Nghị lực chiến thắng bệnh ung thư của Hoa khôi truyền cảm hứng Thủy Tiên

Đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, tuổi 19 với nhiều ước mơ, hoài bão, Đặng Trần Thủy Tiên – sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội bất ngờ nhận tin bị bệnh ung thư vú giai đoạn 2A. Vượt qua cú sốc tinh thần, vượt qua tuyệt vọng, Thủy Tiên tự nhủ phải cố gắng điều trị và đã chiến thắng căn bệnh ung thư.

“Chết lặng” khi biết tin mình bị ung thư vú

Tháng 6/2019, Thủy Tiên phát hiện có cục hạch nhỏ bằng đầu ngón tay, cứng, di chuyển ở phần ngực. Tiên đi khám, bác sĩ kết luận là u xơ và chỉ định tiểu phẫu cắt u. Sau khi thực hiện cắt u, bác sĩ khuyên gửi hạch đi sinh thiết và khi nhận kết quả, Tiên không thể tin vào sự thật: “Em bị ung thư vú giai đoạn 2A - không sớm, không muộn nhưng không thể khẳng định có thể chữa khỏi hoàn toàn”.

Thủy Tiên chết lặng: “Lúc đó, em như rơi xuống hố sâu và không thấy điểm dừng. Em cũng không biết làm thế nào để vượt qua. Em tự hỏi mình còn quá trẻ để chịu một ‘bản án’ treo…” Trước mặt bố mẹ, người thân, Thủy Tiên giấu nước mắt vào trong, “vì em sợ, nếu em khóc thì bố mẹ em không chịu nổi” – Thủy Tiên trải lòng.

Để rồi khi ở một mình, Thủy Tiên mới dám khóc, “Em cảm thấy như rơi xuống một hố sâu mà chưa biết phải làm thế nào ?”. Khi chia sẻ thông tin này với bạn bè, Thủy Tiên cho biết, bạn bè của Tiên cũng không tin sự thật này, tưởng Tiên đùa mọi người. Và rồi khi biết đó là thật, bạn bè cùng trang lứa với Tiên đều “sốc”.

Và rồi vượt qua “cú sốc” ấy, Thủy Tiên bước vào quá trình điều trị căn bệnh ung thư. Tiên tự nhủ, bên cạnh mình còn gia đình, thầy cô và bạn bè, Tiên cho phép mình buồn nhưng không bao giờ cho phép mình gục ngã. Cô luôn giữ nụ cười trên môi để động viên bố mẹ, “để mọi người không thấy mình tuyệt vọng”.

“Ung thư chỉ như một thử thách trong cuộc đời”

Ngày 1/7/2019, Thủy Tiên được phẫu thuật cắt nửa ngực trái, tiếp đó là hành trình hóa trị kết hợp xạ trị. Mỗi tuần một lần, Thủy Tiên này phải truyền hóa chất nên Tiên chủ động xin bảo lưu kết quả học tập tại trường Đại học Ngoại Thương để tập trung chữa bệnh.

Và khác với nhiều bệnh nhân ung thư, trước khi phải truyền hóa chất, Thủy Tiên chủ động cạo trọc đầu, không để tóc tự rụng khi có hóa chất đi vào cơ thể.

Tháng 10/2019, Thủy Tiên quyết định tham gia thi “Duyên dáng Ngoại thương” dù đang trong quá trình điều trị. Tham gia một cuộc thi sắc đẹp, tài năng khi cơ thể đang yếu, đang tiếp nhận hóa chất và đặc biệt là tại vòng thi cuối cùng, Thủy Tiên để đầu trọc bước lên sân khấu, Thủy Tiên bộc bạch rằng: “Em tham gia cuộc thì vì chính em, em muốn vượt qua được chính mình”.

Thủy Tiên lên sân khấu cuộc thi "Duyên dáng Ngoại thương".

Thủy Tiên lên sân khấu cuộc thi "Duyên dáng Ngoại thương".

