Nghị lực của người lính Cụ Hồ

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song với thương binh hạng 1/4 Hoàng Mộng Nguyên ở tổ dân phố Hồ Xuân Hương, thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, những ký ức về một thời chiến đấu gian khổ, ác liệt nhất vẫn còn in sâu trong tâm tưởng của ông. Mặc dù mang trên mình vết thương do chiến tranh để lại, nhưng ông Nguyên luôn phát huy bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy các con trở thành những người có ích cho xã hội và tham gia nhiệt tình các cuộc vận động, phong trào của địa phương.

Ông Hoàng Mộng Nguyên ôn lại kỷ niệm thời chiến tranh cùng con cháu. Ảnh: Kim Ly

Ông Hoàng Mộng Nguyên ôn lại kỷ niệm thời chiến tranh cùng con cháu. Ảnh: Kim Ly

Năm 1974, chàng thanh niên Hoàng Mộng Nguyên khi ấy mới chỉ 20 tuổi đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xung phong nhập ngũ và trực tiếp chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năm 1975, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, anh tiếp tục nhận lệnh sang chiến trường Campuchia, tham gia chiến đấu cùng quân tình nguyện Việt Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế hỗ trợ nước bạn Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol pot.

Năm 1980, trong một trận đánh ác liệt, cánh tay trái của anh bị cụt gần tới khuỷu tay, tỷ lệ thương tật 81%. Với người thanh niên trẻ khi ấy, nỗi đau không chỉ là mất đi một phần cơ thể, mà còn là không được tiếp tục sát cánh cùng đồng đội chiến đấu.

Xuất ngũ, trở về quê hương với cánh tay không còn nguyên vẹn và những cơn đau khi trái gió trở trời, sức khỏe sa sút, nhưng với bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện trong suốt những năm tháng chiến tranh, ông Nguyên luôn nỗ lực vượt khó, bươn trải đủ nghề để mưu sinh.

Ông Nguyên cho biết: "Tôi về quê giữa thời đất nước vẫn còn bao cấp, kinh tế khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi bàn với vợ phải cố làm kinh tế để vươn lên, không thể để đói nghèo đeo bám cả cuộc đời.

Cứ như thế, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, chúng tôi phải đủ nghề khác nhau từ nuôi gà, bán vé số cho tới mở hàng ăn để có tiền trang trải sinh hoạt, nuôi các con ăn học, trưởng thành.

Vất vả nhất, phải kể đến quãng thời gian 2 vợ chồng mở hàng bán cháo ăn sáng. Hôm nào cũng thức dậy từ 3-4 giờ sáng, tôi lại cùng chiếc xe đạp cũ sang tận bên Sơn Tây (Hà Nội) để lấy nguyên liệu về cho vợ chuẩn bị bán hàng.

Lúc đầu, việc đạp xe, vận chuyển hàng còn khá khó khăn do một phần cánh tay của tôi không còn. Song, cứ nghĩ đến những năm tháng chiến đấu gian nan, ác liệt nhất, những đồng đội của tôi đa phần đều đã hy sinh, cùng với sự động viên, an ủi của người thân cũng như bà con hàng xóm, tôi lại cố gắng vượt qua".

Nhận thức được hoàn cảnh khó khăn, sự vất vả của bố mẹ và tầm quan trọng của việc học, 2 người con của ông Nguyên luôn nỗ lực, cố gắng đạt nhiều thành tích cao trong học tập, tiếp tục đóng góp sức mình cho sự phát triển của tỉnh, của đất nước.

Con trai đầu của ông hiện đang công tác tại Sở NN&PTNT, con gái là bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 74 Trung ương. Bản thân ông cùng vợ và các con, cháu luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", hướng đến mục tiêu gia đình ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền. Qua nhiều năm bình xét, gia đình ông đều đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa và Gia đình văn hóa tiêu biểu của tổ liên gia.

Với tình cảm, trách nhiệm vì cộng đồng, ông Nguyên cùng gia đình luôn gương mẫu, tích cực tham gia công tác từ thiện, ủng hộ các loại quỹ để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt; phòng, chống dịch Covid-19…

Trong cuộc sống hằng ngày, ông luôn tương trợ, hết mình giúp đỡ bà con, hàng xóm khi gặp khó khăn; góp phần giữ gìn và bảo vệ trật tự an ninh khu phố; tích cực tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tuy đã gần 70 tuổi, nhưng ông luôn giữ thói quen sáng sớm dọn dẹp nhà cửa, sân vườn và đoạn đường trước nhà mình, cùng các hộ xung quanh vệ sinh đường phố, góp phần tạo môi trường sống trong lành, mát mẻ ở khu dân cư.

Nói về thương binh Hoàng Mộng Nguyên, đồng chí Trần Tường, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tường cho biết: "Vượt qua những nỗi đau, thương tật mà chiến tranh để lại, ông Nguyên luôn lạc quan, bản lĩnh, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa và nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương. Ông thực sự là tấm gương sáng cho mọi người noi theo".

Phương Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/80731/nghi-luc-cua-nguoi-linh-cu-ho.html