Nghị lực vươn lên của người đàn ông nghèo

Gia đình thuộc diện nghèo, lại nuôi 6 người con đang ở độ tuổi đến trường khi bản thân thường xuyên đau ốm và không có công việc ổn định, nhưng với lòng quyết tâm vượt qua số phận, anh Kiều Kim Tới ở thôn Ngọc Bật, xã Cao Phong, huyện Sông Lô đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế vững mạnh. Anh Tới là tấm gương sáng về ý chí vượt khó, làm giàu trên quê hương, được mọi người yêu quý, nể phục.

Anh Kiều Kim Tới chăm sóc đàn dê của gia đình.

Anh Kiều Kim Tới chăm sóc đàn dê của gia đình.

Năm 2017, gia đình anh Kiều Kim Tới còn là hộ nghèo của thôn. Mặc dù cần cù, chịu khó, ai thuê gì anh đều tích cực làm nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, cuộc sống của gia đình vẫn cữ mãi nghèo. Điều đáng nói là bản thân anh Tới mắc bệnh tim, thường xuyên phải chạy chữa thuốc thang tốn kém. Vợ chồng anh Tới có 6 người con đang tuổi ăn, học nên bao nỗi lo toan, vất vả đổ dồn lên vai người đàn ông lam lũ sinh năm 1974 này.

Anh Tới tâm sự: “Gia đình đông con, cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào mảnh vườn, vài sào ruộng và chút tiền công lao động làm thuê, làm mướn nên bữa ăn cho con cũng lúc no, lúc đói chưa kể chuyện học hành.

Mặc dù rất buồn, nhưng tôi lại nghĩ mình là trụ cột gia đình, nếu mình buông xuôi cho số phận thì tương lai của gia đình và mấy đứa nhỏ sẽ ra sao. Bởi vậy, dù sức khỏe không được tốt, nhưng tôi vẫn cố gắng tự động viên mình phải giữ tinh thần lạc quan và cố gắng tìm công việc phù hợp để cải thiện kinh tế gia đình”.

Với sự hỗ trợ của chính quyền thôn, xã, anh Tới được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện 80 triệu đồng làm chuồng trại, mua 4 nái bò. Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn bò sinh trưởng tốt. Hằng năm, từ nguồn bán bê con, anh đã trả nợ được cả vốn và lãi cho ngân hàng. Tích cóp được số vốn nhỏ, anh mạnh dạn vay mượn thêm anh em, bạn bè xây thêm chuồng nuôi lợn nái, từ đó, thu nhập ổn định, có tiền nuôi các con ăn học đầy đủ.

Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ nông dân khác, trong chăn nuôi không tránh khỏi những lúc gặp rủi ro bởi dịch bệnh và giá cả thị trường. Anh Tới chia sẻ: "Có thời điểm giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, trong khi giá lợn, giá bò lại giảm mạnh, nên việc chăn nuôi không những không có lãi mà tôi phải bù lỗ rất nhiều để cố cầm cự duy trì. Thế nhưng, có năm đúng đợt dịch khiến cả bò và lợn đều bị chết, bao vốn liếng và mồ hôi, công sức của tôi như đổ xuống sông.

Nhận thấy mình sinh ra ở quê, có nghề nông, có vườn, có ruộng, bởi vậy, tôi xác định nghề chăn nuôi vẫn là sinh kế tốt nhất để phát triển kinh tế gia đình. Tìm hiểu thị trường, tôi nhận thấy các nhà hàng, quán ăn đều có nhu cầu thịt dê thương phẩm rất lớn. Tôi đã quyết định chuyển hướng sang nuôi dê nái và dê thịt”.

Ngoài việc tận dụng diện tích chuồng trại nuôi bò, lợn trước đây, anh Tới thỏa thuận với một số hộ dân đổi thêm 7 sào ruộng để xây chuồng rộng hơn, anh nuôi thử nghiệm 6 con dê nái và hơn 10 con dê thịt. Khai thác lợi thế diện tích vườn rộng, anh Tới trồng sắn, trồng mít và cỏ sữa, hằng ngày vào rừng hái thêm lá cây làm thức ăn cho dê. Rút kinh nghiệm từ chăn nuôi bò, lợn trước đây, anh dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu cẩn thận hơn về kỹ thuật chăn nuôi dê ở trên mạng internet và sách báo.

Anh thường xuyên phối hợp với cán bộ kỹ thuật cơ sở cung ứng dê giống và cán bộ thú y xã tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn dê. Anh cũng chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, bởi vậy, đàn dê khỏe mạnh, sinh sản ổn định, mỗi con dê 2 năm sinh 3 lứa, mỗi lứa 2 con. Từ số lượng dê nái và dê thịt ban đầu, đến nay, chuồng của anh đã có 20 con dê nái và hơn 100 con dê thịt.

Anh Tới cho biết: "Hiện nay, mỗi con dê thịt có trọng lượng từ 30 - 40 kg, giá thị trường hiện nay dao động từ 170 - 200 nghìn đồng/kg. Hiện tôi bán dê thịt cho các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh và các thương lái, đồng thời, cung ứng dê giống cho các hộ dân trong vùng và một số hộ dân ở tỉnh Hòa Bình".

Với nghề chăn nuôi dê, gia đình anh Tới không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên có kinh tế vững chắc, trung bình mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng. Kinh tế gia đình ngày càng đi lên, anh Tới có điều kiện nuôi con ăn học và có tiền chữa bệnh nên sức khỏe của anh đã cải thiện hơn. Ngoài chăn nuôi, anh Tới còn liên hệ mua nước sạch cung ứng cho các hộ dân trong thôn, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở địa phương.

Những thành quả đạt được hôm nay là sự nỗ lực, không đầu hàng số phận, vượt qua hoàn cảnh, bởi vậy, anh Tới là tấm gương sáng vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình ở địa phương, được chính quyền ghi nhận và người dân yêu quý.

Bài, ảnh: Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95254//nghi-luc-vuon-len-cua-nguoi-dan-ong-ngheo