Nghi lễ bí ẩn 3.000 năm tuổi ẩn chứa trong lăng mộ vua Tutankhamun
Hơn thế kỷ sau phát hiện mang tính biểu tượng của nhà khảo cổ học, nhà Ai Cập học người Anh Howard Carter về lăng mộ gần như còn nguyên vẹn của vị vua trẻ tuổi Tutankhamun, các nhà khoa học vẫn tiếp tục khám phá những bí ẩn chưa lời giải trong kho tàng khảo cổ vĩ đại này.
Trong số hàng nghìn cổ vật bằng vàng, ngọc và gỗ quý, có bốn chiếc khay đất sét hình chữ nhật nhỏ bé từng bị xem nhẹ nay lại trở thành trung tâm của một giả thuyết khảo cổ mới đầy cuốn hút: rằng chúng là phần còn sót lại của một nghi lễ tang lễ cổ đại, gắn liền với thần Osiris, vị thần cai quản sự sống sau cái chết.
Phát hiện bị lãng quên giữa kho báu trác tuyệt
Năm 1922, thế giới chấn động trước tin nhà khảo cổ Howard Carter khai quật thành công lăng mộ của vua Tutankhamun, một vị pharaoh trẻ tuổi thuộc Vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại. Gần như không bị cướp phá, lăng mộ chứa đựng hơn 5.000 hiện vật, từ quan tài bằng vàng, mặt nạ tang lễ lộng lẫy cho tới xe ngựa, đồ trang sức và nhiều báu vật khác. Howard Carter đã cẩn thận ghi chép và chụp ảnh từng món đồ, tạo nên một kho dữ liệu khảo cổ đồ sộ cho đến tận ngày nay.

Phòng chôn cất trong lăng mộ vua Tutankhamun.
Tuy nhiên, giữa hàng nghìn cổ vật quý giá ấy, có một nhóm vật thể nhỏ bé bị bỏ qua: bốn khay đất sét hình chữ nhật, không nung, được đặt trên một tấm thảm ở góc phòng chôn cất, bên cạnh bốn biểu tượng bằng gỗ được mô tả là "emblems" - các biểu tượng nghi lễ. Trong báo cáo ban đầu, Howard Carter chỉ nhắc đến chúng một cách ngắn gọn và cho rằng đây có thể là các đế để đỡ những cây gậy mạ vàng hay vật trang trí.
Các ghi chép về 4 khay đất sét này cũng rất sơ sài và chúng còn không có mặt trong bộ ảnh hơn 1.400 tấm do nhiếp ảnh gia Harry Burton thực hiện trong quá trình khai quật. Gần như bị lãng quên, các khay đất sét này chỉ được nhắc đến qua loa trong suốt hàng chục năm sau đó cho đến khi một nhóm nhà khảo cổ học bắt đầu đặt câu hỏi về vai trò thực sự của chúng.
Những tháng đầu năm 2025, nhà Ai Cập học Nicholas Brown đến từ Đại học Yale (Mỹ) đã mở lại nghiên cứu chức năng thực sự của những chiếc khay bí ẩn này. Dựa trên vị trí, kích thước và chất liệu của khay, cũng như sự so sánh với các phát hiện trong các lăng ướp xác ở Thung lũng các vị vua và lăng mộ vua Horemheb, trong bài viết đăng trên tờ Journal of Egyptian Archaeology, Nicholas Brown lập luận rằng những chiếc khay đất sét nhỏ này không phải là đế đỡ đơn thuần, mà là những vật thiêng liêng, từng được sử dụng trong một nghi lễ phục sinh liên quan đến thần Osiris, vị thần biểu tượng cho cái chết, sự sinh sôi và tái sinh trong tín ngưỡng Ai Cập cổ.
Ngay lập tức, giả thuyết về nghi lễ cổ xưa mang tên "Sự thức tỉnh của Osiris" đã dấy lên làn sóng tranh luận mới trong giới Ai Cập học. Bởi lẽ, trong thần thoại Ai Cập cổ đại, Osiris không chỉ là vị thần của cõi chết mà còn là biểu tượng của sự tái sinh, của mùa màng trở lại, của chu kỳ bất tận giữa sống và chết. Nghi lễ liên quan đến thần Osiris không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn phản ánh niềm tin sâu sắc vào khả năng con người có thể sống lại trong một dạng tồn tại khác sau khi qua đời.
