Nghị lực phi thường của những nạn nhân chất độc da cam

Chiến tranh đã qua đi hàng chục năm, nhưng vẫn để lại những nỗi đau cho các cá nhân, gia đình. Trong đó, có những người không may mắn bị dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố mẹ, ông bà. Tuy nhiên, không đầu hàng trước số phận, có rất nhiều cá nhân đã vươn lên từ khó khăn.

Dù bẩm sinh đã không được may mắn như những người khác, nhưng anh Nguyễn Minh Phú vẫn tạo nên những kỳ tích. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Dù bẩm sinh đã không được may mắn như những người khác, nhưng anh Nguyễn Minh Phú vẫn tạo nên những kỳ tích. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Đi qua sóng gió tuổi thơ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ngay từ khi ra đời, Nguyễn Minh Phú (sinh năm 1993) đã không may mắn có được cơ thể lành lặn như bạn bè đồng trang lứa. Trên thân thể nhỏ bé của anh khuyết thiếu đi hai cánh tay do di chứng chất độc da cam từ cha.

Không chỉ Minh Phú, mà tất cả ba anh em trong gia đình anh đều bị ảnh hưởng từ chất độc da cam, người chị cả bị tâm thần, cậu em út bị còi xương. Tuy nhiên, anh Phú không đầu hàng trước số phận mà vẫn kiên cường, mạnh mẽ theo đuổi con đường học tập.

Bắt đầu từ năm lên 6 tuổi, Minh Phú cũng khao khát được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Hiểu được nỗi niềm ấy, ông Lộc trở thành thầy giáo của con, dạy Phú viết chữ bằng chân. Cuối cùng, sau ba năm khổ luyện, Phú không chỉ viết bằng chân thành thạo mà nét chữ của anh còn đẹp đến ngỡ ngàng.

Lên 9 tuổi, Phú vào lớp một và bắt đầu hành trình học tập. Ban đầu, bạn bè trong lớp thấy anh khiếm khuyết cơ thể, nên sợ hãi, xa lánh, không muốn chơi cùng. Nhưng Minh Phú không hề chán nản, anh tiếp tục nỗ lực trên lớp. Sau một thời gian, thầy cô, bạn bè nhìn những hàng chữ ngay ngắn, tròn đẹp trên tập vở, khả năng tiếp thu kiến thức nhanh của anh nên đã thay đổi cách nhìn, dành tình cảm trân trọng, yêu mến cho Minh Phú.

Suốt 12 năm liền, Nguyễn Minh Phú là học sinh xuất sắc và liên tục được nhận nhiều giải thưởng ý nghĩa. Đặc biệt, Minh Phú còn dùng đôi chân thay cánh tay để phụ giúp công việc gia đình cho bố mẹ. Anh có thể dùng chân đi bắt cá, bắt ốc,... ngoài mương, luồn kim, xâu chỉ khâu quần áo.

Câu chuyện của cô gái Vũ Thị Hải Anh (sinh năm 2000), bị khiếm thị bẩm sinh do di chứng từ chất độc da cam từ bố. Sinh ra tại Nam Định, Vũ Thị Hải Anh bị mắc bệnh teo nhãn cầu và đục thủy tinh thể bẩm sinh, dù gia đình cô đã cố gắng chữa trị, nhưng đều thất bại.

Dù khiếm khuyết đôi mắt, nhưng Hải Anh lại nhìn cuộc đời bằng trái tim và nghị lực. Từ nhỏ, mẹ là người đã dạy cho cô những bài học đầu tiên. Hải Anh tiếp thu kiến thức rất nhanh, lại ham học, cô sớm biết đọc, biết viết. Nhưng phải đến năm 13 tuổi, gia đình mới cho Hải Anh cho đến trường đi học lớp 3 với bạn bè.

Không nhìn được, khiến cho việc học của Hải Anh khó khăn hơn bạn bè rất nhiều. Nhưng cô không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục nỗ lực cố gắng gấp nhiều lần để bắt kịp tiến độ giảng dạy trên lớp của giáo viên. Đến năm 16 tuổi, Hải Anh một mình lên Hà Nội học cấp 2 tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Để theo đuổi con đường học vấn, Hải Anh vừa đi học, vừa đi làm, tự trang trải chi phí sinh hoạt ăn ở.

