Nghị lực của thương binh Nguyễn Hữu Phúc

Trở về cuộc sống đời thường sau quân ngũ, đối mặt với không ít khó khăn, nhưng thương binh Nguyễn Hữu Phúc (sinh năm 1955) ở thôn Lạc Trung, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc luôn phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Thương binh Nguyễn Hữu Phúc luôn là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Ảnh: Trà Hương

Thương binh Nguyễn Hữu Phúc luôn là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Ảnh: Trà Hương

Năm 1972, ông Phúc (khi ấy mới tròn 17 tuổi) hăng hái lên đường nhập ngũ tại chiến trường D3 Tây Nguyên. Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương nặng ở chân và bị hỏng hoàn toàn mắt bên phải. Năm 1980, ông được xuất ngũ trở về địa phương.

Lúc này, với đồng lương phụ cấp ít ỏi, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 1993, thực hiện chủ trương khuyến khích các hộ nông dân đầu tư vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, ông Phúc mạnh dạn vay 5 triệu đồng của ngân hàng và vay thêm vốn của anh em, bạn bè để kinh doanh phế liệu.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ông luôn nỗ lực làm việc, tích cóp để gia tăng đồng vốn. Khi kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, ông Phúc tiếp tục vay vốn để mở rộng mặt bằng kinh doanh trên nền đất cũ của gia đình. Doanh thu hằng năm tăng dần từ vài chục triệu đồng lên hàng trăm triệu đồng. Năm 2006, ông tiếp tục mua thêm đất và mở rộng công việc kinh doanh tại thành phố Vĩnh Yên.

Đến nay, sau gần 30 năm kinh doanh phế liệu, gia đình ông Phúc đã có số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài gia tăng thu nhập cho gia đình, ông Phúc còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương với thu nhập từ 9-10 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông Phúc còn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương.

Gia đình ông luôn đi đầu trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, ủng hộ làm đường giao thông nông thôn, xây dựng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi của địa phương. Mới đây, gia đình ông đã ủng hộ hơn 100 triệu đồng xây dựng đình làng thôn Lạc Trung. Bản thân ông Phúc tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã…

Một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương đã được gia đình ông giúp đỡ vốn để kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống; 4 người con của ông đều tốt nghiệp đại học, xây dựng gia đình riêng và có việc làm ổn định.

Với những đóng góp đó, ông Phúc đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể ở địa phương.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81218/nghi-luc-cua-thuong-binh-nguyen-huu-phuc.html