Nghị lực của chàng trai mất thính lực 1 bên tai, 6 năm chinh phục 4 bằng đại học
Gia cảnh khó khăn với một bên tai mất thính lực nhưng với sự nỗ lực vươn lên, anh Trần Việt Dũng (32 tuổi) đã chinh phục 4 bằng đại học trong hơn 6 năm.
Chỉ trong hơn 6 năm, anh Trần Việt Dũng (sinh năm 1992, Thái Bình) đã chinh phục thành công 4 bằng đại học. Cụ thể, anh tốt nghiệp cử nhân các ngành Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Luật kinh tế tại Trường Đại học Ngoại thương và ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Hành trình chinh phục 4 bằng đại học của chàng trai mất thính lực 1 bên tai
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi mới 11 tháng tuổi, anh Dũng mắc phải căn bệnh viêm màng não - một căn bệnh dễ gây ra biến chứng nặng nề.
Anh Dũng kể lại: “Lúc đó, bố mẹ thấy tôi sốt cao, không nghĩ nhiều nên đưa tôi đi khám. Vào cuối năm 1992, kiến thức về y tế còn hạn chế, nên bố mẹ cũng không hiểu rõ tình trạng của tôi. Sau khi kiểm tra, bác sĩ thông báo tôi bị viêm màng não và cảnh báo về những di chứng có thể xảy ra sau này”.
Mãi cho đến khi anh Dũng 9 tuổi, trong một lần theo mẹ ra bưu điện gọi điện cho bà ngoại, mẹ anh vô tình phát hiện anh không nghe được bằng tai trái. Dù gia đình đưa anh đi thăm khám ở một số nơi, nhưng vì không đủ khả năng chi trả chi phí và kết quả điều trị không khả quan, gia đình dần chấp nhận rằng anh chỉ còn thính lực ở một bên tai.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, anh Dũng cho hay gia đình mình thuộc diện khó khăn. Từ khi còn nhỏ, anh đã ý thức được điều đó, nhất là khi anh nhìn bố mẹ phải lao động vất vả nuôi con cái ăn học.
Tuổi thơ anh Dũng gắn liền với hình ảnh người cha với chiếc xe máy, hàng ngày chạy xe ôm với thu nhập khoảng 20 nghìn đồng/1 ngày. Mẹ anh bán nước mía, ngày nhiều nhất cũng chỉ kiếm được hơn 30 nghìn đồng. Khoảng thời gian đó, thu nhập một ngày của bố mẹ anh Dũng chưa đến 100 nghìn đồng. Đến khi anh học lớp 10, bố mẹ mới xây được một căn nhà vỏn vẹn 16m2.
“Gia đình sống trong cảnh thiếu thốn từ khi tôi còn nhỏ, đến mức việc học hành trở thành một thách thức lớn. Sau này, việc tôi muốn theo học nhiều chuyên ngành, khiến chi phí cho học tập trở nên quá sức với gia đình.
Mẹ tôi là một người bán nước mía bình thường và mẹ đã phải làm việc vất vả để nuôi sống gia đình. Mẹ tôi đã từng đi bộ bốn cây số mỗi ngày trong mùa đông rét buốt để bán từng ly nước mía. Dù chỉ bán được vài chục nghìn đồng nhưng mẹ luôn chăm chỉ và yêu nghề.
Công việc của mẹ rất cực nhọc nhưng bà luôn dạy anh em tôi rằng sự trung thực và phẩm giá là điều quan trọng nhất. Mẹ thường nói: “Dù có nghèo đến đâu, con cũng phải sống thật thà”.
Trong tâm thức của tôi, việc học hành là con đường duy nhất để thoát nghèo, và điều đó đã thúc đẩy tôi không ngừng nỗ lực. Động lực lớn nhất của tôi là mong muốn vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Tôi đã cố gắng rất nhiều để đạt được mục tiêu học tập cao nhất”, anh Dũng nói.
Khó khăn lớn nhất của anh Dũng chính là việc mất đi thính lực một bên tai, điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập của anh. Trong suốt quá trình học phổ thông, anh luôn phải xin phép giáo viên được ngồi ở bàn đầu để nghe rõ bài giảng.
Qua thời gian quan sát những câu chuyện trong cuộc sống, anh Việt Dũng nhận ra rằng nhiều người xung quanh, nhờ học giỏi, đã có cơ hội vào các trường đại học và có được công việc ổn định. Chính điều đó đã thúc đẩy nam sinh 16 tuổi khi ấy nỗ lực hơn nữa trong học tập, từ việc học ở trường chuyên đến việc tiếp tục phấn đấu để đỗ vào một trường đại học tốt.