“Em cũng không muốn giấu chuyện mình bị ung thư. Ung thư không có gì là xấu, nó chỉ là một thử thách trong cuộc đời mà em sẽ phải trải qua thôi” – Thủy Tiên nói thêm. Dù không đạt giải cao nhất trong đêm chung kết nhưng Thủy Tiên được trao danh hiệu “Hoa khôi truyền cảm hứng”.

Sau khi vượt qua chính mình, Thủy Tiên có dịp tham gia nhiều sự kiện và lan tỏa năng lượng sống mạnh mẽ của mình đến với đông đảo cộng đồng. Tiên cũng dành nhiều thời gian cho những người cùng cảnh ngộ và hiểu rằng có những người còn khó khăn hơn, hành trình chiến đấu với căn bệnh còn khắc nghiệt hơn mình nhưng họ vẫn rất lạc quan, kiên cường.

Thủy Tiên truyền cảm hứng tới nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Thủy Tiên truyền cảm hứng tới nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Vào ngày 28/10/2020, Thủy Tiên được nhận “Tấm bằng tốt nghiệp viện K”. Tiên chia sẻ, “Cho đến tận giờ phút này, em vẫn không thể tin được là đã xuất viện. Hơn 1 năm điều trị, quả thực là hành trình dài đầy cảm xúc: từ u uất, tuyệt vọng khi nhận kết quả ung thư cho đến niềm hạnh phúc, bình yên thực sự trong tâm trí”.

“Biệt dược” chữa ung thư

Cả một hành trình dài điều trị ung thư, phẫu thuật, hóa trị rồi xạ trị, mỗi ngày điều trị đều là một thử thách không nhỏ đối với bệnh nhân ung thư. Thủy Tiên nhớ nhất những ngày đầu truyền hóa chất, Tiên trong tình trạng mệt mỏi, nôn nao, móng tay móng chân đen, da sạm đi do hóa chất, bạch cầu thấp, thiếu máu.

Nhưng rồi Tiên vẫn cố gắng: “Mỗi lần đứng trước gương em không cầm được nước mắt nhưng cố gắng lạc quan, giữ vững tinh thần vì em hiểu rằng hóa chất đó giúp tiêu diệt tế bào ung thư”.

Chính tinh thần ấy, niềm tin mãnh liệt ấy, sự lạc quan ngưỡng mộ ấy đã đóng góp không nhỏ vào quá trình điều trị ung thư của Thủy Tiên. Đó như một loại “biệt dược” giúp Thủy Tiên chiến thắng căn bệnh quái ác.

Giờ đây, Thủy Tiên đã quay trở lại nhịp sống năng động của một cô sinh viên trường Đại học Ngoại Thương, vừa đi học vừa đi làm và tham gia nhiều dự án hỗ trợ những bệnh nhân ung thư. Nhìn Thủy Tiên luôn rạng rỡ nụ cười, có lẽ ít ai đoán được, cô ấy đã từng là một “chiến binh K”.

Vào hồi 9h30 thứ 6 ngày 19/3/2021, Thủy Tiên sẽ cùng tham gia Giao lưu trực tuyến “‘Biệt dược’ chữa ung thư” của Báo Đại Đoàn Kết để chia sẻ quá trình điều trị bệnh của mình. Đặc biệt, Thủy Tiên sẽ chia sẻ về niềm tin, sự lạc quan của mình để có thể chiến thắng ung thư tới tất cả mọi người.

Chương trình Giao lưu trực tuyến “‘Biệt dược’ chữa ung thư” do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức nhằm giúp người bệnh tự tin chiến đấu với bệnh ung thư và giúp bạn đọc có một góc nhìn khoa học, lạc quan về căn bệnh này.

Quý độc giả có thể đặt câu hỏi cho Thủy Tiên cùng những khách mời tham gia chương trình qua địa chỉ email: bbtdko@gmail.com.

Trân trọng.

LAN ANH - LÊ VIỆT

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nghi-luc-chien-thang-benh-ung-thu-cua-hoa-khoi-truyen-cam-hung-thuy-tien-556499.html