Nghị lực của những mảnh đời khuyết tật
Những mảnh đời khuyết tật không mặc cảm, thường xuyên lao động sản xuất có thu nhập ổn định nuôi cả các thành viên khác trong gia đình.
Chú Nguyễn Tôn Định, ở phường An Lạc, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, là một trong số người khuyết tật có nghị lực như vậy. Chú Định cho biết, chú đã trải qua 64 năm với đời sống khiếm khuyết. Bởi số phận không mỉm cười với chú, khi năm chú được tròn 1 tuổi, trận sốt bại liệt đã khiến 2 đôi chân bị liệt hoàn toàn; không thể đi đứng bình thường như bao người.
Chú Định bồi hồi nhớ lại: "Gia đình chú nghèo, lại đông anh em nên cuộc sống càng vất vả hơn. Tuy vậy, chú vẫn cố gắng đến trường và hoàn thành xong cấp III mặc cho bạn bè xa lánh, cười chê. Đến lúc chú hoàn thành xong cấp III, ước mơ làm luật sư đã không thành vì chú không có điều kiện để học lên đại học mà phải đi xin việc làm để chia sẻ khó khăn cùng gia đình".
Theo chú Định, lúc đó dường như chú mất hết niềm tin vì nhiều người xa lánh chú; do ngoại hình khiếm khuyết nên lúc đó việc tìm công việc ổn định và đúng sở thích là một điều vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, nỗi đau rồi cũng dần vơi đi, chú vượt lên mặc cảm và cả nỗi đau ấy mài mò học ngoại ngữ rồi đến học nghề điện tử, làm đủ mọi nghề từ nghề điện tử đến bây giờ là nghề đan móc để kiếm sống qua ngày nhưng trong tiềm thức của chú vẫn mong muốn mình có thể đóng góp một phần niềm vui nhỏ bé nào đó cho những mảnh đời khốn khổ hơn mình.
Chú Định cười vui cho biết thêm, ở tuổi cao sức yếu, với 2 đôi chân không đi đứng được, chú buộc phải tìm việc nhẹ phù hợp với mình dù thu nhập chưa cao.
“Cơ duyên, bước đầu nó cũng loạng choạng lắm, kim cũng đâm vô tay nhưng mà với nghị lực của mình cố gắng vượt qua chính mình. Cái này cũng đâu đến nỗi gì khó khăn lắm đâu, được sự chỉ bảo tận tình, và mình chăm chú làm thì từ từ cứng cũng thành mềm. Tay chú cứng lắm nhưng bây giờ uyển chuyển và dẻo lắm rồi", chú Định chia sẻ.
Một trường hợp khác cũng khiến bao người cảm phục vì nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Gặp chị trong ngôi nhà đơn sơ, gọn gàng, ngăn nắp, chị Nguyễn Thị Thuấn, 47 tuổi, ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Chị Thuấn kể, từ lúc sinh ra, chị đã không có được một cơ thể lành lặn như bao người khác. Đến nay, trải qua hơn bốn mươi năm sống trong cơ thể khiếm khuyết vì di chứng chất độc da cam, chị đã nhiều lần tủi thân, mặc cảm vì đôi chân teo tóp, không thể đi lại, sinh hoạt bình thường như mọi người, lúc nào cũng phải dựa vào người mẹ và anh chị em của mình.
Chị Thuấn cho biết thêm, không muốn cả cuộc đời bị bó hẹp với bốn bức tường, không muốn sống như thân tầm gửi, chị quyết tâm đi học nghề kiếm cho mình một việc làm “dựa lưng” để có thể tự nuôi bản thân, vừa phụ giúp gia đình. Trước đây, chị cũng từng làm qua nghề chấm sửa hình ảnh thủ công, đến nay chuyển sang nghề Đan móc. Có lẽ, đối với một phụ nữ bình thường mà nói, đan móc là công việc khá nhẹ nhàng, nhưng với chị thì khác.
Dù khó khăn, nhưng chị vẫn luôn nhắc nhở bản thân không được bỏ cuộc mà phải cố gắng, không ngừng cố gắng đến khi nào làm được mới thôi. Hằng ngày, chị ngồi móc từng sản phẩm như: móc khóa, túi xách, nón, miếng lót ly...
Chị Thuấn chia sẻ thêm, bước đầu, sau khi học xong nghề Đan móc thủ công, chị mạnh dạn đến Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hoa Đan Móc, ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều để xin việc làm.
“Ba mẹ mất rồi, mình cố gắng làm để mình lo cho bản thân mình. Cái nào còn sức khỏe mình làm mình lo cho mình để anh em khỏi lo. Bây giờ, mình làm cũng đủ rồi nhưng mình cố gắng làm nhiều khi tích lũy phần nào để đó cũng tốt. Làm vui lắm, nghỉ nó buồn, cứ làm, thì mình cũng mong có công việc làm hoài ổn định vậy hoài là tốt lắm. Thấy mình làm như vậy cũng đủ sống rồi, để nhà nước lo cho người khác nữa”, chị Thuấn nói.
Cô Lê Thị Hồng Hoa, chủ cơ sở, kiêm giáo viên dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, tại Cơ sở dạy nghề Hoa Đan Móc, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Cô luôn trăn trở tìm cơ hội để mở rộng cơ sở dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, thu nhận thêm nhiều học viên, thiết kế thêm nhiều mẫu mã, làm phong phú thêm cho sản phẩm đan móc tinh tế do những học viên khuyết tật giàu nghị lực để họ có thêm thu nhập ổn định.
Cô Hoa cho biết, những người khuyết tật là những con người giàu nghị lực và luôn vươn lên trong cuộc sống với những ước mơ cao đẹp. Chính vì vậy, ý định tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật trong cô lóe sáng, và quyết định xin vào làm giáo viên dạy nghề ở Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, từ năm 2003. Cô Hoa chia sẻ thêm, các em rất siêng năng và ham học. Mặc dù, có nhiều khiếm khuyết, nhưng rất cố gắng, điều đó làm cho cô vô cùng cảm phục:
“Nhiều khi cô lên cô dạy, cô chảy nước mắt; sự cố gắng của họ, họ rất siêng năng, chăm chỉ. Coi như họ tự lực được có niềm tin mà ta không mặc cảm. Nhiều khi, cô đi bán nghe nhiều người khen là người khuyết tật mà làm được nhu vậy, cho nên ta cũng rất là sẵn sàng ủng hộ. Cũng mong muốn, công việc này, cô cũng dành riêng cho người khuyết tật, để họ có việc làm ổn định bằng công sức lao động, để họ kiếm sống.”
Thực tế, vẫn còn nhiều mảnh đời khuyết tật khác đang từng ngày phải vượt lên nỗi đau để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Với những tấm gương vượt lên số phận như chú Nguyễn Tôn Định và chị Nguyễn Thị Thuấn mà chúng tôi vừa kể, rất đáng được mọi người cảm phục. Tin rằng, với nghị lực, sự lạc quan và sự chung tay của cộng đồng, sẽ giúp họ tiếp tục có thêm niềm tin để sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nghi-luc-cua-nhung-manh-doi-khuyet-tat-987222.vov