Năm 2010, anh Dũng đỗ vào Trường Đại học Ngoại thương ngành Kinh tế, chuyên ngành Thương mại quốc tế. Sau khi hoàn thành năm học đầu tiên, anh quyết định học thêm ngành Tài chính - Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính quốc tế để mở rộng kiến thức. Tuy nhiên, hành trình học đại học của anh không dễ dàng.
Khi bắt đầu học tại Trường Đại học Ngoại thương, điểm TOEIC đầu vào của anh chỉ đạt 235/990, thấp hơn rất nhiều so với các bạn cùng lớp.
“Tôi rất tự hào khi đỗ vào một trường đại học danh tiếng, nhưng niềm tự hào ấy nhanh chóng bị thay thế bởi cảm giác tự ti khi nhận ra khoảng cách giữa mình và các bạn học. Họ rất giỏi, còn tôi cảm thấy như bị tụt lại phía sau.
Trong lớp, tôi bị xếp vào nhóm sinh viên yếu nhất, và tôi cảm thấy rất áp lực. Ngày đầu tiên đi học, giảng viên yêu cầu mỗi người giới thiệu về quê hương mình bằng tiếng Anh. Tôi chỉ biết nói duy nhất một câu: "I am from Thái Bình".
Tôi rất bối rối khi nghe các bạn sinh viên khác nói lưu loát và tự tin. Họ chia sẻ về quê hương và những câu chuyện thú vị một cách dễ dàng. Thậm chí, có bạn đã nói về Hà Nội trong 20 phút bằng tiếng Anh, khiến tôi càng cảm thấy mình thua kém và xấu hổ vì không thể giao tiếp như họ”, anh nhớ lại.
Với anh Dũng, đó là những tháng ngày đầy khó khăn, khi anh cảm thấy mình lạc lõng trong lớp học, không thể hiểu được bài giảng. Hơn nữa, việc mất thính lực ở tai trái càng khiến anh gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn.
Từ những trải nghiệm đó, anh Dũng quyết tâm không ngừng cố gắng từng ngày. Sau mỗi buổi học, anh về nhà nghe lại bài giảng và sử dụng từ điển để hiểu rõ các khái niệm mới. Mặc dù vậy, điểm số tiếng Anh của anh vẫn chỉ dừng lại ở mức 5-6 điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tổng kết và khiến anh chỉ đạt điểm C.
Quyết không bỏ cuộc, anh đã gom góp tất cả số tiền có được để đăng ký khóa học tiếng Anh gần trường, tuy nhiên, do số lượng buổi học quá ít, anh không thấy tiến bộ đáng kể. "Tôi quyết tâm kiên trì học hỏi vì tôi biết rằng vượt qua thử thách này sẽ giúp tôi trưởng thành hơn", anh chia sẻ.
Nhận thấy một số bạn học song song giữa Trường Đại học Ngoại thương và các trường đại học đào tạo về ngoại ngữ, anh Dũng bắt đầu nhen nhóm ý tưởng. Anh tự nhủ, nếu họ có thể học cùng lúc hai trường, tại sao mình không thể?
Chính vì vậy, với mong muốn cải thiện trình độ tiếng Anh, anh Dũng đưa ra lựa chọn thi vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhờ ý chí quyết tâm, đến tháng 6/2012, anh vừa đủ điểm đỗ vào trường, dù điểm tiếng Anh chỉ đạt hơn 7 điểm.
“Khi mới lên Hà Nội, mẹ chỉ đưa tôi 1,5 triệu đồng để chi tiêu, trong khi một khóa học tiếng Anh cơ bản có giá 1,8 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi đó, tôi không thể chi trả cho các khóa học đắt đỏ. Cách duy nhất để học tiếng Anh hiệu quả và tiết kiệm là học tại trường đào tạo chuyên sâu về ngoại ngữ”, anh Dũng cho biết thêm.
Đến khi chuẩn bị tốt nghiệp song bằng ngành Kinh tế và Tài chính - Ngân hàng, anh Việt Dũng hiểu rằng bản thân cần có kiến thức vững vàng về tài chính, kinh tế và luật pháp. Vì vậy, anh quyết định theo học thêm ngành Luật Kinh tế.
“Tôi quyết tâm học để có được bốn bằng đại học, dù có lúc cảm thấy quá sức. Có những ngày, khi chỉ vừa hoàn thành bài thi học phần ngoại ngữ, trên xe tiếp tục đến trường để học ca tiếp theo, vừa đi tôi vừa khóc vì cảm thấy bản thân không đủ giỏi. Tôi tự tin rằng mình có thể làm được, nhưng áp lực và sự thất vọng đôi khi khiến tôi muốn chùn bước”, anh Dũng tâm sự.