Nghi lễ "Sự thức tỉnh của Osiris"
Trong thần thoại Ai Cập, thần Osiris bị sát hại bởi em trai Seth và bị chặt xác ra thành nhiều mảnh. Con trai ông - Horus, với sự hỗ trợ của nữ thần Isis, đã thu nhặt từng mảnh xác và hồi sinh cha mình bằng quyền năng ma thuật. Thần Osiris từ đó, trở thành vị vua cai trị thế giới bên kia, còn Horus lên ngôi ở thế giới người sống. Đây không chỉ là một câu chuyện tôn giáo, mà là cốt lõi của hệ thống niềm tin của người Ai Cập cổ: người chết có thể tái sinh nếu thực hiện đúng nghi lễ để đồng nhất với thần Osiris.
Theo Nicholas Brown, trong nghi lễ "Sự thức tỉnh của Osiris", Horus (hoặc người đóng vai Horus) đánh thức cha mình khỏi cái chết để ông có thể hồi sinh và cai trị thế giới bên kia và rằng, vua Tutankhamun, người lên ngôi khi mới khoảng 9 tuổi và chết khi mới 18 hoặc 19, có thể đã được ban cho một nghi thức tang lễ mang tính biểu tượng cao, nhằm bảo đảm ông sẽ được tái sinh giống như thần Osiris.
Để minh chứng cho luận điểm của mình, Nicholas Brown đã giải thích từng chi tiết khảo cổ học một cách cụ thể. Thứ nhất, về mặt vật lý, các khay đất sét hình chữ nhật quá nhỏ và quá nông để có thể đỡ những biểu tượng gỗ tương đối lớn và nặng. Không có dấu vết nào cho thấy các biểu tượng từng được gắn chặt hay đặt vững chãi trong khay. Trái lại, trong các ghi chép khai quật, những biểu tượng gỗ này đều được phát hiện trong tư thế tựa vào tường hoặc đặt nghiêng, hoàn toàn tách biệt với các khay đất sét. Thứ hai, việc đặt cả cụm gồm khay và biểu tượng trên một tấm thảm cũng khác lạ. Nếu mục đích của các khay chỉ là nâng đỡ vật thể khác, thì tấm thảm là hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, nếu đây là khu vực được chuẩn bị cho một nghi lễ cụ thể như nghi lễ tưới rượu, đổ sữa hay thanh tẩy thi thể… thì tấm thảm có thể đóng vai trò bảo vệ sàn mộ, hoặc đơn giản là tạo không gian thiêng liêng.
Thứ ba, chất liệu của khay cũng đáng lưu ý. Chúng được làm từ đất sét lấy từ sông Nile - loại đất mang tính biểu tượng sâu sắc trong văn hóa Ai Cập cổ. Sông Nile không chỉ là nguồn sống vật chất mà còn gắn liền với biểu tượng tái sinh và sự tuần hoàn vĩnh cửu của thiên nhiên. Trong ngữ cảnh này, việc dùng đất sét sông Nile để tạo ra các khay nghi lễ có thể chứa nước, sữa hoặc chất lỏng thiêng liêng hoàn toàn phù hợp với triết lý về cái chết và sự hồi sinh. Cuối cùng, bằng chứng từ các ngôi mộ khác cũng đặt dấu hỏi cho giả thuyết "đế đỡ". Trong lăng mộ của vua Horemheb - người kế vị Tutankhamun, các khay tương tự được phát hiện có chứa dấu vết chất lỏng, bao gồm một lớp cặn trắng hoặc vàng nhạt, có thể là sữa hoặc tinh thể còn sót lại của nước thiêng.
