Nghị lực vươn lên của những người không may mắn

Nhiều người khiếm khuyết về cơ thể có nghị lực mạnh mẽ vượt qua những khó khăn hiện tại để phát triển kinh tế, trở thành tấm gương sáng về nhiều lĩnh vực trong đời sống, được mọi người cảm mến, trân trọng.

Anh Trần Văn Thiện, tổ 16, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) thiết kế phần mềm trên máy vi tính. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Anh Trần Văn Thiện, tổ 16, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) thiết kế phần mềm trên máy vi tính. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Có rất nhiều tấm gương người khuyết tật phát triển kinh tế ở thành phố Hà Giang. Trong đó, nổi bật là Trương Đình Long, tổ 6, phường Quang Trung, Long phải bươn trải kiếm sống bằng đủ thứ nghề từ cửu vạn, phụ hồ hay xe ôm... Trong 1 lần đi làm tại xưởng đá, chẳng may cánh tay phải bị quấn vào hệ thống máy quay, khiến bị liệt không cử động như bình thường nữa. Từ đó, Long mang theo suy nghĩ với 1 cánh tay tàn phế sẽ không ai dám nhận mình vào làm việc được nữa. Trong đầu nảy ra suy nghĩ sẽ đẩy mạnh phát triển cây ăn quả trên chính mảnh vườn, đồi của gia đình. Hiện nay, Long trồng 200 cây na, với sản lượng 1 tấn/năm; ổi, lê có 400 gốc, cho năng suất 2 tấn/năm, lợi nhuận từ vườn cây cho thu nhập 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, với diện tích mặt nước 300 m² nuôi nhiều loại cá phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch hàng ngày cho gia đình. Long tâm tình: Những ngày đầu phát triển trồng cây ăn quả, không ai dám tin là mình sẽ làm được, người đầy đủ tay chân còn không làm được huống gì 1 kẻ tật nguyền như mình. Nhờ sự nỗ lực tìm hiểu các thông tin trên mạng về các kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vườn cây ăn quả đã cho năng suất cao. Thấy mình phát triển kinh tế hiệu quả, nhiều người ở các địa phương lân cận cũng tìm đến học hỏi để áp dụng vào thực tiễn.

Anh Trương Đình Long, tổ 6, phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) tâm sự về cách làm kinh tế. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Anh Trương Đình Long, tổ 6, phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) tâm sự về cách làm kinh tế. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Anh Trần Văn Thiện, tổ 16, phường Nguyễn Trãi, cách đây 30 năm về trước anh là giáo viên. Đến năm 2013, tai nạn ập đến bất ngờ khiến anh bị gẫy cột sống, liệt tủy dẫn đến 2 chân không đi lại được nữa. Khó khăn vây lấy khó khăn, nhưng bằng nghị lực sắt đá, anh Thiện đã tự mình vực dậy ý chí tự làm thiết kế in quảng cáo, thiết kế phần mềm cho Công ty MMG ở Hải Phòng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn nuôi 500 con gà ri, mỗi năm cũng đem lại cho gia đình anh 120 triệu đồng/năm. Anh Thiện tâm sự: Khiếm khuyết về cơ thể là những niềm đau thầm kín khó nói của những người khuyết tật, nhưng mỗi con người 1 vận mệnh riêng, quan trọng là phải sống với niềm tin, trách nhiệm với chính mình và mọi người xung quanh. Chỉ có sự cố gắng vươn lên từ ý chí sẽ làm được nhiều điều có ích cho đời, cho xã hội. Thời gian tới, anh dự định sẽ mở lớp dạy miễn phí về thiết kế phần mềm tin học, những kỹ thuật đồ họa cho những bạn trẻ đam mê công nghệ.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Giang, Triệu Long Xuân cho biết: Có rất nhiều hội viên vượt qua nỗi đau thể xác, vươn lên trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội. Thành phố có rất nhiều tấm gương sáng người khuyết tật làm kinh tế giỏi được cộng đồng yêu mến, trân trọng.

Những số phận bất hạnh của quanh ta, với nghị lực của bản thân, họ đã vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường; nỗ lực phát triển kinh tế để nhận được những ánh mắt nhìn thân thiện, đầy khâm phục của mọi người. Niềm tin đã chiến thắng được nỗi đau của thể xác, giúp họ mạnh mẽ, làm được nhiều điều cho chính bản thân và những người thân yêu.

Bài, ảnh: Thái Khang

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202106/nghi-luc-vuon-len-cua-nhung-nguoi-khong-may-man-776820/