Suốt quãng thời gian học đại học, anh Dũng vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo về gia đình. Để giúp đỡ bố mẹ, anh đã nhận làm gia sư dạy kèm cho các em nhỏ trong khu trọ.
“Tôi nhận công việc dạy học gia sư cho hai người con của chị chủ trọ. Vào khoảng thời gian ấy, mức lương cho gia sư chỉ khoảng 150 nghìn đồng cho một buổi dạy với 1 học sinh. Nhưng chị ấy đã trả lương cho tôi với mức thu nhập 200 nghìn đồng cho một buổi dạy học.
Điều này giúp tôi trang trải chi phí chi phí sinh hoạt và gửi tiền về cho mẹ. Mỗi buổi tối dạy học, tôi cố gắng hết sức để truyền đạt kiến thức, và cảm giác hài lòng khi thấy các em tiến bộ là động lực lớn đối với tôi. Cứ thế dần dần, lớp học gia sư của tôi ngày càng đông hơn”, anh Dũng nhớ lại.
Công việc học và làm ngày càng quá tải, đôi khi anh Dũng muốn bỏ cuộc nhưng nhớ lại ánh mắt của mẹ và những lời mẹ dặn dò: "Nếu con muốn từ bỏ, hãy suy nghĩ về lý do con bắt đầu," anh lại tiếp tục vững bước. Mẹ anh luôn mong muốn anh hoàn thành việc học, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả gia đình.
Đến giữa năm 2017, anh Trần Việt Dũng đã hoàn thành tất cả các chương trình học và nhận được bốn bằng đại học, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình chinh phục tri thức của mình.
Mong muốn lan tỏa kiến thức giáo dục đến các bạn trẻ
Hiện tại, anh Trần Việt Dũng đang đảm nhận cùng lúc hai công việc. Một công việc liên quan đến tài chính, anh làm từ xa cho một công ty tại Singapore, công việc này mang lại sự linh hoạt về thời gian. Công việc còn lại là dạy tiếng Anh. Vào buổi sáng, anh hoàn thành công việc tại công ty, chiều soạn bài giảng, và tối dạy học.
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề dạy học, anh Dũng kể rằng sau khi ra trường, anh có cơ hội gặp gỡ nhiều thầy cô giáo, và chính họ đã khuyến khích anh theo đuổi giáo dục thay vì chỉ tập trung vào tài chính. Những lời động viên này khiến anh Dũng suy nghĩ và nhận ra rằng mình có thể tạo ra giá trị cho người khác thông qua công việc giảng dạy.
Lúc mới bắt đầu, anh tạm dừng công việc về tài chính để tập trung giảng dạy và ôn thi các chứng chỉ tiếng Anh, từ đó, nâng cao khả năng giảng dạy và phát triển bản thân.
“Giáo dục không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê. Tôi yêu thích việc dạy học, giúp học viên đạt được mục tiêu của họ. Mỗi học viên đều có tiềm năng riêng, và tôi muốn hỗ trợ họ phát triển. Điều đặc biệt ở tôi là kinh nghiệm thực tế trong ngành tài chính, điều này giúp tôi truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả hơn”, anh Dũng bày tỏ.
Bên cạnh đó, anh Dũng còn xây dựng một kênh TikTok chuyên chia sẻ kiến thức học tiếng Anh miễn phí cho các bạn trẻ. Những chia sẻ của anh nhận được nhiều sự ủng hộ với hơn 40.000 lượt theo dõi, chủ yếu từ các bạn học sinh, sinh viên.
Trong tương lai, anh Việt Dũng mong muốn xây dựng một lớp học tiếng Anh chuyên nghiệp hơn, giúp nhiều bạn trẻ nâng cao khả năng ngoại ngữ. Điều quan trọng với anh không chỉ là số lượng học viên mà còn là việc lan tỏa giá trị thực tế của việc học, giúp học viên có thể sử dụng tiếng Anh trong công việc, tạo thu nhập và phát triển bản thân.
Anh Dũng cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên nên kiên trì với mục tiêu mà mình đặt ra, không nản lòng, từ bỏ khi chưa tìm được đích đến.
“Nhiều bạn trẻ hiện nay dễ dàng từ bỏ khi gặp khó khăn. Họ như đang cầm một chiếc cuốc vàng, chỉ cần nỗ lực thêm một chút nữa là sẽ đạt được thành quả lớn, nhưng thường thì họ không kiên trì và dễ dàng bỏ cuộc..
Kiên trì là yếu tố quan trọng, không thể đo thời gian bằng ngày hay tháng, mà cần phải đo bằng năm. Khi mới học tiếng Anh, không ai là người giỏi cả. Một năm, hai năm nỗ lực sẽ mang lại kết quả tốt hơn nhiều so với việc lười biếng suốt đời", anh Dũng bày tỏ.