ngày nào cũng kín lịch chở khách đi chơi Tết.

"Thông thường, nếu uống rượu vào tối hôm trước, sáng hôm sau, anh ấy có thể lái xe làm việc bình thường. Trường hợp uống quá nhiều và quá say, sáng hôm sau, anh buộc phải nghỉ hoặc tìm tài xế khác thay thế. Nhưng do công việc gánh trách nhiệm an toàn, chúng tôi luôn ý thức uống ít, đảm bảo tỉnh táo", Như Hồ chia sẻ.

Trái lại, Minh Phát (23 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre) vẫn lái xe máy sau khi uống 7 lon bia.

"Dịp Tết, dường như ngày nào tôi cũng có tiệc tùng và phải uống bia. Tôi có thể uống tận 7 lon bia nhưng vẫn không quá say và còn đủ tỉnh táo. Mấy ngày Tết, nhà tôi rất bận rộn, nên vừa nhậu xong tôi phải đi công việc cho gia đình", Phát cho hay.

Thực tế, trường hợp như Minh Phát không hiếm. Một số người cảm thấy mình vẫn đủ tỉnh táo để lái xe. Hành động này vừa gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông, vừa vi phạm pháp luật.

Theo quy định, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligram/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligram/1 lít khí thở đã bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe.

 Bác sĩ cho biết cách tốt nhất để đảm bảo an toàn khi lái xe là không uống rượu bia. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Bác sĩ cho biết cách tốt nhất để đảm bảo an toàn khi lái xe là không uống rượu bia. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Thời gian lái xe an toàn sau khi uống rượu bia

Về nguyên lý, sau khi rượu bia được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu hoạt động đào thải thông qua các con đường gồm tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, trong đó 90% vai trò này nằm ở gan.

Nhưng khả năng của gan có hạn. Nó chỉ sản sinh lượng enzyme nhất định mỗi giờ, ứng với lượng cồn nhất định được chuyển hóa, vì vậy nếu uống quá nhiều gan sẽ không kịp sản xuất.

Theo bác sĩ Hoàng Hà Linh, Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, về mặt lý thuyết, thời gian rượu, bia lưu lại trong cơ thể sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như đặc điểm cá nhân, mức độ và tốc độ uống của mỗi người. Một số xét nghiệm từng phát hiện rượu, bia có thể lưu lại trong cơ thể tới 24 giờ sau khi uống.

Tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu giảm xuống khoảng 0,015% mỗi giờ. Điều này đúng với hầu hết trường hợp, bất kể cân nặng, chiều cao, tuổi tác hay những yếu tố khác. Hiểu đơn giản, đây là tốc độ cơ thể chúng ta có thể chuyển hóa chất cồn và loại bỏ nó ra khỏi các cơ quan.

"Cơ thể chúng ta chuyển hóa rượu với tốc độ không đổi, khoảng một ly mỗi giờ. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi phần nào dựa trên loại rượu, sức khỏe thể chất hoặc khuynh hướng di truyền của mỗi người", bác sĩ Linh phân tích.

Giới hạn hàm lượng cồn an toàn cho lái xe

Theo TS.BS Võ Hồng Minh Công, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), trong y khoa, ngưỡng an toàn khi uống bia rượu là 300 ml/ngày đối với bia, rượu vang 150 ml/ngày và rượu mạnh 50 ml/ngày. Nếu uống đúng giới hạn cho phép, lượng cồn này sẽ tốt cho tiêu hóa và hệ tim mạch.

“Tiếc thay, những người ngồi trên bàn nhậu luôn uống vượt qua các ngưỡng an toàn này", bác sĩ Công nói.

Ngưỡng này ở mức trên 30 g cồn/ngày đối với nam và trên 20 g cồn/ngày đối với nữ. Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong máu và tốc độ cơ thể đào thải rượu bia, việc tiêu thụ quá ngưỡng dần dần khiến não rối loạn các hành vi và phản xạ chậm hơn.

BS CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết say rượu xuất hiện sau khi cơ thể tiêu thụ một lượng lớn rượu. Lượng rượu gây ra tình trạng say rượu không được xác định cụ thể là bao nhiêu.

"Một ly rượu có thể gây ra di chứng say rượu với người này trong khi một số người có thể dung nạp được cả lít rượu nhưng chưa có biểu hiện say", bác sĩ Vũ nói.

Mức độ say rượu phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm:

- Đối tượng dễ say: Nữ giới, trẻ em nhẹ cân, có bệnh yếu mệt, đang đói, uống lần đầu, ít khi uống, không hợp, hệ số oxy hóa cồn thấp.

- Say rượu do cách uống: Uống rượu pha nước ngọt, nước có gas (do hấp thu nhanh hơn), uống rượu mạnh (độ cồn cao), rượu không rõ nguồn gốc (chứa chất độc hóa học), uống nhiều, uống liên tục và không ngắt quãng.

Bác sĩ Minh Công khuyến cáo uống rượu bia quá ngưỡng cho phép có thể dẫn đến hành vi, nhận thức và hoạt động không chuẩn, phản xạ chậm cũng như dễ gây ra tai nạn. Do đó, cách tốt nhất là người dân đã uống rượu bia thì không nên lái xe.

Bích Huệ - Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghi-lam-dau-nam-vi-du-am-say-ngay-tet-post1396732.html