Do đó, nhà Ai Cập học Nicholas Brown nhận định, tất cả những dấu hiệu này khiến giả thuyết coi các khay chỉ là "đế đỡ" trở nên không thuyết phục. Ngược lại, chúng dường như là một phần của một nghi thức cổ xưa, mang tính biểu tượng cao - nghi lễ có thể đã bị mai một, nhưng vẫn để lại dấu vết vật chất đủ rõ ràng để người hiện đại có thể tái dựng và chiêm nghiệm. "Chúng ta có thể đang đứng trước bằng chứng đầu tiên và duy nhất về nghi lễ "Sự thức tỉnh của Osiris". Được thực hiện trong một lăng mộ hoàng gia thời Tân Vương quốc". Nếu đúng, điều này không chỉ làm sáng tỏ vai trò nghi lễ của các khay đất sét, mà còn cung cấp dữ liệu quan trọng về sự tiến hóa của tín ngưỡng tang lễ trong giai đoạn sau Akhenaten - thời kỳ đầy biến động về tôn giáo tại Ai Cập", Nicholas Brown nhấn mạnh.

Tutankhamun được miêu tả đội mũ miện nemes khi thần Osiris chào đón ông vào cõi âm bằng một cái ôm.
Di sản khảo cổ chưa có lời kết
Trong khi đó, nhà Ai Cập học Jacobus Van Dijk thuộc Đại học Groningen, Hà Lan lại bổ sung thêm một hướng tiếp cận khác nhưng không kém phần thú vị. Dựa trên văn bản tang lễ cổ đại có tên "Sách của người chết", Jacobus Van Dijk cho biết, có một đoạn văn mô tả bốn khay đất sét nhỏ được đổ đầy sữa và khi bình minh tới, các ngọn đuốc thắp sáng thi thể người chết suốt đêm sẽ được dập tắt, một hình ảnh biểu trưng cho sự phục sinh của thần mặt trời và thần Osiris và cùng với họ là linh hồn người chết.
Jacobus Van Dijk cho rằng, bí mật của nghi lễ này có thể ẩn giấu trong chính những chất còn sót lại trong khay, đặc biệt là các khay từ lăng mộ pharaoh Horemheb. Nếu được phân tích hóa học, những tàn tích này có thể xác định rõ chức năng thực sự của khay: là nơi thực hiện một nghi lễ cụ thể như: tẩy trần, cầu nguyện, hay đánh dấu thời điểm linh hồn người chết bắt đầu hành trình tới thế giới bên kia.
Đồng thời, Jacobus Van Dijk cũng cho rằng, để hiểu rõ vai trò của các nghi thức này, cần đặt chúng vào bối cảnh chính trị, tôn giáo thời bấy giờ. Giai đoạn trị vì của vua Tutankhamun mang ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Người tiền nhiệm của ông, vua Akhenaten, là một vị vua cách tân, đã tiến hành cải cách tôn giáo triệt để, chuyển từ thờ đa thần sang tôn thờ độc thần với trung tâm là đĩa mặt trời Aten. Những cải cách này dẫn đến việc loại bỏ nhiều nghi lễ và tín ngưỡng truyền thống, bao gồm cả vai trò trung tâm của thần Osiris trong nghi lễ hậu thế.
Sau cái chết bí ẩn của vua Akhenaten, vua Tutankhamun lên ngôi và nhanh chóng đảo ngược những cải cách này bằng cách khôi phục lại các vị thần cổ truyền và hệ thống tôn giáo cũ. Các đền thờ của thần Amun, thần Osiris và nhiều vị thần khác đã hoạt động trở. Jacobus Van Dijk cho rằng, trong quá trình phục hồi truyền thống đó, nghi lễ "Sự thức tỉnh của Osiris" có thể đã được tái cấu trúc và đưa vào nghi thức tang lễ hoàng gia.
Rõ ràng, trong thế giới Ai Cập cổ đại, nơi sự sống và cái chết không phải là điểm đầu - cuối mà là một chu trình bất tận, thì những nghi lễ như vậy mang ý nghĩa sâu sắc không chỉ về mặt tôn giáo mà còn về chính trị và văn hóa. Dù thời gian có thể đã xóa nhòa nhiều manh mối, các khay đất sét từ lăng mộ Tutankhamun vẫn thì thầm với hậu thế về một thế giới tâm linh phức tạp, nơi người sống và người chết cùng hòa vào vũ trụ linh thiêng bao la của các vị thần.