Không chỉ xuất sắc trong học tập, Hải Anh còn làm MC, viết báo, tham gia các dự án phi chính phủ. Cô tận dụng mọi cơ hội để có thể có mặt trong những dự án này nhằm kết nối các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội với người khuyết tật, tìm cách mang những quyền lợi chính đáng về cho cộng đồng của mình.

Dù bị khiếm thị nhưng Vũ Thị Hải Anh luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. (Nguồn: Đồng hành Việt online)

Dù bị khiếm thị nhưng Vũ Thị Hải Anh luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. (Nguồn: Đồng hành Việt online)

Ở tuổi 24, sau nhiều nỗ lực, Hải Anh đã quyết tâm thi vào đại học. Với mơ ước được làm trong ngành truyền thông, cô đã đăng ký vào ngành Quan hệ công chúng của một trường đại học nhưng bị từ chối vì khiếm khuyết của mình. Sau đó, may mắn, cô đã được Trường Đại học KHXH&NV tiếp nhận.

Tỏa sáng với nghị lực phi thường

Nguyễn Minh Phú không chỉ được biết đến là một học sinh, sinh viên giỏi, mà anh còn đạt rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Năm 2005, Phú là đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Nghệ An, đại biểu Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc, đại biểu Hiệp sĩ công nghệ thông tin và là một trong mười thanh niên tiêu biểu toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bầu chọn. Đến năm 2006, Phú vinh dự nhận giải thưởng “Mãi mãi tuổi hai mươi” và được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An.

Mùa tuyển sinh năm 2010 - 2011, Phú được tuyển thẳng vào hai trường đại học, Trường Đại học Hồng Bàng và Trường Đại học Công nghệ thông tin ĐHQG TP HCM. Bằng chính nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của mình, từ một cậu bé bất hạnh tưởng chừng không thể sống được vì sức khỏe quá yếu, Phú đã trở thành gương sáng cho tuổi trẻ tỉnh Nghệ An và nhiều người bình thường khác.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Phú đã làm rất nhiều công việc, trải qua nhiều khó khăn, nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Được mẹ động viên và truyền cảm hứng về giải pháp ăn uống lành mạnh, khoa học, Minh Phú đã tự mình trải nghiệm và tìm được đam mê là trở thành một nhà nghiên cứu - tư vấn những bữa ăn lành mạnh, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Sau một thời gian nghiêm túc theo đuổi công việc này, Minh Phú đã gặt hái nhiều thành công và mong muốn sẽ lan tỏa năng lượng sống tích cực, giúp nhiều người sống vui, sống khỏe.

Với Vũ Thị Hải Anh, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ cô đã có những “trái ngọt” với hàng loạt các thành tích đáng nể như năm 2019, cô nhận giải Đặc biệt cuộc thi viết thư UPU lần thứ 48. Cùng năm, Hải Anh đạt giải Nhì cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc. Năm 2020, Hải Anh nhận Bằng khen học sinh tiêu biểu Thủ đô. Năm 2022, cô nhận Bằng khen thanh niên tiêu biểu toàn quốc của Trung ương Đoàn.

Mặc dù con đường học tập ở bậc đại học của cô cũng gặp rất nhiều thách thức. Hầu hết các bài giảng đều được trình chiếu trên máy tính, không có giáo trình chữ nổi cho người khiếm thị, nhiều lúc khiến Hải Anh bật khóc vì bất lực. Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, cô luôn cố gắng từng ngày một. Đầu năm 2024, Hải Anh được chọn là 1 trong 55 sinh viên khu vực phía Bắc được nhận học bổng từ chương trình “Nâng bước thủ khoa” của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam.

Ngày 10/8 hằng năm là “Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”. Đây là ngày đầu tiên trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải chất độc diệt cỏ xuống chiến trường miền Nam vào năm 1961, để lại hậu quả rất nặng nề về sức khỏe cho những người bị phơi nhiễm loại chất độc hóa học này. Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề chất độc da cam/dioxin và có những chính sách hiệu quả, thiết thực, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho các nạn nhân.

Anh Nhi (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nghi-luc-phi-thuong-cua-nhung-nan-nhan-chat-doc-da-cam-post520604.html