Nghị lực của cô sinh viên dân tộc Raglai

Xuất thân từ một vùng đất nghèo khó ở Ninh Thuận, cô gái người dân tộc thiểu số Chamaleá Thị Thuế đã vượt qua điều kiện sống thiếu thốn để nuôi chí lớn, đến trường học tập, chờ ngày cống hiến cho quê hương.

Được biết, hiện nay, Thuế đang là sinh viên năm thứ ba, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM. Đối với một người dân tộc thiểu số, để có thể “chạm ngõ” chương trình học tập tại bậc đại học như bây giờ, Thuế đã cần rất nhiều nỗ lực để vượt qua những khó khăn về vật chất cũng như mang trong mình khát khao trở thành một người trí thức tốt. Thuế kể, cô xuất thân từ một gia đình có 8 anh chị em tại thôn Ma Ty, xã Phước Tân, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Vì vậy, quá trình học tập của Thuế gắn liền với tuổi thơ cơ cực tại vùng đất đầy nắng gió này. Nói về điều kiện sinh sống, Thuế cho biết: “Thời tiết nơi đây nắng nóng quanh năm, đất đai khô cằn khiến cho đời sống kinh tế của người dân gặp không ít khó khăn. Vì vậy, người dân ở Ma Ty, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai kiếm kế sinh nhai bằng nghề nông như trồng bắp, trồng sắn… trên nương rẫy. Hằng ngày, họ đi làm từ sáng tới chiều, thậm chí tối muộn mới về tới nhà. Ít ai được làm việc trong cơ quan Nhà nước”.

Cũng theo Thuế, trẻ em nơi đây có một mẫu số chung là học tới lớp Tám hay lớp Chín thì sẽ bỏ học để ở nhà chăm em cho bố mẹ làm nương rẫy hoặc đi làm công nhân lao động. Ngoài ra, có một số em còn lập gia đình khi tuổi còn quá nhỏ. Hiểu được những rào cản về việc học tập tại quê hương, suốt 12 năm đèn sách, Thuế luôn cố gắng phấn đấu trong học tập và không ngừng tôi luyện bản thân để nuôi dưỡng ước mơ. Nhớ lại chặng đường cắp sách đến trường của mình, Thuế tâm sự: “Việc học của mình khi ấy cũng gặp khó khăn không kém. Vì ở nông thôn nên cơ hội tiếp cận môi trường học tập hiện đại hay các thiết bị điện tử tiên tiến đều không có. Khoảng cách từ nhà đến trường rất xa nhưng mình vẫn tự đi bộ đến trường một mình mà không cần nhờ tới bố mẹ”.

Thuế vẫn đang nỗ lực từng ngày để thực hiện ước mơ của mình.

Thuế cho biết, vì gia đình làm nông nên vào những ngày thường trong tuần khi chỉ học một buổi, Thuế dành buổi còn lại để theo cha mẹ lên làm nương rẫy. Riêng thứ Bảy, Chủ Nhật, Thuế sẽ làm cả ngày. Không quên nhiệm vụ chính của mình, trong lúc chăn bò hay phụ giúp cha mẹ làm việc, cô vẫn mang theo sách vở để tranh thủ học vào những giờ nghỉ ngơi. “Khi nghĩ về tương lai sau này, mình lại càng cố gắng hơn nữa để không còn cái khổ”, Thuế bộc bạch. Kết quả, với sự kiên trì của bản thân, từ bậc tiểu học đến bậc THPT, Thuế luôn đạt thành tích cao trong học tập và giữ vững danh hiệu Khá - Giỏi trong trường.

Biến cố lớn nhất ảnh hưởng đến việc học tập của Thuế từ trước đến nay chính là việc mất đi người thân trong gia đình, cụ thể là bố của Thuế. Cô bùi ngùi chia sẻ: “Khi ấy là lúc đang học năm Hai, mình cảm thấy mọi thứ xung quanh sụp đổ và không còn ý chí, động lực nào trong việc học nữa nên đã muốn bỏ học giữa chừng. Nhưng khi nhớ lại tâm nguyện lúc còn sống của bố là có thể nhìn thấy con gái tốt nghiệp đại học và trở thành người thành công trong tương lai, cộng thêm việc thấy thương cho mẹ đang ở nhà nên mình đã không bỏ cuộc”. Ở Thuế, cô chưa bao giờ muốn phụ lòng người đã vất vả nuôi mình khôn lớn cũng như sự động viên của tất cả mọi người. Chính vì vậy, Thuế vẫn tiếp tục học tập để có được ngày hôm nay.

Thuế (thứ ba từ phải qua) tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của trường.

Từ lúc bước chân vào đại học, bên cạnh việc học, Thuế còn tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của trường như Chiến dịch Mùa Hè Xanh 2020, “Hội thao sinh viên 2020”… Ngoài ra, cô còn trải qua những công việc làm thêm khác nhau như phục vụ quán cơm, phục vụ nhà hàng, bán sinh tố để trang trải cho việc học. Dù có khó khăn, Thuế vẫn luôn lạc quan và không chịu khuất phục trước hoàn cảnh. Khi được hỏi về ước mơ sau này, Thuế bày tỏ: “Ngoài việc có thể có một công việc làm ổn định để giúp gia đình thoát khỏi cảnh làm nông cực khổ, mình muốn được trở về quê hương để dùng sức trẻ của mình cải thiện đời sống tại đây, đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề học tập của con em mình nhằm giúp các em có động lực đến trường”.

Hiếu Kha

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nghi-luc-cua-co-sinh-vien-dan-toc-raglai-post1336533.tpo